| Hotline: 0983.970.780

Tích lũy ở nông thôn miền Tây: Nhà ở tạm bợ nhưng trang sức không thể thiếu

Thứ Tư 15/04/2015 , 13:20 (GMT+7)

Nông dân miền Tây nổi tiếng phóng khoáng và chịu chơi. Khi có điều kiện là họ sẵn sàng móc hầu bao chi rất bạo tay, với suy nghĩ đơn giản mua sắm tài sản cũng là cách để tích lũy. / Cặp vợ chồng giỏi tích lũy / Ôm ruộng làm giàu

Xe máy và vàng

Ngoài mua sắm máy móc tư liệu sản xuất, có hai thứ mà nông dân miền Tây rất thích sở hữu đó là vàng trang sức và xe máy. Nhà ở có thể bằng cây lá nhưng trong nhà phải có xe (chưa có đường bộ thì vỏ máy) và một số nữ trang làm của.

13-51-30_2-doi-voi-nong-dn-mien-ty-co-the-o-nh-cy-l-tm-bo-nhung-trong-nh-phi-co-mot-so-nu-trng-de-di-dm-tiec
Đối với nông dân miền Tây, nhà ở có thể tạm bợ bằng cây lá nhưng trong nhà luôn có một số vàng nữ trang để đeo khi đám tiệc

 Hầu như nhà nào ở nông thôn bây giờ cũng có từ 1-2 xe máy, thậm chí có nhà mỗi người một chiếc, mà phải là xe máy xịn, tay ga đời mới. Còn vàng thì giá trị nhiều hay ít không cần thiết nhưng nhìn càng hoành tráng càng oách, rỗng ruột cũng được.

Tân Hiệp A là xã nông thôn mới của huyện Tân Hiệp và cũng là xã của tỉnh Kiên Giang được công nhận xã NTM sớm nhất. Thu nhập bình quân trong xã hiện nay là hơn 39 triệu đồng/người/năm, cao nhất trong các xã của huyện. 

Tâm lý người dân miền Tây thích đeo nữ trang, mà đã đeo là phải để lộ ra cho mọi người chiêm ngưỡng. Họ hãnh diện vì nhà ta có của ăn, của để. Cũng vì thế mà mỗi lần có lễ hội, đình chùa, là bọn tội phạm thường tụ tập về để “kiếm ăn”. Còn công an thì phải phát loa ra rả để cánh báo người dân không nên đeo nữ trang đi lễ hội.

Vậy mà năm nào cũng vậy, cứ sau lễ hội lại nghe có hàng chục vụ cướp giật, có vụ mất dây chuyền lên đến cả cây vàng.

 Một số ấp trong xã như: 5A, 4A… nhà cửa xây dựng kiên cố, nhà lầu có, biệt thự mini cũng có. Ngoài thu nhập chính từ các vụ lúa trong năm, một số nhà còn có thêm từ nguồn kiều hối do thân nhân bên nước ngoài gửi về. Vì vậy, đời sống khá sung túc.

Nguyễn Hoàng Hiếu, ở ấp kênh 5A, là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Các anh, chị đều học đại học, ra trường đi làm cho các doanh nghiệp ở thành phố, chỉ riêng Hiếu là hết cấp 3, ở nhà canh tác 4 ha đất lúa với bố mẹ.

 Tiếng là làm ruộng nhưng cái gì giờ cũng mướn hết, chủ nhà “chỉ tay năm ngón”, có người làm hết. Làm đất, thu hoạch đã có máy móc, xuống giống, sạ phân, xịt thuốc đã có đội chuyên đi làm thuê, ới cái là xong.

Nghỉ học ở nhà được vài năm, Hiếu quen bạn gái. Chiếc xe Honda wave xịn bố mẹ mua cho thời đi học liền bị Hiếu chê là “lỗi thời”, bây giờ là thời buổi “xe tay ga”, thanh niên trai tráng ai đi xe số nữa.

Hiếu nằng nặc đòi cắt xong vụ lúa là đổi, nhưng cha mẹ can ngăn, “nhà 3 người 3 chiếc xe, 2 ông bà già mấy khi mới đụng tới xe, mua nữa để chật nhà”.

Hiếu hậm hực mỗi khi phải chạy chiếc xe số đi chơi, mất oai với bạn bè. Nên chỉ cưới vợ được mấy hôm, nhóm bạn đã được Hiếu alô mời tới ăn rửa xe, đứa nào cũng lóe mắt với chiếc Honda SH mới coóng.

Hỏi ra mới biết, toàn bộ tiền mừng mấy chục triệu đồng cha mẹ cho để dành, Hiếu đem tậu xe. Cha mẹ la rầy không biết tiết kiệm để lấy vốn làm ăn, Hiếu lập luận đơn giản: “Mua xe làm của thì còn đấy chứ có cho ai đâu mà mất”.


Hầu như nhà nào ở nông thôn bây giờ cũng có từ 1-2 xe máy, thậm chí có nhà mỗi người một chiếc

Trước đây, người dân Kiên Giang từng râm ran câu chuyện “Hai Lúa” hỏi mua xe Dream bao nhiêu 1 chục (Honda Dream do Thái Lan sản xuất, giá lúc mới ra hơn nửa lô ruộng). Thấy lão nông ăn mặc tuyềnh toàng, ôm giỏ cói, bà chủ nghĩ là hỏi chơi, liền phán: “Nếu mua chục thì tặng thêm cho một chiếc”.

Ông Lão liền đổ giỏ tiền ra mua luôn, bà chủ chưng hửng vì đã lỡ miệng. Chả là năm đó lúa trúng mùa, trúng giá, mấy anh em ông rủ nhau mua xe, nhà tới 8 anh em, có nhà mua luôn một lúc 2 chiếc nên mua chục vẫn còn thiếu.

Ngoài xe máy, nông dân miền Tây còn rất thích nữ trang. Thấy nhà vừa bán xong 2 ha lúa, tổng thu hơn 60 triệu đồng, Trần Thị Thu Thảo, ấp kênh 2A, liền mơ màng đến bộ dây chuyền vàng, vòng đeo tay… để mỗi khi có đám tiệc đeo nở mặt nở mày với bạn bè.

Nghe người cha bàn với mẹ là sắm lấy 1 cây vàng khâu (nhẫn) để dành, còn bao nhiêu mua vật tư chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo, Thảo liền tình nguyện chở mẹ đi chợ. Không biết trên đường đi hai mẹ con thủ thỉ thế nào mà mang về nhà bộ nữ trang (18 cara) thay vì vàng khâu (vàng 24 cara) như người cha dặn.

Được hỏi, thì 2 mẹ con trả lời, “vàng nào chả là vàng, loại rẻ thì mua được nhiều, chứ có mang tiền đi tiêu xài phung phí đâu mà lo. Khi cần vẫn mang ra tiệm bán được, có khác gì vàng khâu”.

Ngân hàng thứ yếu

Chuyện gửi tiết kiệm ở ngân hàng mỗi lần một ít, theo kiểu “góp gió thành bão”, nông dân miền Tây chẳng mấy ai quan tâm.

Có lẽ do cuộc sống phóng khoáng, lại được thiên nhiên ưu đãi nên họ ít lo xa. Chỉ khi bán xong vụ lúa, ôm vài chục, vài trăm triệu đồng họ mới tính chuyện gửi ngân hàng. Theo khảo sát một số ngân hàng thương mại tại huyện thuần nông Tân Hiệp, hầu hết cán bộ tín dụng đều khẳng định: “Nông dân đi vay nhiều hơn là gửi”.

Vừa gửi 50 triệu đồng vào ngân hàng nông nghiệp huyện xong, bà Lê Thị Ngân (62 tuổi, ở xã Tân Hội, Tân Hiệp, Kiên Giang) phân trần: “Nhà mới bán lúa xong, tui mang ra đây gửi tiết kiệm để đến khi vào vụ rút ra mua vật tư từ từ. Nhờ bán lúa được mấy chục triệu mới bõ công đi gửi chứ bán con heo, bầy gà chỉ vài triệu đồng, tiền lãi không đủ tiền đổ xăng xe”.

13-51-30_3-nong-dn-mien-ty-it-qun-tm-gui-tiet-kiem-ho-chi-gui-ngn-hng-khi-co-tien-nhieu-tu-cc-vu-lu
Nông dân miền Tây ít quan tâm đến gửi tiết kiệm, họ chỉ gửi ngân hàng khi có tiền nhiều từ các vụ lúa

Theo bà Ngân, chỉ những người đứng tuổi như bà mới nghĩ tới chuyện đem tiền gửi ngân hàng chứ bọn trẻ hễ thấy có tiền là chúng lại tính chuyện sắm đồ, hết xe máy, lại đến dàn karaoke, để khi nhậu xong hát vài bài cho vui cửa, vui nhà.

Nhà không có thì chúng lại kéo nhau đi quán hát cả buổi, mình kêu về chúng lại trách, “tại cha mẹ không cho tiền mua”. Nhưng cứ chiều chúng nó thì lấy tiền đâu mà đầu tư, tới vụ sản xuất lại phải đi mua phân bón, thuốc sâu thiếu (mua chịu) đến cuối vụ, giá cao, làm bao nhiêu đại lý ăn hết.

Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp A Phạm Văn Hải cho biết, thu nhập của xã hiện nay đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, chủ yếu là từ sản xuất lúa 3 vụ/năm. Sau mỗi vụ lúa, trung bình nhà có 3 ha đất thì tổng thu cũng khoảng 80 - 100 triệu đồng.

Có tiền, phần lớn các gia đình để sửa sang nhà cửa, mua sắm các vật dụng cần thiết trong nhà, máy móc công cụ lao động, còn dư ra mới gửi ngân hàng.

Ông Lương Xuân Bá, Quyền Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh tỉnh Kiên Giang cho biết, là ngân hàng phục vụ nông dân, nông thôn là chính nên ngân hàng luôn ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất, khi dân cần vốn vào vụ là sẵn sàng đáp ứng ngay. Và thực tế, nông dân có nhu cầu vay vốn nhiều hơn là gửi.

 Cụ thể, năm 2014, tổng dư nợ của Agribank tại Kiên Giang lên đến 7.971 tỷ đồng thì tới 7.253 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Trong khi đó, vốn huy động chỉ được 4.621 tỷ đồng.

Vốn huy động từ khách hàng dân cư nông thôn được 3.851 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là gửi thời hạn ngắn, dưới 12 tháng hoặc không kỳ hạn là nhiều.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất