| Hotline: 0983.970.780

Tích cực phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Thứ Tư 19/02/2014 , 15:14 (GMT+7)

Ngày 31/3/2013, sau khi nhận được thông tin về việc xuất hiện chủng virus cúm mới (A/H7N9) tại Trung Quốc, Cục Thú y đã tiến hành xác minh nguồn tin trên.

Ngày 31/3/2013, sau khi nhận được thông tin về việc xuất hiện chủng virus cúm mới (A/H7N9) tại Trung Quốc, Cục Thú y đã tiến hành xác minh nguồn tin trên.

Theo nguồn tin đăng tải trên trang tin điện tử www.china.org.cn của Trung Quốc, Ủy ban Y tế & kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (the National Health and Family Planning Commission) khẳng định Trung Quốc đã phát hiện 3 ca nhiễm chủng virus cúm mới A/H7N9 tại Thượng Hải và An Huy.

Đây là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới nhiễm chủng virus cúm này, trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc gia cầm, do vậy nguyên nhân bệnh được nghi ngờ là do nhiễm từ gia cầm.

Liên tục trong năm 2013, tại Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông và vùng lãnh thổ Đài Loan) đã có 147 người mắc cúm A/H7N9, trong đó có 47 ca tử vong. Từ đầu năm 2014 đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 192 trường hợp mắc mới, trong đó có 19 ca tử vong, số ca mắc bệnh hiện đang có chiều hướng tăng nhanh.

Riêng tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam đã có 3 trường hợp người nhiễm virus cúm A/H7N9, đồng thời đã công bố phát hiện virus cúm A/H7N9 lưu hành tại một số chợ buôn bán gia cầm sống.

Tăng cường kiểm soát

Ngay đầu tháng 4/2013, Cục Thú y đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ NN-PTNT ban hành Công điện khẩn số 08/CĐ-BNN-TY ngày 2/4/2013 chỉ đạo các Bộ, ngành thành viên và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc; đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm mới A/H7N9 cho người gây tử vong và lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm trong nước.

Trước nguy cơ virus cúm xâm nhập vào trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 487/CĐ-TTg ngày 4/4/2013 chỉ đạo tiếp tục triển khai quyết liệt đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép (Đề án 2088) và Công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1);

Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Y tế và UBND các tỉnh biên giới tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 vào ngày 13/4/2013 và Hội nghị với các nhà tài trợ quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9) ở Việt Nam vào ngày 6/5/2013; đồng thời chỉ đạo triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn quốc trong tháng 5/2013.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT, ngày 3/4/2013, Cục Thú y đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh) và Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc tăng cường lấy mẫu giám sát lưu hành chủng vi rút A/H7N9 trên gia cầm nhập lậu, đồng thời giao Trung tâm Chẩn đoán thú y TW làm đầu mối nghiên cứu, hoàn thiện, áp dụng quy trình kỹ thuật xét nghiệm loại vi rút cúm này.

Ngày 9/4/2013, Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm virus cúm A/H7N9 tại khu vực các cửa khẩu quốc tế, đồng thời Cục Thú y đã phối hợp với FAO tổ chức tập huấn kỹ thuật xét nghiệm virus cúm A/H7N9 cho các phòng xét nghiệm thú y.

Từ tháng 6/2013 đến nay, Cục Thú y đã làm việc với Tổ chức FAO, CDC Hoa Kỳ triển khai 3 chương trình chủ động giám sát vi rút cúm A/H7N9 tại 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đã lấy gần 20.000 mẫu gia cầm, mẫu môi trường tại chợ gia cầm để xét nghiệm, hiện vẫn chưa phát hiện virus cúm này tại Việt Nam, chương trình này vẫn được tăng cường thực hiện.

Từ đầu năm 2014, trước diễn biến các ca bệnh cúm A/H7N9 trên người tại Trung Quốc gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 133/CĐ-TTg  ngày 23/1/2014 chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới, giao Bộ NN-PTNT xây dựng "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người".

Ngay sau Tết Giáp Ngọ, Trung Quốc tiếp tục phát hiện nhiều ca bệnh trên người, đặc biệt phát hiện virus cúm A/H7N9 trên chợ gia cầm và 3 bệnh nhân tại tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam; Malaysia phát hiện 1 bệnh nhân người Trung Quốc đến Malaysia du lịch và phát bệnh, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện khẩn số 200/CĐ-TTg ngày 14/2/2014 về việc tăng cường phòng chống virus cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ NN-PTNT đã họp khẩn cấp vào ngày 13/2/2014 để thảo luận, bàn các biện pháp ứng phó.

Cục Thú y cũng đã tổ chức 15 đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại 31 tỉnh, thành phố (tập trung vào các tỉnh có nguy cơ cao nhiễm virus cúm A/H7N9 ở phía Bắc; các tỉnh đang có dịch cúm gia cầm H5N1 và có nguy cơ cao), nhằm ngăn chặn có hiệu quả nhất các chủng virus cúm mới từ Trung Quốc xâm nhiễm vào Việt Nam và nhanh chóng dập tắt dịch cúm A/H5N1 ở trong nước.

Đồng thời, Cục Thú y đã thành lập 8 đội phản ứng nhanh để phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế, các Bộ, ngành có liên quan và địa phương nhằm triển khai kịp thời công tác phòng chống dịch trong trường hợp phát hiện virus cúm A/H7N9 xâm nhập.

Ứng phó khẩn cấp

Ngày 14/2/2014, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-BNN-TY phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người" để triển khai thực hiện ngay trong toàn quốc.

Kế hoạch được xây dựng trên 4 tình huống và đưa ra các biện pháp cụ thể tương ứng với mỗi tình huống nhằm đạt được mục tiêu "Chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam".

Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm; Phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam; Giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và cho người; Giảm thiểu tác động tiêu cực cho kinh tế, xã hội.

Các tình huống cụ thể như sau:

Tình huống 1: Chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người.

Tình huống 2: Chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh.

Tình huống 3: Phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh.

Tình huống 4: Phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

Các biện pháp cấp bách cần ưu tiên gồm: Nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; Triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trong tháng 3/2014, đặc biệt quan tâm đến các chợ có buôn bán và giết mổ gia cầm;

Chủ động lấy mẫu giám sát trên gia cầm, chợ bán gia cầm để phát hiện động vật mang trùng (do virus cúm A/H7N9 chưa gây bệnh lâm sàng trên gia cầm); Tăng cường công tác truyền thông nguy cơ, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc ngăn chặn, phòng ngừa virus xâm nhập.

BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ NN-PTNT đang đôn đốc các Bộ, ngành thành viên và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này với quyết tâm cao nhất là ngăn chặn, không để virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác động đến nền kinh tế.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất