| Hotline: 0983.970.780

Tiền đâu?

Chủ Nhật 25/08/2019 , 13:15 (GMT+7)

- Sao tháng này con đưa cho mẹ có mười bốn triệu rưỡi, còn năm trăm nghìn nữa đâu?

Nghe mẹ chồng hỏi vậy, Nguyên đáp:

- Vâng thưa mẹ, tháng này lĩnh lương xong, trên đường về, con thấy một cửa hàng có bán mấy loại quần áo trẻ con mốt mới rất đẹp, nên con mua cho cháu hai cái, hết năm trăm ngàn ạ. Đây mẹ xem.

Cầm hai cái áo do con dâu đưa, bà Thanh chẳng buồn nhìn, ném toẹt xuống giường, mặt bà cau có trông rất khó coi, giọng bà nặng như chì.

- Lần sau mà còn thế nữa thì mẹ không để yên đâu. Mua cái gì cho cháu là ở mẹ chứ không phải ở con. Cháu thiếu cái gì tự mẹ sẽ đi mua.

Nguyên im lặng không nói gì nữa, bởi cô biết nói ra chỉ tổ bực mình, mà cũng chẳng thay đổi được gì. Sau 9 năm mới gặp lại nhau, Nguyên và Minh nhanh chóng nối lại tình bạn học cũ. 9 năm trước, cả hai đều tốt nghiệp lớp 12 trường phổ thông trung học ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Minh người thị trấn còn Nguyên ở một xã ngang cạnh đó.

Không thi đại học, Nguyên đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Nhờ chịu khó, lại nhanh nhẹn, xởi lởi, nên chỉ mấy năm sau Nguyên đã thi đỗ chương trình N2 tiếng Nhật, được ông chủ công ty rất quý. Tiền lương hàng tháng Nguyên gửi hết về cho bố mẹ ở Việt Nam nhờ giữ hộ. Vì thế khi trở lại Việt Nam làm việc trong một chi nhánh của công ty đó tại Hà Nội, Nguyên đã có một cuốn sổ tiết kiệm với số tiền kha khá. Còn Minh thi đỗ đại học rồi trở thành kĩ sư xây dựng, làm việc cho một công ty xây dựng lớn ở Hà Nội.

Gặp lại nhau, họ nhanh chóng yêu nhau, và một đám cưới linh đình cũng nhanh chóng được tổ chức. Nhà Minh thuộc loại khó giả, có nhà mặt phố, đối diện với bệnh viện đa khoa huyện, nên kinh doanh rất thuận lợi. Ngày đầu tiên ở nhà chồng, Nguyên đã được mẹ chồng “giáo huấn” cho về nguyên tắc sinh hoạt của gia đình:

- Từ nay, tiền lương hàng tháng của con được bao nhiêu, con phải đưa hết cho mẹ, không được giữ lại một đồng nào. Mẹ sẽ lo chuyện ăn uống cho cả hai vợ chồng. Rồi hàng ngày con cần cái gì thì cứ nói với mẹ, mẹ sẽ đưa lại tiền cho con. Cứ thế mà làm, nghe chưa.

Tiền lương của Nguyên được 15 triệu một tháng. Nguyên xin đưa cho bà 10 triệu, giữ lại 5 triệu để chi tiêu những thứ cần thiết, nhưng bà nhất định không nghe. Từ đó, sáng nào Nguyên cũng phải dậy từ 4 giờ 30 để lo ăn sáng cho cả nhà. Đồ ăn bà đã mua sẵn, Nguyên chỉ việc nấu nướng. Và sáng nào cũng vậy, bà đều đặn đưa cho Nguyên 25 ngàn để đổ xăng, vì bà đã tính quãng đường từ nhà đến chỗ Nguyên làm và từ đó về nhà, chỉ hết 1 lít xăng. Ngoài tiền xăng, bà đưa thêm cho Nguyên 20 ngàn để trưa mua một suất cơm hộp nữa. Bất cứ một thứ gì, kể cả đồ vệ sinh của phụ nữ khi đến tháng, có hỏi thì bà mới đưa. Còn Nguyên thì sợ phiền, nên phần lớn là chịu nhịn cả những nhu cầu tối thiểu. Một hôm, bà bảo Nguyên:

- Mẹ nghe nói khi ở Nhật, con có dành được một ít tiền. Con hãy đưa cả cho mẹ, để mẹ thêm vào mua cho vợ chồng mày miếng đất, cất lấy cái nhà mà ở riêng. Rồi tiền bạc chúng mày kiếm được, chúng mày muốn tiêu pha thế nào thì mặc mẹ chúng mày, mẹ khỏi phải quản hộ nữa.

Nghe vậy, Nguyên mừng rơn, nếu có đất, có nhà, vợ chồng được ở riêng với nhau, thì thật là một thiên đường, thoát khỏi cảnh lương của mình mà không được tiêu, từ cốc nước đến cân hoa quả cũng phải ngửa tay xin, nói gì đến son phấn và những đồ làm đẹp của phụ nữ. Nguyên rút hết số tiền bảy trăm triệu đưa cho bà, thầm nghĩ, số tiền đó đủ mua một mảnh đất. Còn số tiền của chồng tiết kiệm được từ ngày đi làm đến giờ, cộng thêm tiền bố mẹ chồng cho, sẽ đủ xây một ngôi nhà tử tế.

Bé Minh Nguyệt ra đời, đúng như câu tục ngữ là “cháu ông nội, tội bà ngoại”. Suốt 6 tháng Nguyên về nhà mẹ đẻ để sinh, bà nội bé vẫn cứ đến ngày, khi người của công ty vừa mang lương đến cho Nguyên là đến để thu lương. Có khác chăng là bây giờ, sau khi cầm lương của Nguyên, bà còn ban cho một câu:

- Con có cần gì thì cứ nói với mẹ, mẹ sẽ mua cho.

Ấy thế mà có lần, bà còn đến, bảo Nguyên:

- Từ ngày con về làm dâu của mẹ đến giờ, ngày nào mẹ cũng đưa con 20 ngàn để mua cơm hộp ăn trưa. Nhưng gần đây mẹ mới biết bữa trưa của con, công ty đã lo cho rồi. Vậy con đưa lại cho mẹ cái chỗ tiền đó. Tất cả 1 năm 7 tháng. Có nhiều tháng có 31 ngày, nhưng thôi mẹ cứ lấy mỗi tháng 30 ngày, thành ra 570 ngày, trừ đi 76 ngày chủ nhật, còn 494 ngày, mỗi ngày 20 ngàn, vị chi là chín triệu chín trăm tám mươi ngàn, thôi mẹ chỉ lấy chín triệu tám thôi. Con đưa lại cho mẹ.

Nguyên phải xin mẹ đẻ số tiền đó đưa lại cho bà. Còn Minh, từ ngày lấy nhau, anh chưa đưa cho Nguyên một đồng nào, kể cả khi Nguyên sinh con. Một hôm Minh đến thăm con, gặp lúc bé Minh Nguyệt đang bị đau bụng. Nguyên bảo chồng:

- Anh ra hiệu thuốc mua cho con lọ dầu gió.

Minh chìa tay:

- Tiền đâu?

Cầm mấy chục ngàn Nguyên đưa, Minh phóng xe máy đi. Lúc anh cầm lọ dầu về, thì Nguyên đưa cho anh một tờ giấy:

- Anh kí vào đây.

Minh nhìn kỹ, hóa ra là tờ “đơn li hôn”.

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất