| Hotline: 0983.970.780

Tỉa cây hay tận thu cuối nhiệm kỳ?

Thứ Ba 13/08/2019 , 08:43 (GMT+7)

Đó là câu hỏi của cán bộ giáo viên và nhân dân xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, TP Hà Nội dành cho ông Phùng Viết Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái.

Tiền trảm hậu tấu

Từ ngày 18/7/2019, người dân sống xung quanh Trường THCS Phạm Hồng Thái bất ngờ thấy những cây xà cừ cổ thụ trong trường bị cắt cành. Những cành cây to đủ một vòng tay bị cưa cắt không thương tiếc.

14-57-47_phm_hong_thi_4
“Tỉa cây” tận thu ở trường THCS Phạm Hồng Thái.

Nhìn những cây xà cừ lâu năm bị cưa đến sát thân, nhiều người dân than rằng: “Cây có cành, cá có vảy, người có da thịt, sao cắt tỉa cành gì mà xót vậy?”. Họ phản ánh với cán bộ giáo viên nhà trường thì nhiều người cũng hết sức ngỡ ngàng trước việc đốn hạ cây xanh trong khuôn viên nhà trường khi nghỉ hè.

Phải đến ngày 27/7/2019, hội đồng giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái mới được hiệu trưởng thông báo cắt tỉa cây để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Có điều, nhiều người đặt câu hỏi, vì sao không thấy thông báo việc này từ trước? Để sau khi chặt hạ cây rồi, trước mọi phản ứng, hiệu trưởng mới thông báo, phải chăng là “tiền trảm hậu tấu?”.

Đặc biệt, giáo viên nhà trường vô cùng bất ngờ khi 2 cây lộc vừng trong sân trường bỗng dưng biến mất, mà không hề thấy hiệu trưởng nhà trường thông báo gì. Nguồn tin phản ánh của nhân dân cho biết, hai cây này đã được hiệu trưởng bán cho tư nhân. Để tìm hiểu thông tin, PV Báo NNVN đã trao đổi trực tiếp với ông Phùng Viết Hà - Hiệu trưởng.

“Vừa rồi một số cành cây rơi xuống rất nguy hiểm và làm hỏng nhà để xe, bồn hoa… Vì thế, trước mùa mưa bão tôi cho vợi bớt cành đi thôi chứ không chặt cây nào đâu. UBND xã Thạch Đà và Phòng GD-ĐT huyện đã về kiểm tra, thực tế không có gì”, ông Hà nói.

Còn lý do biến mất của hai cây lộc vừng, ông Hà giải thích “không phải đào bán” mà là “đào bỏ đi”. Vì sao phải đào bỏ hai cây lộc vừng đã được mua về trồng từ năm 2011? Và bỏ đi đâu?

“Hai cây lộc vừng ấy bỏ là vì nó ở giữa sân trường thì không hợp lý, tôi cho đào bỏ đi, không dùng đến nữa. Nó bé bằng cổ chân thôi mà”, ông Hà phân trần. Lạ lùng là tại sao trong 6 năm làm hiệu trưởng mà ông Hà không phát hiện hai cây lộc vừng trồng ở sân trường là bất hợp lý để đến nay mới thấy “không hợp lý”?
 

Tận thu cuối nhiệm kỳ?

Làm việc với PV Báo NNVN, được sự ủy quyền của bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng phụ trách, ông Nguyễn Quang Hòa, chuyên viên phụ trách khối THCS của Phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Tôi cập nhật qua điện thoại với thầy hiệu trưởng, việc chặt cây, ngả cây là không có. Có việc cắt vợi, tỉa cành là để phòng chống gãy cành cây trong mùa mưa bão”.

Theo thông tin từ ông Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái cho biết những cành cây nhỏ li ti và lá cây bó thành từng đon cho bà con trong xóm mang về làm củi đun. “Còn những cành cây bằng bắp tay và cổ chân thì trường xếp đống và bán thanh lý được 3 triệu đồng. Số tiền này đã chuyển vào quỹ công đoàn trường quản lý”. Việc “tỉa cây” này, hiệu trưởng cho biết đã báo cáo UBND xã.

Khi PV nêu câu hỏi về việc hai cây lộc vừng biến mất khỏi sân trường, ông Nguyễn Quang Hòa khẳng định: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin đấy. Tôi không thấy hiệu trưởng nói gì”.

Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh nói chỉ là “những cành cây bằng bắp tay và cổ chân”. Tuy nhiên, bằng những hình ảnh người dân cung cấp và trực tiếp có mặt tại sân trường thì những cây xà cừ cổ thụ được “tỉa” cành ấy, vẫn đang như những người thương tật nằm chềnh ềnh giữa sân trường. Bằng mắt thường nhìn vào cũng thấy cây có đường kính gần mét, nghĩa là phải gấp 5 - 10 lần “bắp tay và cổ chân”.

Phải chăng, đây là hành động tận thu cuối nhiệm kỳ của ông Phùng Viết Hà như câu hỏi người dân địa phương nêu ra? Chúng tôi đề nghị Thanh tra Sở GD-ĐT TP Hà Nội vào cuộc để làm rõ sự việc này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.