| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 07/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 07/05/2015

Tiến một bước dài

Vấn đề chống ép cung, bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, một lần nữa, lại “nóng” trên các diễn đàn.

Phải nói thẳng rằng đây là một vấn đề cực kỳ nan giải, trở thành sự thách đố đối với xã hội, đã kéo dài hàng chục năm, gây nên những vụ án oan chấn động xã hội như vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, vụ Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, vụ “7 ông Chấn” ở Sóc Trăng…

Rồi con số 226 người chết trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ trong 3 năm qua, mà phần lớn là do…tự tử, cũng để lại một nghi vấn lớn trong dư luận.

Thế nhưng hễ cứ có một đề xuất về chống ép cung, bức cung, nhục hình, thì ngay lập tức lại có những ý kiến ngăn cản, ví như đề xuất đưa vào luật việc nghi can khi bị tạm giữ, tạm giam có quyền im lặng để chờ luật sư, thì có ngay ý kiến phản đối rằng làm như vậy là cản trở quá trình điều tra, phá án.

Rồi đề xuất đưa vào luật: Những buổi hỏi cung bắt buộc phải ghi âm, ghi hình, cũng vấp ngay phải ý kiến phản đối rằng làm như vậy gây tốn kém, không thể trang bị phương tiện cho các trại tạm giam, nhà tạm giữ…

Nghĩa là đang có rất nhiều người trong các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng: Nhà tạm giữ, trại tạm giam do công an quản lý.

Phòng điều tra nằm ngay trong trại tạm giam. Những buổi hỏi cung vẫn chỉ có điều tra viên và bị can, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Điều tra viên tha hồ tự tung tự tác. Và đó chính là nguyên nhân số 1 dẫn đến ép cung, bức cung, nhục hình. Mọi lời hô hào về chống lại hiện tượng đó chỉ là đầu môi chót lưỡi.

Nhưng đã đến lúc không thể dừng được nữa: VKSND Tối cao vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội bản báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ và các Bộ, Ngành về dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi.

Trong đó, về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không bắt buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, VKSND Tối cao cho rằng dự thảo đã tiếp thu các ý kiến và thể hiện rõ hơn theo điều 14 Công ước Liên Hiệp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.

Cụ thể như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Đặc biệt là trong báo cáo này, VKSND Tối cao đã bác bỏ thẳng thừng đề nghị của Bộ Công an về việc không đưa quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung vào luật.

Báo cáo của VKSND Tối cao cho biết: Quy định về việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, ngoài ý nghĩa tăng cường sự minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động hỏi cung, chống ép cung, bức cung, nhục hình, còn là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.

“Đây cũng là yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, của nhân dân thời gian qua. Vì vậy, VKSND Tối cao đề nghị đưa quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung vào luật”, báo cáo trên của VKSND Tối cao khẳng định.

Việc làm trên của VKSND Tối cao là một việc làm đầy ý nghĩa. Và nếu nó trở thành hiện thực, thì việc chống ép cung, bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra các vụ án hình sự sẽ tiến được một bước dài.