| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang thành công phòng chống cúm gia cầm

Thứ Năm 21/01/2010 , 10:46 (GMT+7)

Để đạt và duy trì được thành tích, Chi cục Thú y tỉnh đã áp dụng hiệu quả các biện pháp: giám sát tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động công tác tiêm phòng...

Mấy năm qua, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của trong sản xuất; đồng thời, tạo uy tín cho sản phẩm động vật của tỉnh trên thị trường, Tiền Giang đã phấn đấu thực hiện từng bước mục tiêu “Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh”. Tính đến nay, tỉnh có tổng đàn gia cầm gần 6 triệu con, tăng 260 ngàn con (gần 4,5%).

Để đạt và duy trì được thành tích trên, Chi cục Thú y tỉnh đã áp dụng hiệu quả các biện pháp: giám sát tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động công tác tiêm phòng, giám sát sự lưu hành mầm bệnh và đánh giá tỉ lệ bảo hộ sau tiêm phòng, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng, quản lí chăn nuôi và cơ sở ấp trứng, thường xuyên kiểm dịch động vật (KDĐV), kiểm soát giết mổ (KSGM), kiểm tra vệ sinh thú y (KTVSTY)…

Năm 2009, tình hình bệnh trên động vật ở tỉnh Tiền Giang không nhiều, không có dịch cúm A. Tuy nhiên, đây vẫn là tỉnh cửa ngõ, có sự giao lưu động vật, sản phẩm giữa các tỉnh miền Tây và TP.HCM; đồng thời là tỉnh có mật độ chăn nuôi cao, nên nguy cơ dịch bệnh không nhỏ. Vì vậy, việc kiểm soát vận chuyển, quản lí chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng cho gia cầm có tính chất quan trọng trong việc giám sát tình hình dịch bệnh. Về công tác tuyên truyền, trong năm 2009, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thú y biên soạn, cấp phát 6.000 tờ rơi cho dân để hướng dẫn phòng bệnh cúm trên gia cầm. Chuyển giao cho ban chỉ đạo huyện hơn 23.000 tờ rơi, 6.500 tờ áp phích về các biện pháp phòng chống bệnh động vật; đặc biệt là 500 tờ lịch tuyên truyền đường dây nóng báo dịch miễn phí.

Ông Lê Minh Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết: Chúng tôi cho rằng, đây là công tác hết sức quan trọng. Phải kiên trì và bằng nhiều hình thức tuyên truyền, sao cho dân hiểu, biết và thấy được tầm quan trọng của dịch bệnh. Chỉ khi người dân nắm và ý thức đầy đủ vấn đề, họ mới cùng tham gia thực hiện, công tác phòng chống dịch mới đạt được hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn các biện pháp an toàn sinh học cho nhiều đối tượng, như: người chăn nuôi, chủ cơ sở ấp trứng, thú y cơ sở, chủ kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm…

Trong năm 2009, Chi cục Thú y Tiền Giang đã tiêm phòng gần 8,6 triệu con gia cầm; trong đó, gà gần 5 triệu con, vịt khoảng 3,6 triệu con, đạt tỉ lệ tiêm phòng của đàn gia cầm ở hộ gia đình là 43,3%; tỉ lệ tiêm phòng của đàn gia cầm ở hộ nuôi quy mô là trên 85,20%; trong đó, tỉ lệ tiêm phòng gà đạt 88,11% và vịt đạt 82,39%. Để giám sát sự lưu hành mầm bệnh và đánh giá tỉ lệ bảo hộ sau tiêm phòng, trong năm qua, tỉnh Tiền Giang đã xét nghiệm trên 24.500 mẫu huyết thanh gia cầm, để phát hiện sự lưu hành hoặc xác định hàm lượng kháng thể vi rút cúm A, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là có cơ sở để kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Ông Lê Minh Khánh, cho biết thêm: “Nhờ làm tốt công tác này, Chi cục Thú y có cơ sở xác định khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo và tập trung biện pháp tích cực khống chế, không để lây lan; đồng thời, tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh kịp thời triển khai công tác tiêu độc, sát trùng ở những nơi có nguy cơ cao”.

Tỉnh cũng đã triển khai 3 đợt tổng tiêu độc khử trùng, mỗi đợt từ 20 đến 30 ngày vào các khoảng thời gian trong năm. Trong 3 đợt, Tiền Giang đã tiêu độc cho trên 343 ngàn hộ chăn nuôi với gần 6 ngàn lít Benkocid và 400 kg VirkonS. Chi cục Thú y tỉnh còn thẩm định điều kiện vệ sinh thú y và tham mưu cho UBND huyện, thị, thành cấp giấy phép hoạt động cho 121 cơ sở ấp trứng gia cầm. Trong đó có 24 cơ sở ấp trứng lộn và 97 cơ sở ấp trứng nở con. Phần lớn trứng ấp được lấy từ các đàn gia cầm, được kiểm tra huyết thanh định kì, đạt tỉ lệ bảo hộ đối với bệnh cúm và có giấy xác nhận nguồn gốc trứng.

Cùng với việc nuôi nhốt gia cầm, đàn vịt chạy đồng cũng được tăng cường kiểm soát. Vịt chạy đồng vào địa bàn Tiền Giang phải có sổ đăng kí chăn nuôi và giấy chứng nhận kiểm dịch của thú y sở tại. Thiếu hồ sơ, chủ chăn nuôi phải chịu xét nghiệm huyết thanh đàn vịt. Nếu chưa đạt tỉ lệ bảo hộ bệnh cúm, đàn vịt buộc phải được tiêm phòng lại hoặc quay về nơi xuất phát. Tính từ đầu năm 2009 đến nay, có 286 đàn vịt chạy đồng được xét nghiệm. Tỉ lệ bảo hộ bệnh cúm đạt 71%.

Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây có bước phát triển mạnh và vững chắc. Có sự chủ động phòng chống dịch bệnh là nhờ sự tích cực của đội ngũ cán bộ Thú y Chi cục và cơ sở. Với thành tích xuất sắc phòng chống dịch bệnh trong những năm qua, ngày 15/9/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Chi cục Thú y tỉnh.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất