| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang: Có cấm dân vẫn... cứ nuôi

Thứ Tư 24/08/2011 , 09:53 (GMT+7)

Xã Phước Trung (Gò Công Đông, Tiền Giang đang rất thành công với con tôm thẻ chân trắng. Vì vậy, nhiều người dân không ngại ngần khẳng định, nếu cấm họ vẫn cứ nuôi.

Hầu hết ao nuôi ở Phước Trung đều đã nuôi tôm thẻ chân trắng

Tính đến hết tháng 7/2011, ở ĐBSCL, nông dân đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 7.800 ha. Xã Phước Trung (Gò Công Đông, Tiền Giang), là một trong những xã có diện tôm thẻ lớn ở ĐBSCL và đang rất thành công với con tôm này. Vì vậy, nhiều người dân không ngại ngần khẳng định, nếu cấm họ vẫn cứ nuôi.

>> ''Chịu ơn'' sinh vật ngoại lai

Phất lên nhờ... tôm thẻ

Vùng nuôi tôm ở Phước Trung nằm tập trung giữa một bên là rạch Long Uông và bên kia là đê Phước Trung. Trước đây, ngự trị ở khu vực này là cua, cá kèo, tôm sú ... Nhưng bây giờ, nhắc đến những vật nuôi ấy, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, nhất là con tôm sú. Khi tôi hỏi có muốn nuôi tôm sú nữa không, anh Lê Thanh Tùng, nông dân ấp Thanh Nhung vội chắp tay làm động tác xá dài: “Tui xin lạy tôm sú bằng ông cố. Tui sợ nó lắm rồi”.

Nhà anh Tùng có vài công đất, trước đây anh dành toàn bộ chỗ đất đó đào ao nuôi tôm sú. Trúng ít, thua nhiều, gia đình anh cứ lún sâu vào nợ ngân hàng, nợ tiền thức ăn, thuốc của các đại lý, tổng cộng tới vài trăm triệu đồng mà không có cách nào trả nổi. Anh Nguyễn Mạnh Hồng, một nông dân khác ở ấp Thanh Nhung, cũng từng xất bất xang bang với con tôm sú. Nhà anh chỉ có 4.000m2 ao tôm, mà có thời điểm đã nợ ngân hàng tới 250 triệu đồng.

 Ông Trương Văn Tấn, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm cán bộ khuyến ngư xã Phước Trung xác nhận, mấy năm trước, hầu như hộ nào có nuôi tôm sú ở xã này cũng đều mang nợ ngân hàng. Nợ vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Hàng loạt ao tôm ở Phước Trung bị bỏ không vì dân quá sợ, không còn dám nghĩ tới chuyện đầu tư nuôi tôm sú nữa. Giá đất nuôi tôm ở Phước Trung giảm mạnh, xuống chỉ còn chừng 200-250 triệu đông/ha mà chẳng ai thèm mua.

Trước tình thế đó, khoảng 3-4 năm về trước, dù tỉnh Tiền Giang chưa cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng một số hộ ở Phước Trung vẫn lén thả nuôi. Ông Đinh Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, nhớ lại: “Xã xuống lập biên bản nhiều lần, nhưng khi cán bộ xã ra về, mấy hộ đó vẫn tiếp tục nuôi tôm thẻ vì quá hiệu quả”. Đến khi tôm thẻ chính thức được cho nuôi, nó đã nhanh chóng trở thành cứu cánh cho những người đang ôm nợ vì tôm sú.

Hai năm trước, do nợ nần thúc bách, anh Tùng tính bán hết mấy ao tôm để trả nợ. Đúng lúc ấy, có người kêu anh thử nuôi tôm thẻ xem sao. Sau vài ngày nghĩ ngợi, anh Tùng quyết định liều “chơi cú chót”. Anh vay mượn tiền bạc, cải tạo ao, mua con giống tôm thẻ chân trắng về thả. Sau hơn 2 tháng trời vừa nuôi vừa … run, anh Tùng thu hoạch thành công lứa tôm thẻ đầu tiên với năng suất quy ra ha thì đạt tới 8 tấn, cao hơn hẳn so với tôm sú. Sau khi bán hết lứa tôm đó, anh Tùng lại tiếp tục đầu tư nuôi lứa tôm mới. Chỉ sau vài lứa tôm thẻ, anh đã trả hết nợ ngân hàng.

Anh Nguyễn Mạnh Hồng cũng nhờ tôm thẻ mà trả hết khoản nợ 250 triệu đồng. Không những thế, tôm thẻ còn đang giúp anh phất lên trông thấy. Vụ tôm đầu năm nay, gia đình anh thu lời được tới 500 triệu đồng. Ông Đinh Ngọc Thuận cho biết, nhiều hộ ở các ấp Thanh Nhung, Dương Hòa …, thu lời từ tôm thẻ tới 500- 700 triệu đồng mỗi vụ. Thậm chí có hộ do xử lý ao nuôi không tốt, tôm bị bệnh đốm trắng phải vội vàng tát ao, bán non cho thương lái, mà vẫn thu lời được vài chục triệu đồng. Còn theo ông Trương Văn Tấn, đại đa số những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phước Trung đều thành công.

Không nuôi thì nuôi con gì?

So sánh về hiệu quả kinh tế giữa con tôm thẻ với con tôm sú, anh Hồng khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Ở đâu thì tôi không biết, chứ ở vùng này, tôm thẻ là hơn hẳn”. Trước hết, về thời vụ, tôm thẻ đã ăn đứt tôm sú vì thời gian nuôi ngắn hơn nhiều. Tôm thẻ khoảng 45-50 ngày tuổi đã có thể xuất bán và mang lại lợi nhuận về cho gia chủ. Khi đạt thời vụ chuẩn là 2 tháng rưỡi, tôm thẻ có kích cỡ 80 con/kg, năng suất bình quân 8-10 tấn/ha. Với giá bán hiện nay ngay tại ao là 90.000-100.000 đ/kg (loại 80 con/kg), sau khi trừ hết chi phí, nông dân lời 40.000-50.000 đ/kg.

 Nhờ thời gian nuôi ngắn mà tôm thẻ giảm được rủi ro về dịch bệnh so với tôm sú (thời gian nuôi tới 4-5 tháng) và có thể nuôi tới 3 vụ/năm (tôm sú chỉ có thể nuôi 2 vụ). Với những lợi thế như thế, hiện nay gần như toàn bộ 109 ha tôm ở Phước Trung là nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Đinh Ngọc Thuận khẳng định: “Trước đây, phần lớn người nuôi tôm sú ở Phước Trung đều phải cầm cố sổ đỏ ở ngân hàng. Nhờ con tôm thẻ, bây giờ không còn ai bị ngân hàng giữ dùm sổ đỏ nữa. Không những thế, nhiều hộ đã xây cất được nhà cửa khang trang. Có thể nói, kinh tế xã Phước Trung giữ được sự phát triển ổn định trong 2 năm trở lại đây là nhờ tôm thẻ chân trắng”.

Vai trò của con tôm thẻ lớn như thế, nên khi nhắc tới việc loài tôm này đang nằm trong danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại của Bộ Tài nguyên – Môi trường, cả nông dân lẫn cán bộ xã Phước Trung đều không đồng tình. Anh Nguyễn Mạnh Hồng nói thẳng: “Cấm nuôi tôm thẻ là phi thực tế. Người dân chúng tôi nếu không có tôm thẻ là đói, vì nếu không được nuôi tôm thẻ, chúng tôi sẽ chẳng biết phải nuôi con gì nữa? Chẳng lẽ lại phải nhắm mắt quay lại với con tôm sú khi mà ai cũng sợ nó lắm rồi”.

"Các ông ở Tài nguyên - Môi trường cứ ngồi bàn giấy mà căn cứ khoa học này, căn cứ lý luận nọ. Là những người thực tiễn cơ sở, chúng tôi thấy từ khi có con tôm thẻ, nó không những giúp dân thoát nợ, vực lại kinh tế gia đình mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương. Các ông ấy có giỏi thì về địa phương, bảo dân cố mà chịu nghèo, chịu khổ, đừng nuôi con tôm thẻ vì con này nó có nguy cơ gây hại, chứ chúng tôi thì chịu rồi.  Đã không vạch cho dân được hướng phát triển, làm giàu lại còn ngăn này cấm nọ, họ lại chẳng chửi cho chúng tôi vuốt mặt không kịp" -một cán bộ nông nghiệp ở ĐBSCL nói.

Ông Trương Văn Tấn bày tỏ đồng tình: “Đánh đồng con tôm thẻ với con rùa tai đỏ, con ốc bươu vàng là không có cơ sở. Vì ở Phước Trung, trong mấy năm qua, đã có nhiều tôm thẻ thoát ra ngoài môi trường tự nhiên, nhưng chúng không hề gây hại gì cả. Mà ngược lại, những con tôm thoát ra ngoài đó lại tạo nguồn thu nhập cho những người không có ruộng đất, phải kiếm sống bằng nghề đánh bắt tôm cá trên rạch Long Uông, sông Cửa Tiểu”. Ông Đinh Ngọc Thuận thừa nhận: “Con tôm thẻ đang cực kỳ hiệu quả như thế, có cấm thì dân vẫn sẽ cứ nuôi thôi. Mà nói thật với nhà báo, chúng tôi còn muốn kéo cái đê Phước Trung vào phía trong một chút nữa để có thêm diện tích cho dân nuôi tôm thẻ chân trắng đấy”.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Gò Công Đông, cho rằng: “Dân nuôi tôm thẻ đã 3-4 năm nay, đã quá quen thuộc với loài tôm này rồi. Hơn nữa tôm thẻ còn tỏ ra có hiệu quả kinh tế lớn. Bây giờ mà cấm dân nuôi là rất khó, khi mà những con nuôi trước đây như cua biển, cá kèo …, đều không mang lại hiệu quả kinh tế, còn con tôm sú thì quá nhiều khó khăn, rủi ro. Trong khi đó, những lo ngại lớn ở con tôm thẻ như hội chứng taura, chưa hề phát hiện thấy trên tôm thẻ chân trắng ở Gò Công Đông. Những tác hại khác về môi trường cũng chưa xảy ra”.

Ông Quý khẳng định “Tôm thẻ đang tạo ra sản lượng hàng hóa rất lớn trong tổng sản lượng tôm hàng hóa ở Gò Công Đông. Nếu cấm tôm thẻ, sẽ thiệt thòi lớn cho người nông dân và làm thiếu hụt một lượng lớn tôm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.