| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Việt Nam phải tự bảo vệ mình

Thứ Ba 21/12/2010 , 07:15 (GMT+7)

Vấn đề đặt ra là không chỉ có quy chuẩn ASC của WWF, rồi đây không loại trừ việc chúng ta sẽ phải đối phó với những bộ quy chuẩn kiểu "trời ơi" của các tổ chức phi chính phủ...

TS Lê Xuân Sinh – khoa Thủy sản ĐH Cần Thơ
Tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa công bố rút tên cá tra khỏi danh sách đỏ. Sự thật đã sáng tỏ. Tuy nhiên, tổ chức này cũng tìm cách "ép" con cá Việt Nam đi theo bộ quy chuẩn mà họ lập ra (ASC).

Vấn đề đặt ra là không chỉ có quy chuẩn ASC của WWF, rồi đây không loại trừ việc chúng ta sẽ phải đối phó với những bộ quy chuẩn kiểu "trời ơi" của các tổ chức phi chính phủ "đẻ" ra bởi những toan tính của họ.  NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Lê Xuân Sinh – Bộ môn Quản lý và Kinh tế nghề cá, Khoa Thủy sản - Trường ĐH Cần Thơ xung quanh vấn đề này.

 Ông đánh giá thế nào sau sự kiện con cá tra vừa qua?

Tôi nghĩ rằng cả người sản xuất và người tiêu dùng đều có quyền được thông tin minh bạch, rõ ràng. Chính các DN có nhà máy chế biến thủy sản cần làm sáng tỏ, chứng minh cá tra Việt Nam được nuôi trong môi trường sạch và chế biến đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Rõ ràng đây là vấn đề chúng ta đã, đang làm và cần lên tiếng. Từ những tranh chấp trên thị trường trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện theo các qui trình nuôi có truy xuất nguồn gốc và được các cơ quan khách quan có uy tín xác nhận.

Theo ông qua việc này chúng ta cần rút ra kinh nghiệm gì?

Người ta cần thông tin có tính minh bạch và chúng ta chứng minh thủy sản nuôi có chứng nhận. Tôi nghĩ sau thông tin về cá tra từ WWF vừa qua, chúng ta có thêm thuận lợi về sau trong quá trình phát triển theo hướng thủy sản có chứng nhận. Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) hay Hiệp hội thủy sản các tỉnh đã hiểu biết thêm cách đấu tranh và muốn “đấu” với người ta phải theo luật quốc tế. Chúng ta cần trang bị đủ kiến thức, hơn nữa cần sự hợp lực giữa các đơn vị/tố chức/cá nhân có liên quan (trong và ngoài nước) và rất cần có vai trò của một nhạc trưởng.

 Những tác động trên thị trường, thông tin sai lệch nói xấu sản phẩm cá tra ở một số nước vẫn còn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tại hội nghị thủy sản Châu Á cuối năm 2009 ở Malaysia, vấn đề thương hiệu và gian lận thương mại được đề cập tới. Bên cạnh việc bị nói xấu, cạnh tranh gian lận, một yếu kém của cá tra Việt Nam là khâu thương hiệu chưa làm tới nơi, sản phẩm chưa có nhãn mác đúng nghĩa. Đơn cử, sản phẩm cá tra Việt Nam nhập khẩu tại Tây Ban Nha đôi khi bán ra với giá lên tới 6- 9 USD/kg, nhưng nhãn mác hàng hóa không phải là cá tra của Việt Nam. 

 Chúng ta khi nuôi và chế biến, phải nhập khẩu thiết bị máy móc và nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y thủy sản từ nước ngoài. Vậy nên 1kg cá tra phi lê chỉ có mức lãi rất thấp, chừng một vài ngàn đồng. Trong khi đó, ta lại phải gánh trách nhiệm với chất thải, nước thải từ quá trình nuôi và chế biến. Nhìn chung là bị thiệt đơn, thiệt kép.

Vậy chúng ta phải làm thế nào để hạn chế, vượt qua được những ngón đòn cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Bây giờ sản phẩm nông sản chúng ta đã tham gia “sân chơi cạnh tranh”. Vì vậy, bên cạnh hiểu luật chơi, biết cách chơi chúng ta cần đủ sức để chơi. Do đó, ngoài khắc phục những tồn tại nói trên, con cá tra nói riêng, sản phẩm thủy sản của chúng ta nói chung phải không ngừng cải thiện về chất lượng, đủ khả năng bảo vệ mình. Hiện nhiều DN đã xây dựng vùng nguyên liệu nuôi cá tra, tự chủ được nguyên liệu cho mình và chủ động hợp tác với các cơ quan/đoàn kiểm tra truy suất nguồn gốc. Nhiều DN cũng đã chủ động hơn thông qua những hợp đồng liên kết với nông dân, HTX có uy tín.

Bài toán lâu dài của thủy sản Việt Nam theo ông cần đi theo hướng nào?

Xét về chiến lược lâu dài, chúng ta cần phải tính toán lại xem sản lượng bao nhiêu là vừa; không nên chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng. Mức độ thâm canh trong nuôi cá tra là rất cao, do vậy cũng cần đầu tư thỏa đáng trong xử lý vấn đề môi trường. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải nghĩ đến đa dạng hóa sản phẩm bằng cách nuôi ghép hay linh hoạt thay loài thủy sản khác.

Việc đa dạng hóa thành phần giống loài cũng là một trong những cách giảm rủi ro, bởi nếu chỉ nhăm nhăm tập trung nguồn lực vào đầu tư nuôi cá tra, tôm sú, nếu xảy ra sự cố sẽ khó xoay xở và tổn thất sẽ rất lớn.

 Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất