| Hotline: 0983.970.780

Tiếng đêm

Thứ Sáu 09/02/2018 , 10:20 (GMT+7)

Anh nằm thiếp đi trên chiếc đi văng kê cạnh giường nàng. Đã ba đêm nay anh mới thiếp đi như thế. Sức khoẻ con người cũng có hạn. Không thể lúc nào cũng gồng lên, dù vận hết ý chí.

Đêm qua, đêm kia, có lúc anh tưởng Miên đã đi.

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Căn bệnh ung thư quái ác chỉ mới lộ diện ba tháng nay. Trước đó, Miên là một thiếu phụ xinh đẹp, quyến rũ, một cô giáo dạy văn giỏi vừa được bầu làm tổ trưởng bộ môn. Hầu hết những bạn gái cùng trang lứa đều ngầm ghen với Miên. Một người đàn bà đang ở đỉnh điểm của sắc đẹp và danh vọng, có một gia đình hạnh phúc: chồng là giảng viên cao cấp một trường đại học, con trai đang học lớp 11 phổ thông đã có học bổng đi du học ở Mỹ.

Và còn bất ngờ này nữa: Đúng giao thừa năm ngoái, khi vợ chồng anh đến chúc tết nhà ngoại, thì được bố mẹ vợ mừng tuổi cho chiếc chìa khoá một căn hộ trong khu chung cư cao cấp Royal City. Chiếc “chìa khoá vàng” được chính bà mẹ vợ trao cho con rể, với lời nhắn gửi đầy yêu thương nhưng cũng ngầm cảnh báo: “Chúng tôi trao chìa khoá này cho thằng cháu ngoại tôi. Nhưng anh chị phải cùng nhau giữ đến đầu bạc răng long đấy nhé”.

Sửa sang căn hộ xong, định chuyển về nhà mới, thì Miên trọng bệnh. Bác sỹ viện K nói, bệnh Miên không chữa được, dù có hàng núi tiền, dù đưa ra nước ngoài. Nàng bị ung thư máu thể plus. Căn bệnh quái ác mà nền y học tiên tiến nhất thế giới vào thời điểm này cũng đành bó tay. Bệnh viện khuyên đưa Miên về nhà, một tuần nay. Nhưng bố mẹ Miên và anh chưa chịu đầu hàng. Còn nước còn tát. Anh đang thu xếp đầu tháng tới sẽ đưa nàng sang Singapore.

- Anh ơi, em thèm ăn bánh khúc.

Tiếng Miên yếu ớt, xa xôi như ở đâu đó. Vậy mà anh giật mình bừng tỉnh. Lắng tai, anh nhận ra có tiếng rao ngoài phố, tiếng của một chiếc loa pin văng vẳng trong đêm khuya khoắt:

- Bánh khúc đây… Tôi là bánh khúc đây…

Anh nhìn đồng hồ: Hai giờ mười lăm. Sao bỗng dưng Miên lại thèm ăn bánh khúc vào giờ này? Đã ba hôm nay, nàng không muốn ăn gì. Vất vả lắm mới chịu nuốt một thìa sữa và một thìa nước sừng tê giác mài bằng chiếc máy li tâm. Mà cái ông bánh khúc cũng lạ. Dường như ông ta đạp xe suốt đêm, hay là ông ta phải bán cho đến chiếc bánh khúc cuối cùng? Ái ngại cho những thân phận người. Đổi cả một đêm dài trong mưa gió lạnh chỉ mong kiếm được mấy ngàn đồng.

Anh vén lại chăn cho Miên và cúi sát bên nàng:

- Em muốn ăn bánh khúc thật à?

Miên mở to mắt nhìn anh và khẽ gật đầu. Cái nhìn của nàng cho anh biết rằng hình như nàng đang trở lại tuổi thơ.

Đã bao lần Miên kể với anh về những năm tháng nàng về quê sống với bà nội. Đó là những năm cha biền biệt ở chiến trường Tây Nam, còn mẹ đang học hàm thụ ở trường Đại học Sư phạm để hy vọng chuyển vùng về Hà Nội. Chớm đông, sau vụ gặt, là mùa rau khúc. Rau khúc, giống như một loại cải cúc bé xíu mọc đầy đồng, có khi tạo thành những thảm màu xanh bạc như được phủ nhẹ một lớp sương khói. Bà nội thường dẫn Miên ra những chân ruộng chờ gieo mạ, tìm những đám rau khúc nếp lá to và dày hơn đám rau khúc tẻ. Hương rau khúc thật khó tả. Nó được ướp đẫm sương đêm và có mùi thơm ngọt thật quyến rũ. Chỉ chừng nửa giờ đồng hồ, hai bà cháu đã có một rổ rau khúc tươi non.

- Bố mày ngày trước thích nhất món bánh khúc - Bà nội nói - Lần nào bà làm bánh khúc, bố mày cũng tranh phần các anh chị, ăn đến no bụng, không thiết cỗ bàn gì.

- Con cũng giống bố, con ăn no bánh khúc được - Nàng nói và hau háu nhìn vào chõ bánh khúc đang toả mùi thơm ngậy.

- Cha bố cô. Chỉ cái tinh vi. Rau khúc bà giã nhỏ, bao nhân đậu xanh với thịt ba chỉ, hành tươi, lại đồ trong xôi gạo nếp cái hoa vàng. Đặc sản đấy cô ạ. Ngày xưa chỉ nhà quan mới được ăn bánh khúc này, chứ dân đen làm gì có mà ăn.

- Sao lại thế hả bà? Tưởng rau khúc đầy đồng. Ai muốn ăn, cứ việc…

- Cái loài rau khúc này lạ lắm con ạ - Bà vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa giảng giải cho Miên - Nói là loại rau của người giàu cũng đúng, mà bảo là rau của người nghèo cũng không sai…

- Bà nói con chẳng hiểu gì cả.

- Cái thằng bố mày. Chỉ hay cãi. Món ăn của nhà giàu là như bánh khúc bà đang làm đây. Một năm may ra nhà ta cũng chỉ được ăn một lần vào đầu mùa, chứ làm gì có tiền mà ăn mãi được. Có rau khúc rồi còn phải có thịt lợn, đậu xanh, hành, tiêu, và nhất thiết phải có gạo nếp cái hoa vàng. Vào mùa chim mòng két, tức là mùa lúa tháng mười, có thêm con mòng, con két đồ hấp lên chõ xôi, đi xa hàng cây số đã chảy nước chân răng… Nhưng những thứ ấy không phải nhà nào, mùa nào cũng có. Đa phần người nghèo hái rau khúc độn vào cơm, như độn ngô, độn khoai. Những nhà phòng xa, mùa rau khúc còn đi hái về phơi khô để dành, tháng ba giáp hạt, ghế lẫn với cơm cho đỡ đói…

- Thế thì con biết rồi - Miên bảo bà nội - Sau này con sẽ kiếm thật nhiều tiền dành mua thịt, đỗ xanh, gạo nếp để bà làm bánh khúc cho con ăn trừ bữa.

Ao ước của Miên vậy mà cũng chẳng thành. Khi đứa cháu kiếm được tiền, thì bà nội cũng khuất núi. Mùa rau khúc, mỗi lần về quê tảo mộ, sau khi thắp hương mộ bà nội, Miên thường đi tha thẩn hàng giờ khắp những dược mạ để hồi nhớ về một quá vãng đầy thương mến êm đềm.

Hẳn bây giờ, vào lúc giữa đêm giá lạnh, Miên bỗng chợt nhớ đến bà nội. Bánh khúc chỉ là cái duyên cớ.

Và anh vội vàng khoác áo ấm, ào xuống cầu thang.

Trời lất phất mưa. Cái lạnh như hàng ngàn mũi kim chích vào da thịt. Người bán hàng rong nghe tiếng anh gọi liền quay xe lại. Dưới ánh đèn đường, không nhìn rõ gương mặt giấu dưới chiếc mũ áo mưa, lại được chiếc mũ cối xụp xuống mắt, nhưng qua giọng nói, anh biết người bán bánh khúc còn rất trẻ.

- Em bán bánh khúc suốt đêm à? - Anh hỏi một cách ái ngại, khi chàng trai mở chiếc vỉ buồm, thúng xôi bánh khúc bốc khói, toả thơm ngào ngạt.

- Dạ, mọi đêm giờ này em đã về… Nhưng hôm nay mưa rét…

Anh nghe thấy tiếng răng đánh lập cập trong câu nói của chàng trai.

- Tôi mua giúp cậu. Còn bao nhiêu gói hết vào đi - Anh đỡ lấy túi xôi và dúi tiền vào tay chàng trai - Không cần phải trả lại. Đêm nay tôi và cậu đã đem đến niềm vui cho một người. Thế là chúng ta cùng hạnh phúc…

***

Anh đỡ Miên, rồi kê cả chiếc chăn bông phía sau cho nàng ngồi tựa. Lâu lắm rồi anh mới lại nhìn thấy gương mặt nàng ngời sáng. Dường như món bánh khúc đã gọi nàng trở lại tuổi thơ.

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Hai mắt Miên khép nhẹ. Cánh mũi nàng phập phồng. Nàng đang vận dụng hết khứu giác để tận hưởng hương vị đặc sản quê hương.

Anh lấy ra đĩa một chiếc bánh khúc được bao quanh xôi lạc, lấy đũa gắp cho nàng miếng nhân đậu xanh có thịt.

- Ngon lắm. Nào, để anh bón…

Cánh mũi nàng lại phập phồng. Rồi nàng lấy tay đẩy nhẹ đĩa bánh ra.

- Không phải bánh khúc của bà nội… Em không muốn ăn…

Cái lắc đầu của Miên khiến anh nghi ngờ. Anh nhìn kỹ đĩa bánh. Anh ngửi thật sâu. Cũng có mùi bánh khúc. Nhưng phải ngửi kỹ mới nhận ra.

- Bánh khúc đấy em ạ - Anh dỗ dành vợ - Không thể ngon bằng bánh bà nội làm, nhưng là bánh khúc đặc sản bà Cả Tầm đấy. Cậu bán rong nói thế. Mỗi ngày lò bánh bà Cả Tầm xuất vài tạ, nức tiếng khắp Hà Nội.

- Bà nội ngày xưa không làm bánh khúc xôi lạc. Chỉ đồ bằng nếp cái hoa vàng - Nàng thều thào.

- Bây giờ ít rau khúc, người ta phải độn thêm lạc. Nào, đừng phụ công anh đội gió đội mưa mua bánh khúc về cho em. Cố ăn một miếng đi em… - Vừa bón cho nàng miếng bánh khúc đầu tiên, anh vừa kể một câu chuyện cho nàng vui lên - Mà buồn cười lắm nhé. Ban đầu, khi nghe tiếng rao anh cứ tưởng người bán rong muốn gây ấn tượng với khách hàng, cố tình rao: “Tôi là bánh khúc đây”. Khi đến gần, nghe rõ tiếng loa pin, lại thấy thúng xôi lạc trộn bánh khúc, anh mới vỡ lẽ.

Miên nhìn anh lạ lẫm, như lâu lắm nàng mới gặp anh, rồi bỗng bật cười:

- Người ta rao: “Xôi lạc, bánh khúc đây” mà anh lại nghe gà hoá cuốc. Buồn cười anh thật đấy.

- Thì lâu nay anh vẫn nghe nhầm. Cứ tưởng người ta mới phát minh ra lối bán rao ấn tượng. Nhưng mà cô giáo ơi. Trông gà hoá cuốc, chứ không phải nghe gà hoá cuốc đâu nhé.

- Người ta thì trông. Còn anh thì nghe. Em bắt trúng mạch anh đấy…

Đang cười, nàng bỗng dừng đột ngột. Có vật gì đó vướng trong cổ họng nàng.

- Chết rồi. Để anh xem. Em bị hóc xương à?

May mà nàng chưa kịp nuốt miếng bánh đầu tiên. Anh phát hiện ra ngay miếng nhân thịt có một mảnh xương dài, tròn như một mẩu tăm. Không còn nghi ngờ gì nữa, bánh khúc đã làm bằng nhân thịt chuột.

***

Sẽ không bao giờ Miên biết món bánh quê hương mà nàng thèm muốn, món ăn dân giã cuối cùng của đời nàng, lại là món bánh khúc nhân thịt chuột.

Không ai biết, ngoài anh.

Quãng thời gian từ khi ấy trở về sáng, đợi Miên thiếp đi rồi, anh ngồi như hoá đá bên cửa kính, nhìn đăm đắm xuống con phố dưới kia, nước mắt nhạt nhoà. Có thiếu gì một miếng thịt lợn, mà sao người ta nỡ lừa dối cả Miên. Người ta có thể lừa dối anh. Và hàng trăm ngàn người nữa. Nhưng với Miên, một cô giáo suốt đời chỉ biết dạy học trò lòng trung thực, đức tin, tình yêu thương…, một thiếu phụ đang gần đất xa trời, đang níu từng ngày vào cõi nhân gian…, thì đó là tội ác. Còn hơn cả tội ác.

Anh sẽ không nói điều này với ai, nhưng nhất định phải nói với kẻ đêm đêm đang đi gieo rắc sự dối lừa kia.

Đêm hôm sau, anh thức đợi.

Nhưng anh không phải chờ đến hai giờ.

Kia rồi. Chừng mười một giờ ba mươi, tiếng loa pin đã vọng lên từ đầu phố: “Xôi lạc bánh khúc đây”. Thấy chiếc xe đạp từ cua ngoặt góc phố nhô ra, anh đã chạy ra đón đường.

Nhưng người bán bánh khúc đêm nay không phải là cậu thanh niên mà là một ông già.

- Bánh khúc nhân thịt chuột à? - Sau khi nghe anh nói, ông già trợn tròn mắt không tin. - Chú xem lại đi. Chú có nhầm không đấy? Tôi bán bánh khúc rong cho bà Cả Tầm hơn hai chục năm trời, có khách nào kêu ca gì đâu? Đời nào một nhà hàng như thế lại lấy thịt chuột làm nhân bánh.

- Tiếc là tôi không giữ lại túi bánh. Đêm qua tôi bỏ vào thùng rác rồi - Anh ức đến nghẹn lời. - Vợ tôi bị ung thư. Cô ấy muốn ăn miếng bánh khúc cuối cùng…

Ông già đờ đẫn như chính mình có lỗi. Rồi ông chợt à lên:

- Thôi chết rồi. Tôi nghĩ ra rồi. Đêm qua thằng Nguyện lấy thêm bánh nhà vợ chồng Sa Béo. Chỉ có nhà ấy thôi. Bánh nhà Sa Béo chỉ rẻ bằng nửa bánh bà Cả Tầm. Vợ chồng nhà ấy chỉ làm bánh mà xây được nhà lầu, lại xin cho hai đứa con vào cơ quan nhà nước, toàn ngân hàng với hải quan, hốt ra bạc. Tôi biết thằng Nguyện đang rất cần tiền. Mẹ nó bị ung thư đang nằm viện chú ạ. Đang năm thứ hai đại học, đành bỏ, phải đi rao bánh khúc đêm để lấy tiền cứu mẹ. Nó về quê sáng nay rồi…

73-minh-ho-1094942569
Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng

Hai tay anh buông thõng. Rã rời. Trời ạ, để cứu một người bệnh ung thư người ta nỡ đi lừa dối một người bệnh ung thư khác sao? Ý nghĩ chua chát như sát muối vào lòng bỗng tan đi khi anh chợt thấy gương mặt thiểu não của ông già.

- Xin lỗi bác. Thế mà tôi cứ trách bà Cả Tầm…

Ông già đứng tần ngần, rồi dè dặt đưa cho anh chiếc bánh ông vừa lấy ra.

- Thế này nhé. Tôi thay mặt mẹ con thằng Nguyện xin lỗi chú. Và đây là tấm lòng của tôi. Chú cầm chiếc bánh này về ăn thử. Bánh khúc bà Cả Tầm chính hiệu đấy. Lá khúc thứ thiệt với nhân thịt ba chỉ, đậu xanh bao trong nếp cái hoa vàng. Chú cứ mang về cho cô. Mai thấy ngon thì mua tiếp. Hôm nay tôi không dám lấy tiền của chú đâu.

Kẻ chối người đưa mãi, cuối cùng anh cũng phải nhận cho ông già vui lòng. Anh muốn nhảy chân sáo về với Miên. Ước gì chiếc bánh khúc này có phép thần làm cho Miên thấy lại tuổi ấu thơ.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm