| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng phát triển các đặc sản nuôi biển đang bị bức tử

Thứ Tư 29/11/2017 , 13:15 (GMT+7)

Là nơi “đóng đô” của rất nhiều đơn vị nghiên cứu về thủy - hải sản, Hải Phòng có nhiều lợi thế để phát triển các đặc sản nuôi biển. Tuy nhiên, lợi thế này đang dần bị bóp nghẹt từ sức ép của việc mở rộng đô thị, du lịch.

Sẽ cắt giảm lượng lồng bè

Với lợi thế tự nhiên tách biệt, nguồn nước sạch, đảo Cát Bà trước đây đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 (Bộ NN-PTNT) chọn làm nơi đóng chân của Trung tâm Quốc gia Giống thủy hải sản Miền Bắc.

Tuy nhiên cùng với tốc độ tăng dân cư và lượng khách du lịch, đặc biệt là hoạt động nuôi hải sản lồng bè với mật độ dày đặc ở các vũng vịnh có lợi thế như Cái Bè, Lan Hạ, hiện nay, chất lượng nguồn nước ở đây cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Bè nuôi dưỡng đàn cá bố mẹ của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản Miền Bắc (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) đã phải di dời tách biệt ra tít ngoài xa ở vịnh Lan Hạ, nhưng mối lo về môi trường của những cán bộ kỹ thuật ở đây vẫn luôn nơm nớp.

1161015234
Rác thải tại các vùng nuôi hải sản lồng bè đang ngày càng nhiều (ẢNH: QUỲNH TRANG)

 

Anh Phạm Văn Thìn, cán bộ kỹ thuật phụ trách trạm cá giống bố mẹ của Trung tâm Quốc gia Giống thủy hải sản Miền Bắc đã gắn bó với trạm gần 10 năm, ái ngại: Nếu như trước đây, cá nuôi bè rất ít khi dính phải dịch bệnh thì nay, mỗi tuần phải tắm cho đàn cá một lần để diệt các loại vi khuẩn và ký sinh trùng nhưng vẫn không yên tâm. 

Tỉ lệ hao hụt, chết mòn đàn cá biển nuôi lên tới 50-60%, kể cả lúc kích cỡ cá đã lớn. Nguy hiểm nhất là khu vực nuôi mật độ quá dày, trong khi nguồn thức ăn của cá nuôi lại chủ yếu là cá tạp nên lượng thức ăn dư thừa cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến nguồn nước ở các vịnh ngày càng ô nhiễm nặng về hữu cơ. Bên cạnh đó, lượng rác thải sinh hoạt và từ khách du lịch thiếu ý thức xả xuống vịnh cũng ngày càng nhiều.

“Cá nuôi thường chết rải rác quanh năm, tuy nhiên các chủ bè nuôi thường rất thiếu ý thức nên không thu gom lại để xử lí mà vứt trôi nổi ra biển nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm. Lượng rác thải trôi nổi trên vịnh gần như ngày nào cũng dạt vào các bè nuôi vô kể, vớt liên tục không xuể”, anh Thìn lo ngại.

Những năm gần đây, kết quả quan trắc, giám sát chất lượng nước biển tại các điểm quan trắc trên địa bàn huyện Cát Hải cho thấy, môi trường vùng biển ven bờ đang trong tình trạng ô nhiễm, nhiều khu vực có nguy cơ ô nhiễm đáng báo động. Tại vịnh Lan Hạ, nồng độ oxy hòa tan trong nước ở một số điểm giảm thấp dưới ngưỡng giới hạn cho phép.

Trong khi đó, nồng độ dinh dưỡng, dầu mỡ lại cao hơn giới hạn cho phép và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Chỉ số đa dạng loài thực vật phù du thấp phản ánh môi trường nước bị ô nhiễm. Loài tảo độc hại có khả năng sinh độc tố ASP xuất hiện mật độ cao. Nồng độ chất ô nhiễm có xu hướng ngày càng tăng tại những “điểm nóng” ở vịnh Bến Bèo như: Hang Vẹm, Vụng O, ở vịnh Lan Hạ như Tai Kéo, Cạp Gù. Những khu vực trên liên tiếp xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ và dịch bệnh hải sản...

Trước thực trạng này, TP Hải Phòng đã chủ trương phải giảm số lượng lồng bè nuôi. Đến thời điểm này, số lượng lồng bè nuôi đã giảm xuống còn 7.900 ô lồng, 444 bè và 448 rạn bè nuôi ngao hoa, vẹm, ngao ô vuông... tập trung ở vùng vịnh xa. Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, do Cát Bà còn là khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia nên theo quy hoạch đến năm 2020, Hải Phòng sẽ giảm số lượng lồng bè xuống chỉ còn 152 bè và khoảng 3.000 ô lồng.

Theo Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, năm 2016, trên các vịnh ở Cát Bà có 486 bè nuôi, với hơn 8.600 ô lồng và 463 giàn bè. Vịnh Bến Bèo là khu vực còn số lượng bè nuôi dày đặc nhất với hơn 300 bè, tương đương hơn 5.680 ô lồng. Số lượng còn lại phân bổ tại vịnh Lan Hạ, cảng Cát Bà, vịnh Gia Luận, vịnh Trà Báu. Trong đó, 143 chủ bè là người Cát Hải, 267 chủ bè là người địa phương khác thuộc Hải Phòng và 76 chủ bè ở tỉnh khác.

Hiện UBND thành phố đang giao Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch lộ trình cắt giảm cho từng năm. “Hồi mới bắt đầu nuôi khoảng năm 2005, gia đình tôi chỉ có 12 ô lồng, sau này tăng lên 24 ô lồng, có thời điểm tăng lên tới 74 ô lồng, tuy nhiên theo yêu cầu của chính quyền địa phương, gia đình đã giảm xuống chỉ còn 40 ô lồng và sẽ còn giảm tiếp”, ông Vũ Văn Vóc, một chủ bè nuôi ở vịnh Bến Bèo cho biết.
 

Đất cho thủy sản ngày càng thu hẹp

Nhiều năm phụ trách về nuôi trồng thủy sản, bà Võ Thị Hồng, Trưởng phòng Kỹ thuật (Sở NN-PTNT Hải Phòng) ái ngại: Là địa phương có nhiều cửa biển, bãi triều và vịnh kín, Hải Phòng có lợi thế rất lớn để phát triển thủy sản mặn – lợ. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là cùng với mối lo về môi trường, diện tích dành cho nuôi trồng thủy sản cũng đang ngày càng thu hẹp. Trong đó, đa số diện tích thủy sản bị mất khi nhường cho công nghiệp, đô thị lại đều là diện tích nuôi rất đẹp và có lợi thế. Đơn cử như khu vực Đình Vũ hay đảo Cát Hải trước đây là vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ vô cùng tốt nhưng nay gần như đã không còn vì phải nhường đất cho công trình giao thông, cảng biển...

Ở các vùng nuôi ven biển như các huyện Thủy Nguyên, quận Đồ Sơn, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy... diện tích nuôi cũng đang giảm chóng mặt do quy hoạch công nghiệp và đô thị. Theo quy hoạch của TP Hải Phòng đến năm 2020, quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản chỉ còn khoảng 8.700ha, giảm gần 3.000ha, trong đó diện tích mặn - lợ giảm mạnh nhất.

2161024955
Mật độ lồng bè quá dày đặc đang khiến nguy cơ dịch bệnh tăng mạnh (ẢNH: QUỲNH TRANG)

Cùng với sự gia tăng của đô thị và công nghiệp, chất lượng nguồn nước tại các vùng nuôi nước lợ, nước ngọt ven biển ở Hải Phòng cũng rất báo động. Điều này khiến nhiều đối tượng thủy sản bản địa có lợi thế gặp rất nhiều khó khăn để phát triển. Theo bà Võ Thị Hồng, một ví dụ đơn cử như đối với tôm rảo. Đây là đối tượng nuôi bản địa đặc trưng rất có lợi thế của Hải Phòng trước đây. Tôm rảo thích hợp nuôi quảng canh nước lợ, chi phí thấp. Tôm rảo nuôi tốt có thể đạt tới kích cỡ thương phẩm khoảng 20 g/con, tương đương với tôm thẻ chân trắng, và có thể thu hoạch linh hoạt từ khoảng 100 con/kg là bán được, giá cả có thời điểm rất tốt, tới 250 - 300 nghìn đồng/kg. Một số cơ sở tại Hải Phòng cũng đã nhân nuôi và tạo được nguồn giống tôm rảo rất tốt. Tuy nhiên, tôm rảo lại rất kỵ với môi trường ô nhiễm nên hiện nay gần như khó phát triển.

Rươi cũng là một loại đặc sản tự nhiên rất có lợi thế ở hệ thống các cửa sông của Hải Phòng, tuy nhiên do nguồn nước ngày càng ô nhiễm nên đang suy giảm đáng kể. Trước tình hình này, mới đây, một đề tài nghiên cứu của Trung tâm Giống thủy sản nước mặn – lợ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1) đang xúc tiến việc nghiên cứu khoanh nuôi rươi có kiểm soát chất lượng môi trường nước như: Chọn con triều có nước ít ô nhiễm; áp dụng cày xới cải tạo đất; bón phân, thau chua rửa mặn cho đất...

Tháng 7/2017, HĐND thành phố Hải Phòng đã có nghị quyết về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và thủy sản giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 với 11 chính sách cụ thể.

Theo đó, DN, HTX đầu tư vào các dự án SX nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa với mức tối đa 6,18 triệu đồng/ha; ngân sách thành phố đền bù 100% cho việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; chi trả tiền thuê đất và mặt nước trong thời gian 20 năm đối với các dự án nông nghiệp, thủy sản có diện tích từ 20ha trở lên...

QUỲNH TRANG

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.