| Hotline: 0983.970.780

Tịch thu xe vi phạm: 'Đề xuất bất khả thi'

Thứ Ba 10/03/2015 , 15:36 (GMT+7)

Nhiều ý kiến dù đồng tình với các biện pháp mạnh tay xử lý người điều khiển phương tiện uống nhiều rượu bia song vẫn băn khoăn về tính khả thi của đề xuất tịch thu xe

Tịch thu ngay lần đầu vi phạm là nặng

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có đề xuất trình Chính phủ về việc tăng mức xử phạt đối với các chủ phương tiện giao thông vi phạm.

Theo đó, Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra đề xuất nâng mức xử phạt đối với xe quá tải, lái xe say rượu... với mức phạt cao nhất là tịch thu phương tiện.

Cụ thể, người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện. Việc tịch thu này cũng áp dụng đối với hành vi điều kiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sơ trên đường cao tốc.


Người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện (Ảnh minh họa)
 
Chia sẻ tại tọa đàm “Nâng mức xử phạm hành vi vi phạm giao thông” trên Chinhphu.vn, ông Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đây là một đề xuất rất tốt, mang tính chất răn đe cao đối với những người vi phạm.
 
Theo ông Hòa, mức phạt cao nhất Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất đã dựa trên mối quan ngại rõ ràng, phân tích cụ thể tình hình tai nạn giao thông vừa qua. Việc uống rượu bia lưu thông trên đường là hành vi vi phạm rất nặng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người lái xe mà còn uy hiếp an toàn xã hội, tới những người xung quanh.
 
Vì vậy, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều rất quan tâm tới chế tài xử phạt, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Thậm chí có những nước có những chế tài hình sự như phạt tù, phạt tiền rất nặng.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, cũng nên cân nhắc việc nâng mức xử phạt nên áp dụng trong những trường hợp như thế nào cho phù hợp với thực trạng về vi phạm an toàn giao thông cũng như văn hóa giao thông, văn hóa rượu bia ở Việt Nam.

Ông Hòa nhấn mạnh thêm: “Về mặt kỹ thuật lập pháp ta phải thiết kế như thế nào, vì rõ ràng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước cần cân nhắc tính hợp pháp của nó trong hệ thống pháp luật đã được định hình về xử phạt vi phạm hành chính của chúng ta hiện nay”.

Sau khi đề xuất tịch thu phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông hoặc xe máy lưu thông vào đường cao tốc của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được trình Chính phủ, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng mức phạt trên là quá cứng nhắc, bởi ô tô là phương tiện có giá trị kinh tế lớn, nhất là xe phạt không chính chủ hoặc phương tiện không thuộc quyền sở hữu của lái xe thì việc tịch thu là bất khả thi. Thậm chí, có ý kiến còn khẳng định việc tịch thu xe là vi phạm luật, vi phạm quyền sở hữu phương tiện của công dân.

Lo ngại tranh chấp, kiện tụng

Đại tá Trần Thế Quân - Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp  - Bộ Công an, cho biết vẫn chưa nhận được đề nghị của Bộ GTVT về việc phối hợp để nghiên cứu các đề xuất tịch thu xe của Ủy ban ATGT quốc gia. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu đề xuất này được chấp thuận thì sẽ làm nảy sinh nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng phức tạp.

Theo đại tá Quân, điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính mới chỉ là quy định về nguyên tắc, còn cụ thể phải tiếp tục nghiên cứu. “Tịch thu của tất cả hay chỉ tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người vi phạm bởi nhiều trường hợp phương tiện đó lại không thuộc sở hữu của người điều khiển vi phạm?” - ông băn khoăn.

Trong tình huống chủ sở hữu không vi phạm nhưng xe của họ lại bị tịch thu thì sẽ nảy sinh nhiều vụ kiện dân sự phức tạp giữa người mượn xe và chủ sở hữu. “Tôi cho rằng tai nạn thì ghê gớm và chúng ta đều không đồng tình với các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đã là quy định thì phải hợp pháp, hợp tình nên phải suy nghĩ kỹ” - đại tá Quân nhìn nhận.

Trong khi đó, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ GTVT, cho biết đến sáng 9-3, bà vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, Vụ Pháp chế sẽ nghiên cứu và có báo cáo cụ thể để tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT về việc này.

“Chúng tôi đã giao cho các cán bộ tiến hành rà soát lại đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia cũng như toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để xem đề xuất nào là hợp lý và chưa hợp lý” - bà Nga cho hay.

(Tổng hợp)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất