| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ, thạc sĩ Trung Quốc bỏ thành phố về nông thôn làm nông nghiệp

Thứ Sáu 14/12/2018 , 10:05 (GMT+7)

Hàng nghìn xác lợn chết vì bệnh, bị nông dân vứt từ trên thượng nguồn, trôi nổi trên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải hồi đầu năm 2013. Cảnh tượng này đã thôi thúc Zheng Lixing phải làm điều gì đó.

“Nếu có mặt tại đó, bạn sẽ không ăn nổi thứ gì trong vài ngày”, Zheng, đến từ tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, nói. Zheng có bằng tiến sĩ về khoa học polymer tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thiên Tân. Cảnh tượng trên sông Hoàng Phố khiến Zheng lo lắng về tình trạng ngành nông nghiệp tại Trung Quốc.

14-07-37_2
Zheng Lixing trên cánh đồng của anh tại Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Ba năm sau, với 2 triệu nhân dân tệ tiền túi và từ các nhà đầu tư, Zheng cùng 4 sinh viên đã tốt nghiệp đại học trở về quê nhà và mua 13 hecta đất nông nghiệp ở huyện Lễ Tuyền. Họ muốn cho người dân địa phương thấy những lợi ích của việc chuyển sang phương pháp hữu cơ.

Đất kém màu mỡ và sẽ cần thêm vài năm nữa để cải tạo xong, Zheng nói. Ô nhiễm đất, do sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cũng như rác thải và chất thải công nghiệp gây ra, là mối đe dọa lớn tới an ninh lương thực Trung Quốc.

Nông trại của Zheng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, như phân gà, phân lợn, và không dùng hóa chất trừ sâu. Hệ quả, năng suất thấp, khiến những nông dân khác không muốn đi theo mô hình của họ.

“Chúng tôi sẽ không từ bỏ cho đến cuối năm nay”, Zheng chia sẻ. Các hộ láng giềng có thể thay đổi quyết định khi họ thấy những sản phẩm chất lượng tốt hơn có thể được bán với giá cao thế nào.

Zheng nằm trong số những người tốt nghiệp đại học tại các thành phố lớn ở Trung Quốc chọn từ bỏ cuộc sống thành thị và quay trở về quê nhà. Xu hướng này đang ngày càng tăng.

Hiện đại hóa nông nghiệp là một trong những chương trình của chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi triển khai thêm nỗ lực trong việc khuyến khích người đã tốt nghiệp đại học và du học trở về làm việc tại các vùng nông thôn nhằm đổi mới và thúc đẩy sáng tạo ở những khu vực này. “Đảo ngược đô thị hóa” đang gia tăng bởi hạ tầng tại những khu vực hẻo lánh được cải thiện.

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo có 7 triệu người đã rời các thành phố về vùng ngoại ô nhưng không nêu khung thời gian cụ thể. Trong số này, 60% có mục đích làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ma Yanwei, sở hữu trang trại rộng 11 hecta tại tỉnh Alashan, Nội Mông, nói Trung Quốc đang hỗ trợ nông dân địa phương các phương pháp bảo tồn nước tại khu vực khô cằn này.

“Dù Alashan đang có nguy cơ sa mạc hóa, không khí và đất vẫn rất tốt. Nông dân địa phương dùng nước ngầm để canh tác nhưng họ lại trồng ngô, loại cây cần nhiều nước”, Ma nói. Ma tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh với bằng tiến sĩ ngành sinh thái học.

“Họ đào mương quanh một khoảnh đất, tưới nước cho khoảnh đất này trước khi chuyển sang khoảnh tiếp theo, lãng phí nước vì bốc hơi”.

Chính quyền địa phương cung cấp hệ thống ống dẫn và Ma hướng dẫn nông dân bản địa cách sử dụng. Với các lỗ đặt cách nhau 20 cm, chúng được bố trí dọc theo khu trồng cây và nhỏ nước xuống qua các lỗ. Phương thức này sử dụng một nửa lượng nước so với cách cũ.

Ma là người gốc Cáp Nhĩ Tân, đông bắc Trung Quốc. Công việc trước đó tại một tổ chức môi trường ở Bắc Kinh đã đưa ông đến Alashan năm 2004.

14-07-37_1
Ma Yanwei trên cánh đồng của anh tại Alashan, Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Yixi Kanzhuo, đến từ Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, tốt nghiệp Đại học Kinh doanh Quốc tế và Kinh tế, Bắc Kinh. Bà làm việc cho Quỹ See, tổ chức phi chính phủ lớn nhất của Trung Quốc về bảo vệ môi trường, trước khi chuyển về Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc, năm 2015.

Năm 2017, bà cưới một người đàn ông bản địa có khoảng 1.300 hecta đất ở độ cao 4.500 m so với mực nước biển. Giống như nhiều người Tây Tạng trong khu vực, chồng bà cũng bỏ đất sau khi chính phủ Trung Quốc triển khai một chính sách vào năm 2005 nhằm chuyển người du mục vào các thị trấn.

Vợ chồng bà đang xây nhà trên trang trại của gia đình, nằm cách thị trấn gần nhất 300 km. Họ muốn hồi sinh khu vực đất hoang cao nguyên và giúp những người đã rơi vào đói nghèo từ khi tái định cư.

Theo bà, những người đó ban đầu đủ sinh sống nhờ chăn nuôi gia súc và làm quần áo từ len. Sau khi tái định cư, họ sống trong những ngôi nhà chính phủ xây thiếu các dịch vụ cơ bản như cơ sở y tế, chăm sóc người già, hệ thống xử lý rác và nguồn nước.

Họ được nhận trợ cấp hàng năm nhưng một số gia đình nói số tiền đó không nhiều như cam kết. Người Tây Tạng, với tỷ lệ sinh cao, và các gia đình, thường có 7 hoặc 8 người, nhanh chóng nghèo đi.

“Trước năm 1985, mỗi người du mục ở Ngọc Thụ có hơn 100 con bò Tây Tạng (yak). Họ không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc bởi nếu thiếu, họ chỉ cần bán một con”.

Vợ chồng Yixi đã hợp tác cùng 7 gia đình khác với đàn gia súc tổng cộng 300 con. Hầu hết các sản phẩm từ trang trại như thịt yak sẽ được bán tại địa phương. Ngoài ra, họ còn bán Armillaria luteo-virens, một loại nấm ăn được mọc nhiều trong mùa mưa trên cao nguyên, và bơ sữa yak.

Họ còn muốn xây các khu nhà cho du khách. Du khách có thể cưỡi ngựa, thiền, tập yoga, tận hưởng cuộc sống yên bình tại trang trại.

Ở Thiểm Tây, Zheng muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, như nông dân Nhật Bản và phương Tây.

“Chúng tôi chưa thể bán nho trồng được dù chúng chỉ có giá vài nhân dân tệ/chùm. Nho Nhật Bản có giá tới hàng trăm nhân dân tệ/chùm”, Zheng chia sẻ.

“Đã có câu chuyện thành công tại một thị trấn ở Thiểm Tây, nơi đã chi 20 triệu nhân dân tệ để xây một vườn nho. Nho đó được bán ở Hong Kong với giá hơn 200 nhân dân tệ/kg”.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.