| Hotline: 0983.970.780

Tỉa thưa cây phụ trợ rừng phòng hộ

Thứ Tư 29/10/2014 , 08:18 (GMT+7)

Sở NN-PTNT Quảng Trị vừa tổng kết mô hình thực hiện kỹ thuật lâm sinh tỉa thưa cây phụ trợ, nuôi dưỡng rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn.

Mục đích nhằm điều chỉnh mật độ cây rừng phù hợp, tạo không gian dinh dưỡng cho cây bản địa phát triển.

08-54-38_ti-thu-1

Lấn át cây bản địa

Ông Trần Xuân Dưỡng, GĐ Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho biết, toàn bộ diện tích tự nhiên ban được phân công quản lý có gần 8.000 ha, trong đó đất có rừng tự nhiên phòng hộ hơn 3.400 ha, đất có rừng trồng phòng hộ hơn 4.000 ha thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và TX Quảng Trị.

Rừng trồng từ cấp tuổi 1, 2, 3, loại cây trồng chủ yếu là keo, sao đen. Một số diện tích rừng keo quá tuổi thành thục công nghệ, nay đã chết.

Theo ông Dưỡng, từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm ban trồng được gần 250 ha rừng phòng hộ, chăm sóc gần 650 lượt ha... với hình thức giao khoán cho các hộ dân sống gần rừng chăm sóc nên rừng luôn được bảo vệ tốt.

Lần này, Sở NN-PTNT đồng ý cho BQL tỉa thưa 370 ha rừng được trồng từ năm 2003, hỗn giao theo băng giữa keo tai tượng với sao đen theo tỷ lệ 3:2, mật độ 1.650 cây/ha.

Ở rừng trồng phòng hộ dự án 661 có 200 ha, trong đó diện tích tỉa thưa cây phụ trợ 34,2 ha, diện tích giữ lại không tỉa thưa 165,76 ha. Tại rừng phòng hộ thuộc dự án JBIC có 170 ha, trong đó tỉa thưa cây phụ trợ 107 ha, diện tích đảm bảo mật độ không tỉa thưa 62,7 ha.

Hiện sao đen là cây trồng bản địa cần bảo vệ, nuôi dưỡng nhằm phát huy giá trị rừng phòng hộ nhưng phát triển chậm, không có khả năng cạnh tranh không gian dinh dưỡng với cây keo.

Cây sao đen hết giai đoạn chịu bóng, chuyển sang giai đoạn ưa sáng nên đòi hỏi phải có không gian để sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, cần thực hiện chặt tỉa thưa cây phụ trợ theo hàng, tận dụng gỗ cây phụ trợ nhằm điều chỉnh mật độ, phân bố lại cây rừng trồng phù hợp.

08-54-38_ti-thu-2
Ông Nguyễn Văn Bài trao đổi với các nhà quản lý tại khu rừng cây bản địa là sao đen lên tốt sau khi được tỉa thưa

Theo điều tra trước khi tỉa thưa mật độ rừng còn từ 640 - 1.400 cây/ha, trong đó cây sao đen có khoảng 190 - 520 cây/ha, cây keo tai tượng còn khoảng 450 - 920 cây/ha, độ tàn che của rừng khoảng 0,6 - 0,9.

Yêu cầu kỹ thuật sau khi tỉa thưa, mật độ rừng trồng phòng hộ còn lại đảm bảo 600 cây/ha, cây phân bố đồng đều trên diện tích tỉa thưa, tạo điều kiện tối đa cho cây còn lại như sao đen có không gian phát triển bền vững.

Báo cáo của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho hay tổng khối lượng tỉa thưa lần này được thực hiện 4.754 m3 gỗ, ước bằng 3.726 tấn. Với giá bán 1.200.000 đ/tấn tại nhà máy thì tổng số tiền thu về được 3,106 tỷ đồng, trừ chi phí khai thác gần 600 triệu đồng, chi phí vận chuyển 2,1 tỷ đồng, số tiền còn lại 409,4 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Vấn đề đặt ra, theo ông Bài, qua công tác tỉa thưa lần này cần đánh giá lại lập địa, các chính sách thực hiện quy trình tỉa thưa cũng như các biện pháp KHKT về giống cây trồng lâm nghiệp phù hợp với các loại định hình, thổ nhưỡng để nhân rộng và triển khai mô hình này toàn tỉnh.
Việc làm này nhằm tìm ra phương án tối ưu nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, phát triển rừng bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là vấn đề rừng trồng, mà điểm nhấn là phát triển rừng FSC ở Quảng Trị.

Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị cho biết, kết quả điều tra lâm sinh sau tỉa thưa cho thấy từ khi có tác động tỉa thưa thì cây sao đen (cây bản địa cần để lại phòng hộ bền vững) sau 2 năm đã sinh trưởng và phát triển tốt về chiều cao, tán đều, đẹp.

Cây phụ trợ để lại như keo đảm bảo mật độ của rừng phòng hộ, tạo tiểu cảnh rừng để dẫn dắt một số cây tự nhiên và cây bản địa tái sinh phát triển tốt.

Biện pháp tỉa thưa được áp dụng là chặt tỉa thưa tầng trên, điều chỉnh mật độ cây, cải thiện ánh sáng, giảm sự cạnh tranh không gian dinh dưỡng của keo đối với sao đen, phát triển tốt cây mục đích và bảo vệ cây khỏe.

Nhân rộng mô hình

Ông Trần Xuân Dưỡng kiến nghị, tại diện tích rừng trồng phòng hộ thuộc dự án JBIC của BQL thì các cây trồng phụ như các loại keo đã đến tuổi thành thục nên lấn át cây trồng chính là cây sao đen, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của rừng phòng hộ.

Đề nghị Sở NN-PTNT tiếp tục cho ban triển khai công tác tỉa thưa, nuôi dưỡng phục vụ tốt hơn nữa công tác phát triển rừng phòng hộ bền vững ở lưu vực sông Thạch Hãn.

08-54-38_ti-thu-3
Ông Nguyễn Văn Bài (phải) và ông Trần Xuân Dưỡng kiểm tra rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn

Ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị sau khi kiểm tra thực địa khu vực rừng được tỉa thưa, đánh giá đây là mô hình thí điểm đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị. Thực tế là cây keo trồng phụ trợ nhưng đã phát triển quá mạnh, lấn át cây bản địa cần bảo vệ như cây sao đen.

Do vậy, cần thực hiện giải pháp tỉa thưa, nuôi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng rừng phòng hộ. Việc tỉa thưa rừng phòng hộ tuy lần đầu thí nghiệm nhưng được BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn thực hiện đúng quy trình.

Sau 2 năm tỉa thưa cây bản địa phát triển tốt, cây trồng chính và cây trồng phụ còn lại đồng đều, tạo được không gian cần thiết cho cây trồng chính phát triển.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất