| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản cấm, BVTV cho phép

Thứ Sáu 25/05/2012 , 11:11 (GMT+7)

Vấn đề hết sức “khó xử” hiện nay đó là Cypermethrin hiện vẫn được ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) cho phép sử dụng.

Như NNVN hôm qua đã đưa tin, thuốc diệt giáp xác Cypermethrin vừa được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NTTS) II xác định là một trong những nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt tại các tỉnh ĐBSCL.

>> Cypermethrin - Sát thủ diệt tôm!
>> Tôm chết hàng loạt tại nhiều địa phương
>> Sử dụng thảo dược, tôm chết hàng loạt
>> Tôm chết do dư lượng thuốc BVTV?
>> FAO khảo sát nguyên nhân tôm chết
>> Một tỉnh có trên 9.000ha tôm chết

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Văn Hảo – Viện trưởng viện Nghiên cứu NTTS II, Cypermethrin là nhóm độc tố mà nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng từ lâu, trong khi lâu nay thuốc này vẫn được phép sử dụng tại Việt Nam. Qua kiểm chứng, các mẫu tôm bị chết do bệnh hoại tử gan tụy đều rất trùng khớp với tỉ lệ các mẫu vật phẩm (bùn, mẫu tôm chết, nước) có chứa hàm lượng Cypermethrin cao...

Trao đổi với NNVN hôm qua về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, kể từ tháng 3/2012, các sản phẩm có chứa Cypermethrin (cùng với Deltamethrin) đã bị Tổng cục Thủy sản cấm sử dụng và đưa ra khỏi ra khỏi Danh mục các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, vấn đề hết sức “khó xử” hiện nay đó là Cypermethrin hiện vẫn được ngành Bảo vệ thực vật (BVTV) cho phép sử dụng. Điều này khiến việc kiểm soát tồn dư của Cypermethrin tại các vùng nuôi thủy sản hết sức khó khăn.

Để rõ hơn về những vướng mắc này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục BVTV. 

Có phải Cypermethrin hiện vẫn được Cục BVTV cho phép sử dụng không thưa ông? 

Đúng vậy, Cypermethrin hiện tại vẫn thuộc danh mục thuốc trừ sâu được phép sử dụng tại Việt Nam, và Cục BVTV là cơ quan chịu trách nhiệm về quản lí lưu hành sản phẩm này. Đây là loại thuốc trừ sâu cuốn lá lúa và nhiều loại cây trồng trên cạn (như đậu tương, hồ tiêu…) khá phổ biến tại các tỉnh ĐBSCL. 

Liệu có phải tồn dư Cypermethrin từ việc sử dụng cho BVTV khiến tôm chết không thưa ông? 

Cypermethrin là loại thuốc trừ sâu thông dụng được dùng phổ biến trên thế giới vì độc tính bình thường, khả năng phân hủy trong môi trường khá nhanh. Gần đây chúng tôi cũng đã đặt ra hai vấn đề về tồn dư của Cypermethrin, nếu là sử dụng trên cây trồng cạn thì theo tôi mức độ tồn dư của nó trong môi trường đến mức có khả năng ảnh hưởng tới các vùng nuôi thủy sản là rất ít xảy ra. Còn việc sử dụng thuốc này trên lúa có mức độ ảnh hưởng như thế nào đến vùng nuôi thủy sản, hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Theo tôi, với hàm lượng tồn dư Cypermethrin rất cao như bên ngành thủy sản công bố, thì chỉ có thể do người nuôi thủy sản trực tiếp sử dụng trong xử lí ao nuôi gây ra mà thôi. 

Vấn đề ở đây, vì Cypermethrin vẫn được lưu hành trên thị trường thuốc BVTV, nên người nuôi thủy sản vẫn dễ dàng mua về sử dụng. Theo ông, nên xử lí thế nào đây? 

Mục đích sử dụng của Cypermethrin là dùng làm thuốc trừ sâu, và Tổng cục Thủy sản cũng đã cấm sử dụng đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Vì thế, trách nhiệm quản lí việc sử dụng thế nào để Cypermethrin được dùng đúng mục đích lại là một chuyện khác. Không thể cứ thuốc trừ sâu nào không quản lí được việc sử dụng, gây chết thủy sản thì cứ phải cấm lưu hành. Cũng giống như fomanđêhít vậy, hàng năm nước ta phải NK hàng trăm nghìn tấn về để phục vụ cho ngành công nghiệp gỗ, công nghiệp nhựa… Có người lấy fomanđêhít để bảo quản hoa qủa, thịt… gây độc cho người, như thế chẳng lẽ chúng ta cũng phải cấm lưu hành fomanđêhít?  

Tóm lại, chủ trương sắp tới Cục BVTV có cấm sử dụng Cypermethrin làm thuốc trừ sâu không? 

Bộ NN-PTNT hiện đã giao cho Cục BVTV thảo luận về vấn đề này. Bản thân Cục cũng không thể tự ý muốn cấm thì cấm, mà phải dựa trên cơ sở khoa học. Sắp tới, Cục sẽ thành lập một Hội đồng khoa học, quyết định có cấm Cypermethrin hay không là do Hội đồng khoa học này thảo luận, nghiên cứu và quyết định. 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm