Một cống, ba tỉnh đón mừng
Chiều 24/11/2018, Bộ NN- PTNT triển khai thi công cống âu thuyền Ninh Quới ở tỉnh Bạc Liêu và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đây là cống âu thuyền lớn nhất nước ta.
Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Phùng Đức Tiến (giữa) bấm nút triển khai thi công cống âu thuyền Ninh Quới ở tỉnh Bạc Liêu chiều 24/11/2018. |
Cống âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp tại xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) có buồng âu rộng 31,5m, dài 150m với 2 cống hở hai đầu đóng mở cánh cửa thép không rỉ bằng xi lanh thủy lực. Trên âu thuyền là cầu giao thông rộng 5,5m; hai bờ có đường quản lý vận hành dài 1,32km, rộng 6m. Gần với cống âu thuyền còn có cống Ninh Quới trên kênh Ngan Dừa với khoang thông nước rộng 15m, cầu giao thông rộng 5,5m. Tổng mức đầu tư 290 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo quyết định đầu tư, công trình góp phần kiểm soát mặn và giữ ngọt để ổn định sản xuất cho hàng trăm héc-ta đất thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang. Gồm bổ sung nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản cho vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc quốc lộ 1A, tạo điều kiện chuyển nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu, hỗ trợ người dân chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Công trình dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho rằng, công trình thủy lợi cho liên tỉnh này đáp ứng mong đợi từ lâu của chính quyền và người dân.
Bởi hàng chục năm qua khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra mặn-ngọt không ổn định cả vùng cực Nam, từng địa phương không giải quyết được. Với công trình điều tiết nguồn nước, kiểm soát mặn ngọt này có thể hỗ trợ sản xuất chủ động, theo lịch thời vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cũng có mặt tại lễ khởi công, bày tỏ vui mừng vì việc kiểm soát mặn của cống Ninh Qưới sẽ giúp cho vùng lúa và cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng kế bên không còn bị nước mặn đe dọa.
Vị trí cống âu thuyền Ninh Qưới với các vùng sản xuất nông nghiệp. |
Mấy năm nay, chưa có cống kiểm soát, cứ vào mùa khô là người dân cả vùng rộng lớn Sóc Trăng lại lo lắng vì nước mặn triều cường theo kênh quản lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp lên tới thị xã Ngã Năm là theo năm ngã sông lan tràn vô nhiều đồng ruộng, sang tới huyện Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang. Cho nên, tỉnh Hậu Giang cũng vui mừng đón chờ cống hoàn thành.
Dự án thủy lợi lớn nhất đồng bằng
Ngày 20/10/2019, khởi công thi công dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1, tổng giá trị xây lắp hơn 2.307 tỷ đồng. Gồm cống Cái Lớn hơn 1.731 tỷ đồng và cống Cái Bé cùng tuyến đê nối hai cống ra quốc lộ 61 hơn 576 tỷ, từ vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ NN- PTNT quản lý.
Cống Cái Lớn xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, rộng 470m với 11 khoang cống 40m và 2 âu thuyền rộng 15m, chiều dài âu 130m, đi theo 2 chiều ngược nhau. Cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, rộng 85m với 2 khoang 35m và âu thuyền rộng 15m. Tuyến đê nối hai cống với quốc lộ 61 dài 5,843km, mặt đê rộng 9m. Trên tuyến đê có 3 cầu và 8 cống ngầm. Các hạng mục phụ trợ có cầu giao thông trên cống, hệ thống cung cấp điện, thiết bị quan trắc, kè bảo vệ công trình và bờ sông.
Đây là dự án thủy lợi lớn nhất ĐBSCL đến thời điểm này, nghiên cứu từ năm 2006 và qua nhiều phản biện của các nhà khoa học đến ngày 25/12/2018, Bộ NN- PTNT ký quyết định phê duyệt.
Công trình có 4 nhiệm vụ chính: kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.120ha hưởng lợi trực tiếp ở tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu; kết hợp tuyến đê biển Tây tạo cụm công trình chủ động ứng phó với biến đối khí hậu nước biển dâng; góp phần cấp nước ngọt cho vùng sản xuất mặn- ngọt ở hai huyện của tỉnh Kiên Giang; kết hợp phát triển giao thông bộ thúc đẩy kinh tế xã hội cả khu vực.
Phối cảnh cống Cái Lớn. |
Đáng chú ý ở công trình này, qua phản biện của các nhà khoa học, cuộc sống của người dân ở vùng dự án được chú trọng và ghi rõ trong quyết định phê duyệt đầu tư. Bên cạnh xây dựng công trình, có hợp phần “Mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình” trị giá 50 tỷ đồng, do Sở NN- PTNT các địa phương làm chủ đầu tư và vấn đề sinh kế người dân được đặt ra trong một dự án thủy lợi.
Lãnh đạo các địa phương trong vùng dự án đều bày tỏ sự phấn khởi. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nói: “Dự án hết sức cần thiết với Kiên Giang và các tỉnh lân cận, đáp ứng yêu cầu cuộc sống”.
Quy trình vận hành cống và âu thuyền
GS.TSKH-Anh hùng Lao động Nguyễn Ân Niên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho rằng: “Mọi tác động của con người vào tự nhiên để mưu cầu lợi ích đều có mặt tốt và mặt xấu, chúng ta lựa chọn dự án nào mặt tốt lớn gấp nhiều lần mặt xấu và dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn I là sự lựa chọn như vậy”. |
Để dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé phát huy hiệu quả, vấn đề quan trọng là vận hành sau khi xây dựng.
Trong phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ TN- MT yêu cầu xây dựng chế độ vận hành (đóng/mở) cống, điều chỉnh chế độ vận hành để giảm tác động dòng chảy và môi trường, đa dạng sinh học.
Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc và giám sát tự động nhằm đánh giá kịp thời diễn biến môi trường, chất lượng nguồn nước.
Bắt buộc phải có ranh giới mặn-ngọt, mặn-lợ, ngọt-lợ, giám sát đa dạng sinh học tương ứng (động vật đáy, động vật có tập tính di cư theo mùa) đặc biệt chú ý trong thời gian đóng/mở cống.
Một nghiên cứu vừa đưa ra trong tháng 10/2019 của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã nêu những nội dung khá căn bản cho công tác vận hành. Gồm vận hành trong mùa khô nhằm kiểm soát xâm nhập mặn và bổ sung nguồn nước ngọt; vận hành trong mùa lũ để góp phần giảm ngập khi lũ kết hợp triều cường.
Để đánh giá vận hành, lựa chọn 10 điểm khống chế độ mặn không vượt 2g/l ở nhiều sông rạch tại các địa phương.
Theo đó, vào mùa kiệt, các cửa cống chỉ vận hành đóng lại để kiểm soát nguồn nước trong trường hợp mặn lên cao ảnh hưởng đến sản xuất. Vào mùa lũ/triều cường, một ngày cửa cống vận hành khoảng 2-3 giờ để cắt đỉnh triều, hỗ trợ cho việc thoát lũ ra biển Tây được tốt hơn, mực nước trong nội đồng giảm.
Vùng dự án và vùng hưởng lợi trực tiếp từ cống Cái Lớn-Cái Bé. |
Kết quả nghiên cứu cho biết, khi vận hành hệ thống rút mặn 3 ngày có thể đảm bảo cấp nước pha loãng đồng thời đảm bảo mặn 2g/l không vượt quá cầu Cái Tư ở tỉnh Hậu Giang. Khi triều cường không để nước mặn vào sâu nội đồng thì nước từ sông Hậu có điều kiện đổ về, lưu lượng tăng từ 299m3/s lên 322m3/s. Đồng thời, giảm ngập và tăng khả năng thoát lũ sẽ giảm được khối lượng đắp đê bao, bờ bao trước nay phải tiến hành hàng năm với chiều dài 3.295 km; giảm khối lượng tôn nền cơ sở hạ tầng với diên tích khoảng 8.153 ha (giảm chiều cao từ 0,1-0,5m).
Trong bối cảnh các tác động bất lợi đến vùng ĐBSCL đang ngày một gia tăng như hiện nay, bên cạnh các giải pháp “mềm” cũng rất cần các giải pháp công trình kiểm soát nguồn nước một cách chủ động đảm bảo nguyên tắc tôn trọng các mô hình sản xuất hiện có, tôn trọng các hệ sinh thái tự nhiên kể cả trước mắt và lâu dài. Các giải pháp công trình mang tính hỗ trợ và can thiệp để giúp ổn định sản xuất khắc phục tình trạng bấp bênh do các tác động tự nhiên và nhân sinh gây ra. Đồng thời góp phần thích ứng và phòng tránh thiên tai một cách chủ động là rất cần thiết. Điều này hoàn toàn phù hợp và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017. (Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) |