| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi Điện Bàn vượt khó

Thứ Sáu 30/10/2015 , 08:49 (GMT+7)

Thị xã Điện Bàn nằm ở hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia là vùng lúa trọng điểm phía Bắc tỉnh Quảng Nam đang đối diện với biến đổi khí hậu rất nặng nề.

Nguồn nước nhiễm mặn, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới bị vùi lấp do mưa lũ gây ra... Ngành thủy lợi đã nỗ lực dẫn nước lên đồng ruộng góp phần đem lại mùa màng bội thu.

Công việc thầm lặng

Đất nước thống nhất, huyện Điện Bàn xác định “nông nghiệp là mặt trận số một, thủy lợi là biện pháp hàng đầu”. Do đó đã huy động người dân bỏ hàng triệu ngày công để khai hoang vỡ hóa, tháo gỡ bom mìn, biến những đống đất hoang tàn thành những đồng lúa cao sản.

Ngày đó, người dân Điện Bàn có câu ca: “Nghiêng sông đổ nước lên đồng/Để cho cây lúa trổ bông ba mùa”. Cả huyện náo nức không khí làng trên, xóm dưới và ngày ngày có mặt trên những khu đất hoang hóa để mở ra những tuyến kênh mương dẫn nước vào đồng.

Và ngày 29/3/1976 - một ngày đáng nhớ tại huyện này, đó là trạm bơm Vĩnh Điện, đứa con đầu lòng của ngành thủy lợi Điện Bàn tổ chức lễ khánh thành, trực thuộc huyện quản lý.

Trải qua thời gian có nhiều trạm bơm khác được thành lập và đến năm 1993 tất cả được chuyển giao cho Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn (Cty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam).

Về thị xã Điện Bàn những ngày này, vụ HT kết thúc, hệ thống các trạm bơm trên địa bàn ngừng hoạt động, thế nhưng đội ngũ làm thủy nông không ngừng nghỉ. Hàng ngày mỗi người một việc, người tháo máy bơm duy tu, bảo dưỡng. Người lội xuống kênh mương nạo vét luồng lạch dẫn nước để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

16-03-31_nh-2
Vụ mùa kết thúc, nhân viên thủy lợi tập trung bảo dưỡng máy móc

Đang cùng nhân viên của mình duy tu cửa van tại đập dâng Bầu Nít, xã Điện Hòa, ông Nguyễn Văn Đức, GĐ Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn cho biết: "Từ đầu vụ, chúng tôi lo nước tưới cho ruộng đồng, ngành thủy lợi đặt ra mục tiêu không để ruộng thiếu nước. Bằng nỗ lực, một vụ HT giành thắng lợi toàn diện. Nay đồng ruộng vắng bóng những cây lúa, những đám ruộng trơ gốc rạ đang đón chờ những đợt phù sa do lũ mang về. Còn nhân viên chi nhánh lại xắn tay vào việc tu bổ các công trình để chuẩn bị vụ tiếp theo.

Đưa nước lên ruộng phải có kế hoạch cụ thể, phải sẵn sàng lực lượng cao nhất, phương án tối ưu nhất để bằng mọi giá đảm bảo nguồn nước cho dân sinh hoạt và SX. Vụ nào cũng vậy, chi nhánh tập trung nạo vét các tuyến kênh dẫn, sửa chữa một số công trình xuống cấp... Cùng với đó, lập phương án chuyển tải nước hợp lý, tiết kiệm”.

Được biết, mỗi năm chi nhánh cung cấp nước cho toàn thị xã Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam) và một số xã, phường TP Đà Nẵng với tổng diện tích hơn 9.000 ha lúa. Ngoài việc cấp nước, chi nhánh có chức năng quản lý, sửa chữa, nạo vét… hơn 120 km kênh mương, 11 trạm bơm, 2 đập dâng và 1 hồ chứa. Một nhiệm vụ rất nặng nề, trong khi toàn chi nhánh có 67 người, vậy mà chưa năm nào không hoàn thành kế hoạch đề ra.

16-03-31_nh-3
Kênh mương dẫn nước thường bị bồi lấp

Ông Đức chia sẻ, ngành thủy lợi đang đối diện với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Tại Quảng Nam thì vùng Điện Bàn ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong 3 năm trở lại đây, nước thượng nguồn đổ về giảm sụt nên hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia thiếu hụt nước ngọt trầm trọng, do đó nước trên 2 con sông này mặn xâm nhập sâu. Khốc liệt nhất là vụ HT, nếu không có biện pháp thì mỗi năm có hàng ngàn ha lúa trên địa bàn bị bỏ hoang.

Nước nhiễm mặn đã đành, trên địa bàn Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn quản lý thường xuyên bị mưa lũ gây thiệt hại, có nhiều trạm bơm bị đất, cát bồi lấp mương dẫn nước từ ngoài sông vào cửa trạm bơm. Hay hệ thống kênh dẫn nước bị phá vỡ, có đoạn bùn đất lấp đầy. Trong khi yêu cầu nước phải dẫn đến ruộng, do đó phải dọn dẹp, tu sửa thường xuyên.

“Ngành thủy lợi luôn phải đi trước, do đó chúng tôi lúc nào cũng lên phương án, kế hoạch sẵn sàng phục vụ nước tưới. Để nguồn nước không thất thoát, ngoài việc chi nhánh quản lý thì hệ thống HTX được giao nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, khi nước được đưa về thì đội ngũ HTX có phương án dẫn nước, đồng thời quản lý hệ thống kênh mương mình phụ trách. Do đó, ruộng đồng không thiếu nước, hệ thống kênh mương được đảm bảo”, ông Đức bày tỏ.

Giành giật từng giọt nước

Cứ đến các vụ mùa, những đám ruộng trên địa bàn thị xã Điện Bàn, TP Hội An và TP Đà Nẵng đầy ắp nước, thậm chí những đợt nắng hạn kéo dài nhưng ruộng đồng không thiếu nước. Đấy không phải tự nhiên mà có, mà công sức của cán bộ thủy nông bỏ ra, họ túc trực suốt đêm, thay nhau đứng điểm để giành giật từng chút nước ngọt với mặn để bơm tưới về đồng được vài giờ mỗi ngày.

16-03-31_nh-4
Nhân viên trạm bơm Tứ Câu đo nồng mặn để bơm nước lên đồng ruộng

Giữa vụ HT 2015 vừa qua, tôi có mặt tại trạm bơm Tứ Câu (Điện Ngọc, Điện Bàn), anh Trương Hồng Nam, nhân viên trạm bơm Tứ Câu đang đo nồng độ mặn. Nam dùng một cây sào, cột vào một chai thủy tinh thả xuống lòng sông để lấy nước. Nhìn mặt sông xanh ngắt, với kinh nghiệm làm thủy nông nhiều năm, anh Nam đoán nồng độ mặn lúc này rất cao.

Từ vụ HT 2013, trước tình hình mặn tấn công đồng ruộng ở thị xã Điện Bàn, không còn cách nào khác, ngành nông nghiệp Quảng Nam đưa ra phương án đắp đập tạm thời giữ ngọt. Đồng thời đề nghị các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn có kế hoạch xả nước. Cách làm này đem lại hiệu quả. Do đó một con đập đã được xây dựng để giữ ngọt, ngăn mặn.

Sau đó, anh đem máy ra đo thì cho kết quả nồng độ mặn lên đến 4,5 phần nghìn. Cầm kết quả trên tay, anh Nam phân tích: “Nồng độ này vượt xa so với mực cho phép rất nhiều. Hiện lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, nồng độ mặn cho phép dưới 0,8 phần nghìn, nếu bơm lên thì cây chỉ có chết. Ở trạm bơm Tứ Câu vào thời điểm này chưa có năm nào nồng độ mặn lại cao như ri hết, năm nay mặn xâm nhập sớm quá”.

Anh Nam tâm sự, mấy ngày hôm nay, anh em không rời bước khỏi dòng sông này, cứ 30 phút, anh em lại ra sông một lần lấy nước đo nồng độ mặn.

Nếu nồng độ dưới 0,8 phần nghìn thì vận hành máy, lúc đó ngồi đo liên tục, nếu nồng độ vượt quá mức cho phép liền đóng máy. So với năm trước, thời điểm năm nay mặn xâm nhập sớm và nồng độ cao hơn gấp nhiều lần.

Để có nước tưới cho lúa, hầu hết các trạm bơm đóng ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam phải hoạt động theo giờ, theo từng thời điểm.

“Việc đưa nước lên ruộng đã khó, nhưng việc tránh lãng phí còn khó hơn. Do đó, các cụm thủy nông tổ chức xây dựng kế hoạch dùng nước cho từng công trình, trong đó tăng cường công tác kiểm tra không để xảy ra sự cố kênh mương, công trình trong quá trình cấp nước”, anh Nam tâm sự.

16-03-31_nh-5
Vụ hè thu đắp đập trên sông Vĩnh Điện giữ ngọt, ngăn mặn

Nguồn nước ngọt khan hiếm, do đó mỗi lần thủy điện xả nước về, không riêng gì trạm bơm Tứ Câu mà tất các trạm bơm túc trực thường xuyên để tận dụng nguồn nước đầu mối vận hành đảm bảo nước từng phiên đạt yêu cầu. Trong qúa trình vận hành trạm bơm, Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn có những sáng kiến nhằm tăng hiệu quả, giảm giá thành.

Chẳng hạn, mỗi lúc vận hành máy bơm, thường nhắm vào những lúc thấp điểm vận hành tối đa công suất các trạm bơm. Cách làm này sẽ giảm giá thành cho chi phí tiền điện. Đổi lại, họ thức trắng đêm. Hay tại các máy bơm, họ lắp tụ bù để giảm công suất phản kháng, tăng hiệu suất của máy bơm cao hơn. Cách làm này giảm điện tiêu hao rất hiệu quả.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm