| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng chưa được đánh thức

Thứ Ba 09/07/2013 , 13:50 (GMT+7)

Mặc dù có tiềm lực không nhỏ từ nguồn tài nguyên sẵn có, nhưng Bình Phước vẫn là một tỉnh khá chậm trong xây dựng NTM.

Mặc dù có tiềm lực không nhỏ từ nguồn tài nguyên sẵn có, nhưng Bình Phước vẫn là một tỉnh khá chậm trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, chuyến thăm và làm việc của nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, Cố vấn BCĐ chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương và Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Tăng Minh Lộcvừa qua đã giúp Bình Phước có cách nhìn nhận mới.

TÂN LẬP SẮP VỀ ĐÍCH

Về xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (một trong 11 xã điểm xây dựng NTM Trung ương), tản bộ trên những con con đường thôn, ấp được trải nhựa hoặc bê tông khang trang, sạch sẽ, ông Hồ Xuân Hùng cùng đoàn công tác rất phấn khởi trước những đổi thay của địa phương này.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Bùi Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết, xã có 9 ấp với diện tích trên 7.000 ha. Trước năm 2008, đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ cở vật chất còn rất thiếu thốn. 

Đến năm 2009, được Trung ương chọn là 1 trong 11 xã điểm xây dựng NTM, thì Tân Lập đã thay da đổi thịt từng ngày, đời sống của người dân nâng cao. Đến nay, xã này đã đạt 17/19 tiêu chí, chỉ còn tiêu chí thứ 7 (chợ) và tiêu chí 15 (y tế) còn hơi “vướng”.

Ông Hùng cho biết, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của xã hiện nay chiếm 50%. Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân còn hạn chế, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động còn chậm.

Tuy nhiên, Tân Lập cũng đã xây dựng được 40 mô hình sản xuất thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế. Cụ thể, xã đã triển khai được 6 mô hình chăn nuôi theo sự hỗ trợ của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM; mô hình trồng sắn cao sản, trồng nấm và ca cao.

Trong đó, mô hình ca cao xen dưới tán điều và trồng nấm được nhân rộng. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Lập chỉ 9,5 triệu đồng/người/năm. Nhưng năm 2013, đã là hơn 24 triệu đồng.

Ghé thăm một số hộ gia đình ở Tân Lập, đoàn công tác đã “mắt thấy, tai nghe” sự hài lòng của người dân khi được thụ hưởng cuộc sống tốt hơn từ Chương trình xây dựng NTM.

“Nhờ có NTM mà đời sống mọi mặt đều tốt hơn, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Là một cựu chiến binh, cũng nắm được cơ bản Chương trình xây dựng NTM của Nhà nước nên ngoài những đóng góp vật chất, tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ bà con để trò chuyện, tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về NTM và cùng chung tay góp sức với chính quyền xã xây dựng NTM”, ông Tạ Xuân Dậu, ở ấp 3, xã Tân Lập phấn khởi nói.


Ông Hồ Xuân Hùng thăm gia đình ông Tạ Xuân Dậu (ấp 3, xã Tân Lập)

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Khiền ở ấp 2, lại vui mừng khoe: “Tôi có 8 công đất, trước chỉ trồng cao su. Nhưng từ khi có Chương trình xây dựng NTM, tôi được tư vấn trồng xen nấm nên thu nhập của gia đình tăng lên khá. Hiện ngoài thu nhập từ cao su, mỗi tháng gia đình tôi thu ngót chục triệu đồng từ 4 ngàn giỏ nấm”.

SẼ CHUYỂN MÌNH

Rời Tân Lập, đoàn công tác của Cố vấn BCĐ Chương trình xây dựng NTM Trung ương Hồ Xuân Hùng tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước.

Theo báo cáo của BCĐ Chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 46 xã đạt dưới 5 tiêu chí, 35 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 1 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí. Có 41/91 xã đã hoàn thành và phê duyệt đề án xây dựng NTM, 20 xã chỉ đạo điểm giai đoạn 2011-2015.

Trong buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh cũng đã giải trình với đoàn công tác những khó khăn trong Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: Địa bàn rộng, dân cư phân tán, phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể chưa rõ ràng, cụ thể; việc giải ngân vốn chậm; chưa huy động tốt các nguồn lực để thực hiện chương trình…

Nói về sự chậm chạp trong tiến trình xây dựng NTM của tỉnh, ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, thừa nhận: “Về Chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương của Bình Phước chưa hoàn tất đề án xây dựng NTM. Các sở, ngành chưa vào cuộc, mạnh ai nấy làm, chưa có sự lồng ghép. Bên cạnh đó, nguồn thu cho ngân sách giảm vì từ người nông dân đến doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Nguồn ngân sách chủ yếu để chi trả lương. Nói chung yếu toàn diện”.

Ông Lợi cũng đề xuất việc không nên “cứng nhắc” trong việc thực hiện các tiêu chí. “Như chợ và nghĩa trang, tôi nghĩ không nhất mỗi xã phải có 1 cái chợ và một nghĩa trang mà tùy thực tế mỗi xã, có thể 2 xã chung 1 chợ hay 1 nghĩa trang. Hay việc làm 1 con đường dài 800 m thì không nhất thiết phải lập dự án, ban giám sát… như làm con đường vài cây số. Tốn kém không cần thiết”, ông Lợi nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Xuân Hùng nhận xét: Bình Phước chậm trong xây dựng NTM là do chưa có sự gắn kết giữa các ban, ngành; triển khai chậm từ khâu qui hoạch.

Theo ông Hùng, để đạt hiệu quả bền vững trong xây dựng NTM, cần có sự phân công công việc rõ ràng cho từng cá nhân, tập thể, gắn với thi đua, khen thưởng, kiểm điểm. Làm sao để cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc như một phong trào và làm nhịp nhàng, ăn ý như một guồng máy.

Bên cạnh đó, những việc không cần đầu tư, không cần tiền thì phải làm ngay. Tìm hướng đi cho cây trồng chủ lực. Tập trung tháo gỡ khó khăn tại chỗ. Nguồn lực sẵn có của Bình Phước không nhỏ, nếu khéo léo tuyên truyền, vận động sự tham gia của các doanh nghiệp thì hiệu quả không nhỏ.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Tấn Lợi thay mặt chính quyền tỉnh tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác và khẳng định, sắp tới, tỉnh sẽ có giải pháp cụ thể, sẽ chỉ đạo quyết liệt, sẽ quyết tâm thực hiện bằng được Chương trình xây dựng NTM.

"Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Tân Lập và sự hỗ trợ của chính quyền huyện, tỉnh. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu, các anh cần cố gắng hơn nữa. Có những việc không cần đến vốn, chỉ cần huy động nguồn lực có sẵn tại địa phương là có thể làm được, như vấn đề môi trường…", ông Hồ Xuân Hùng.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.