| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Việt Nam năm 2019 xây dựng mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD

Thứ Hai 18/02/2019 , 08:39 (GMT+7)

Ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2019, đồng thời phải xử lý dứt điểm kháng sinh trong thủy sản.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019, do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TP.HCM mới đây.
 

Kỳ vọng mức tăng trưởng mới

Để đạt mục tiêu này, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho rằng ngành thủy sản cần vượt qua một số khó khăn như chủ động nguồn nguyên liệu, kiểm soát đồng bộ quá trình sản xuất nguyên liệu từ chất lượng con giống, ứng phó với các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá cá da trơn, thẻ vàng IUU của châu Âu.

12-44-29_nh_2
Ngành thủy sản xây dựng mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao trong 2019

Theo ông Ích, cần phải tăng sức cạnh tranh, giảm giá thành tôm nguyên liệu, giảm giá các yếu tố đầu vào, giải quyết vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và 4 loại bệnh phổ biến trong tôm nuôi, tăng xuất khẩu tôm vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Úc, ứng phó, xử lý về lây nhiễm hóa chất, kháng sinh, tạp chất, tận dụng hiệp định thương mại tự do Việt Nam và châu Âu, củng cố, mở rộng các loại hình chứng nhận quốc tế, tạo niểm tin cho người tiêu dùng ở các thị trường...

VASEP cũng thông tin, năm 2018 chứng kiến nhiều thăng trầm của các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá tra lại tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng tới 26%, còn xuất khẩu tôm không được như mong đợi chỉ đạt 3,6 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2017. Đây cũng là năm mà ngành khai thác, chế biến hải sản gặp nhiều trở ngại trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu do hậu quả bị thẻ vàng IUU từ châu Âu. Tuy nhiên, năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng.

Theo đánh giá của VASEP, hầu hết các DN Việt Nam hiện vẫn chưa đủ khả năng kiểm soát đồng bộ quá trình sản xuất nguyên liệu. Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã ảnh hưởng đến giá thành. Cần tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm hiện nay nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tôm Việt Nam và tăng cường xuất khẩu tôm vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia...

Cụ thể, cá tra đang từng bước khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường lớn, có thể duy trì kim ngạch xuất khẩu ấn tượng từ năm 2018. Thị trường Mỹ vẫn là thị trường lớn nhập khẩu của thủy sản Việt Nam, với doanh số XK đạt hơn 1,6 tỉ USD, tăng 15%. Mặt hàng tôm xuất khẩu cũng được hy vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ do mức thuế chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) thấp hơn POR11.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Do vậy, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước thành viên CPTPP sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng đang được các thành viên tích cực thúc đẩy để sớm đi vào thực thi.

Để mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2019, Vasep đã xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng mặt hàng. Trong đó, ngành tôm phải có mức tăng trưởng đột phá xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD; ngành cá tra với lợi thế đang có sẽ đạt mức xuất khẩu 2,3 tỷ USD; đồng thời với những nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, ngành hải sản Việt Nam có thể đạt cột mốc xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm 2019.
 

Xây dựng chiến lược hợp lý

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP lạc quan cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tận dụng được các ưu đãi thuế quan để tiếp tục tăng trưởng đưa kim ngạch XK có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỉ USD.

Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức về nguồn nguyên liệu, sức cạnh tranh và rào cản thị trường…Theo ông Hòe, trước mắt phải giải quyết dứt điểm vấn đề chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản; đồng thời phải xây dựng chiến lược phát triển nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu.

12-44-29_nh_4
Chủ động nguồn nguyên liệu được xem là thế mạnh rất lớn cho các DN thủy sản VN

Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP Trương Thị Lệ Khanh cũng nhận định, có thể nói năm 2018 xuất khẩu thủy sản đã có sự thành công không ngờ, nhiều mặt hàng cung luôn trong tình trạng không đủ cầu. Ngay từ tháng 6 trở đi xuất khẩu liên tục tăng, giá bán cũng tăng. Theo bà Khanh, năm nay các DN chịu nhiều thách thức thiếu nguyên liệu, thiếu cá giống (đặc biệt vào trái vụ), trong khi nhu cầu XK đang tăng mạnh. Tình trạng thiếu con giống sẽ còn kéo dài đến tháng 3, tháng 4 tới. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, ngành phải có giải pháp cho sinh sản trái vụ. Đồng thời, nói không với kháng sinh để có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài với giá cao.

Thực tế, việc chủ động nguồn nguyên liệu được xem là thế mạnh rất lớn cho các DN nói chung, đặc biệt là các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên việc duy trì nguyên liệu của các DN Việt Nam hiện nay chưa thật sự tốt do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Mục tiêu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra là một mục tiêu rất cao, nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện.

Cụ thể, mặt hàng tôm có tín hiệu tích cực, cá tra đang được thị trường đón nhận, và ngành khai thác hải sản đang từng bước đi theo định hướng phát triển bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu trên, cần sự đồng bộ của cả chuỗi giá trị, từ khâu khai thác và sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thị trường. Trong đó, khai thác, sản xuất nguyên liệu phải đảm bảo quy trình sạch, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào. Khâu chế biến phải đổi mới quy trình công nghệ, quản trị nhằm giảm giá thành và nối dài chuỗi giá trị. Đối với tổ chức thị trường, ngoài duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp và hiệp hội cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nhiều tiềm năng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm