| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi đồng bằng thích ứng với thiên nhiên bất định: [Bài 1] Ba yếu tố bất định

Thứ Tư 06/11/2019 , 14:14 (GMT+7)

Mùa lũ năm nay, vùng ĐBSCL chứng kiến nhiều kỷ lục, mực nước ở thượng nguồn rất thấp còn ở hạ nguồn kết hợp triều cường lại vượt đỉnh nhiều năm. Tương lai ĐBSCL thật khó đoán định. 

Tất cả đang là bài toán đặt ra cho công tác thủy lợi tìm lời giải để hỗ trợ vùng nông nghiệp trọng điểm của quốc gia phát triển, ổn định cuộc sống người dân.

Bên cạnh sự bất định nguồn nước ngọt từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về do vô số đập thủy điện ngăn dòng chính lẫn các chi lưu và nước biển dâng do biến đổi khí hậu có dấu hiệu cao hơn dự đoán là sự sụt lún đất vùng ĐBSCL chưa hiểu hết nguyên nhân, tất cả gây nên sạt lở khắp nơi, ngày càng nghiêm trọng.
 

Nước ngọt ngập dưới, cạn trên

Chập tối 1/10/2019, triều cường mênh mông quanh hồ Bún Xáng kế Trường Đại học Cần Thơ, bà Lê Thị Kim Thúy (50 tuổi) chạy xe máy trong hẻm ra, không xác định địa hình nên lao qua đường và vỉa hè, rơi xuống hồ thiệt mạng. Đáng quan tâm là hồ Bún Xáng rộng 12,6 ha đang được cải tạo tốn hơn 300 tỷ đồng, con đường quanh bờ hồ vừa làm xong. Nguyên nhân chính được địa phương đưa ra là, triều cường vượt đỉnh nhiều năm đã nhấn chìm cả đường lẫn vỉa hè.

13-26-16_0411191
Vị trí bà Lê Thị Kim Thúy thiệt mạng tối 1/10, khi con đường mới làm ở trung tâm Cần Thơ bị triều cường nhấn chìm.

Giám đốc Sở GT- VT Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, đỉnh triều cường năm nay đạt mức kỷ lục 2,25m, vượt đỉnh triều cường năm 2004 là 1,93m, năm 2010 là 1,94m, năm 2018 là 2,23m. Riêng quận Ninh Kiều ở trung tâm thành phố Cần Thơ có 61 con đường ngập từ 0,2-0,4m, các quận khác cũng ngập mỗi quận hàng chục đường.

Giữa tháng 10, lên vùng thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Đồng Tháp, lại nghe người dân than thở năm nay lũ về muộn hơn tháng, rồi bất ngờ rút nhanh, chưa hết mùa lũ theo bình thường mà đồng đất đã khô cạn không trồng cấy gì được.

Bà Nguyễn Thị Út ở xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) nói: “Nước lên 20 ngày rồi rút luôn cho đến giờ, thật khác với năm rồi cuối tháng 11 nước mới cạn đồng, dân không còn biết làm gì để sống”. Cạnh nhà bà Út là nhà ông Sáu (anh chồng bà Út), đi chài lưới về được hơn ký cá nhỏ rô lẫn mè, thở dài “đồng cạn nên chài dưới sông, từ sáng đến trưa chỉ đủ cho nhà ăn, không có bán”.

Từ huyện Tam Nông chạy tiếp lên thượng nguồn, gặp ông Nguyễn Văn Mách 70 tuổi ở ấp 1, xã An Bình (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) trong chòi giữ vịt giữa đồng. Ông chỉ cánh đồng trơ gốc rạ bảo: “Đồng không có nước nên năm nay tôi mua 3 triệu đồng tiền lưới tính kiếm cá tôm mùa lũ mà đành xếp xó, nuôi 60 con vịt hy vọng kiếm tiền tiêu tết”.

Gần nhà ông Mách là ông Nguyễn Văn Hường kể rằng gắn bó nghề câu lưới mùa lũ 40 năm rồi mà “chưa năm nào như năm nay, câu lưới mới được mấy bữa nước đã rút đâu hết”.
 

Mặn có thể xâm nhập sâu hơn

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam vừa đưa ra cảnh báo nước từ thượng nguồn sông Mê Kông trong những ngày tới còn giảm nhanh hơn nữa. Bởi mực nước Biển Hồ ở Campuchia đã đạt đỉnh 7,21 m tại Kampong Luong, sẽ xuống nhanh những ngày tới. Lũ thượng nguồn xu thế giảm nhanh, nên mực nước ở trung tâm ĐBSCL cũng rất thấp.

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, năm 2019 lũ nhỏ và mùa mưa có khả năng kết thúc sớm, dự báo hạn hán và xâm nhập mặn sẽ sớm đe dọa ĐBSCL. Dự báo, ranh mặn 4 g/lít vào tháng 12/2019 đã xâm nhập sâu nội địa 20-30 km; sang tháng 1 và 2/2020 lên 40-67 km (sâu hơn 10-15 km so với trung bình nhiều năm).

Nhiều địa phương có nguy cơ nước mặn gây thiệt hại lớn như Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre); Trà Cú (tỉnh Trà Vinh); Long Phú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Phước Long (tỉnh Bạc Liêu). Diện tích lúa đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL có khả năng hơn 100.000 ha bị ảnh hưởng.

Ở tỉnh Kiên Giang, cơ quan khí tượng thủy văn dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ xuất hiện sớm và sâu, không thua đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016. Ranh mặn 4 g/lít trên sông Cái Lớn có khả năng xâm nhập sâu 40 km trong tháng 1/2020, sau đó còn vào sâu hơn nữa và đạt mức cao nhất cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Vùng đất nông nghiệp ven sông Cái Lớn, Cái Bé và vùng ven biển từ Rạch Giá đến Hà Tiên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Các dự báo trên cho thấy xâm nhập mặn khá khốc liệt, tuy nhiên có thể chưa phải đã đầy đủ. Bởi lẽ, xâm nhập mặn có nguyên nhân chính ở biến đổi khí hậu làm nước biển dâng mà nước biển dâng chưa lường được, do băng ở Bắc Cực và Nam Cực đang tan chảy dữ dội. Theo trang Business Insider thì mùa hè năm nay băng Greenland tan ở tốc độ của kịch bản băng tan xấu nhất vào năm 2070. Vùng Bắc Cực mùa nóng mỗi năm từ tháng 6 đến tháng 8 và băng tan chảy cao điểm vào tháng 7.

The Washington Post đưa tin, năm nay, quy mô tan băng ở Greenland rất lớn, từ ngày 30/7 đến ngày 3/8, băng tan chảy trên 90% bề mặt lục địa, làm đổ 55 tỷ tấn nước trong 5 ngày; chỉ một ngày 1/8, băng ở Greenland đã mất 12,5 tỷ tấn, kỷ lục từ năm 1950, khi các nhà nghiên cứu bắt đầu ghi nhận mất băng. Bắc Cực đang nóng lên gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.

Tính tổng cộng ở Bắc Cực, dải băng Greenland đang mất trung bình 286 tỷ tấn mỗi năm. Còn ở đầu kia của địa cầu là Nam Cực, băng tan chảy cũng đang tăng tốc, đã mất tới 252 tỷ tấn băng mỗi năm trong thập kỷ qua. Băng tan do biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển, dẫn đến xâm nhập mặn nhiều khu vực ven biển.

Theo bản đồ từ National Geographic, nếu không có những thay đổi đáng kể trong tương lai gần, thì ĐBSCL cùng một số vùng đất trên thế giới có thể biến mất vào năm 2050. Còn kịch bản của Bộ TN-MT có nhẹ hơn, cũng mất chừng 40% diện tích ĐBSCL.

13-26-16_0411192
Giữa tháng 10/2019, bà Nguyễn Thị Út ở xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) buồn cảnh mùa lũ cạn kiệt nước, còn năm bình thường nước lũ mấp mé sàn nhà.

Thêm một nguyên nhân tăng xâm nhập mặn được chỉ ra nữa là tình trạng sụt lún đất ĐBSCL, tốc độ mỗi năm 2-5 cm. Lý do sụt lún đất có phần do khai thác nước ngầm không kiểm soát, cũng có thể còn do lún kết cấu (địa chất đến thời điểm co ngót chu kỳ) đều chưa xác định được quy luật.
 

Sạt lở bủa vây khắp nơi

Nhiều nghiên cứu cho rằng, tình hình bất ổn nguồn nước ngọt từ thượng nguồn có nguyên nhân đắp đập hồ thủy điện (không phải hồ thủy lợi điều tiết nước), nhất là trên dòng chính sông Mê Kông và điều này còn làm hạn chế cát và phù sa về hạ nguồn.

Thiếu cát và phù sa bồi đắp (cát còn bị khai thác quá nhiều ở các lòng sông) gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển, trong khi nước biển dâng cao với áp lực thủy triều lớn làm cho tình hình rất trầm trọng. Việc xây dựng các công trình lớn đè nặng lên nền đất yếu ĐBSCL góp thêm nguyên nhân gây sạt lở.

Theo Bộ NN- PTNT, đến đầu năm 2019, toàn vùng có 526 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800km. Trong đó có 57 khu vực sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 164km cần phải được xử lý để đảm bảo ổn định dân sinh, kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển. Sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa mà cả mùa khô và diễn ra ở các sông chính lẫn kênh rạch nhỏ với mức độ ngày càng nguy hiểm.

Những tháng gần đây, nhiều địa phương đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Tỉnh Long An công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở bờ sông Cần Giuộc dài 2,4km; tỉnh Tiền Giang công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở gồm bờ sông Bảo Định (TP Mỹ Tho), đê biển Gò Công và khu dân cư ấp Đèn Đỏ (huyện Gò Công Đông), bờ sông Tiền (huyện Cai Lậy); tỉnh Cà Mau có hơn 37km bờ biển và cửa biển bị sạt lở tập trung ở huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn.

Ở tỉnh Hậu Giang, chỉ huyện Châu Thành bên sông Hậu trong 9 tháng đầu năm nay xảy ra 39 điểm sạt lở bờ sông, tăng 22 điểm so với cùng kỳ năm 2018, mất 4.878 m2 đất. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tùng cho biết, thống kê từ đầu năm 2016 đến nay, sạt lở ngày càng phức tạp, có nơi gây vực thẳm gần 10 m như ở kênh Mái Dầm, kênh Thạnh Đông và mới khảo sát 26 tuyến kênh dài 72,9 km đã dự báo nguy cơ sạt lở cao thời gian tới.

13-26-16_0411193
Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú, An Giang) bị sạt lở ngày 1/8/2019 với nguy cơ sạt lở hoàn toàn.

Con số của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ở thượng lưu sông Mê Kông có số hồ thủy điện, chuyển nước, phát triển dùng nước (cả dòng chính và chi lưu) làm suy giảm nguồn nước là 44 hồ với tổng dung tích 41,6 tỷ m3. Trong đó, Trung Quốc 6 hồ với 23 tỷ, Thái Lan 7 hồ với 3,6 tỷ, Lào 16 hồ với 12,2 tỷ, Campuchia 1 hồ nhưng chưa gây suy giảm nguồn nước, Việt Nam 14 hồ với 2,8 tỷ.

Dự kiến đến năm 2030, tổng số hồ tăng lên 146 với 95,2 tỷ m3 nước; trong đó Trung Quốc tăng lên 11 hồ với 23,8 tỷ, Lào tăng lên 104 hồ với 49,6 tỷ, Campuchia 10 hồ với 15,4 tỷ, còn Thái Lan và Việt Nam giữ nguyên số cũ.

Tình hình bất định nước ngọt ở thượng nguồn sông Mê Công còn phức tạp ở chỗ, các quốc gia tăng diện tích tưới và sẽ sử dụng nhiều nước hơn nữa. Cũng số liệu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, diện tích tưới của các quốc gia thượng lưu tăng gần gấp đôi trong tương lai từ 2.780.000 ha lên 5.321.00 ha, nhu cầu nước cũng tăng gấp đôi. Còn thiệt hại ở ĐBSCL do hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016 đã lên đến 7.900 tỷ đồng, riêng vùng Bán đảo Cà Mau 3.550 tỷ, tương lai chưa dự đoán được.

Vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với 3 nhóm thách thức và tác động bất lợi:

1/Thách thức nội vùng gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp, công nghiệp… dẫn đến nhu cầu dùng nước ngày càng tăng. Vùng phát triển mạnh, gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích, dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Vấn đề sụt lún đất làm cho các tác động về úng ngập, tiêu thoát càng khó khăn hơn.

2/Thách thức, tác động từ phía biển và biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, xâm nhập mặn… ngày càng nghiêm trọng. Diễn biến thời tiết có nhiều bất thường

3/Từ phía thượng lưu: Hồ thủy điện thượng lưu, chuyển nước, phát triển dùng nước ở thượng lưu, ... đã và sẽ làm suy giảm nguồn nước.

(Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.