| Hotline: 0983.970.780

Tiếng khèn Mông

Thứ Tư 29/12/2010 , 08:48 (GMT+7)

Bản vùng cao Trà Lĩnh, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) vẫn còn sót lại một ông già mà tình yêu với khèn Mông của ông chưa bao giờ nguội tắt.

Ngày nay, công nghệ số phát triển bùng nổ đã và đang đẩy lùi những điệu khèn Mông dần vào trong lãng quên. Trong khi nhiều chàng trai Mông đã chuyển sang tỏ tình bằng nhạc chuông điện thoại di động thì ở bản vùng cao Trà Lĩnh, xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) vẫn còn sót lại ông già mà tình yêu với khèn Mông của ông chưa bao giờ nguội tắt. 

Trong ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh giữa khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, ông Sùng A Màng, 81 tuổi, tiếp chúng tôi bằng một bản nhạc khèn Mông miên man lòng người. “Tôi học thổi khèn từ năm 13 tuổi, cái tuổi mà chàng trai Mông nào cũng biết thổi khèn tán gái. Thổi không thì đơn giản nhưng vừa nhảy kết hợp thổi được mới khó”.

Dứt lời, ông Màng thể hiện một bản nhạc Mông kết hợp những điệu nhảy phức tạp cho chúng tôi thưởng thức bên bếp lửa cháy đỏ rực. Bản nhạc thứ hai tặng khách đã dứt, ông Màng đổ nước vào khèn và giải thích: Khèn có độ ẩm thì âm thanh trong hơn, người Mông thường múa khèn trên bãi cỏ hay bãi đất bằng phẳng với những vũ điệu rất khó, những bước nhún, bước đo, bước quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất thể hiện được sự uyển chuyển, tinh tế của người biểu diễn. 

Hiện nay, ở các xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình còn rất ít người biết thổi khèn Mông. Riêng người vừa thổi vừa nhảy được như ông Màng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo ông Màng, những động tác vừa thổi, vừa nhảy cực khó. Động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa… Ngồi bên bếp lửa hồng ấm áp khiến chúng tôi quên đi cái lạnh của thời tiết vùng cao. Còn ông Màng cứ nói chuyện với chúng tôi được mấy câu lại cầm chiếc khèn lên thổi. Tiếng khèn ngân lên đi kèm theo các vũ điệu đã thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của người con trai Mông.

Lạ thật, tại sao người ta không đứng yên một chỗ để thổi cho đỡ mệt mà phải vừa thổi vừa nhảy múa như vậy? Như hiểu được ý tôi, ông Màng cười giải thích: “Tiếng khèn lúc trầm lúc bổng, từng động tác từ dễ đến khó, đó là thông điệp của người biểu diễn gửi gắm một điều gì đó không thể diễn tả bằng lời đến với người nghe và người xem. Tiếng khèn cũng là một cách bày tỏ tình cảm của những chàng trai Mông với các cô gái mỗi khi mùa xuân về, tiếng khèn cũng là sợi chỉ tình duyên nối hai người con trai và con gái trọn đời bên nhau”. 

Một mùa xuân mới sắp đến với bà con dân tộc Mông, đây là thời khắc thiêng liêng, may mắn nhất. Đó cũng là lúc tiếng khèn Mông vang vọng khắp núi rừng, những bản nhạc tình ca mang đậm bản sắc dân tộc không ngừng cất lên, thời điểm mà những chàng trai Mông không phải vào rừng đốn củi, làm nương nữa. Họ hò hẹn nhau ra những vùng đất trống, tụ tập từng nhóm đông người cả trai và gái. Lúc này tiếng khèn chính là lời tâm sự, lời nhắn nhủ lòng yêu thương của chàng trai với cô gái mà mình đem lòng yêu thương. 

Thấy chúng tôi tò mò về cách bày tỏ tình cảm qua tiếng khèn của các chàng trai Mông, ông Màng một lần nữa đứng bật dậy ôm lấy chiếc khèn biểu diễn luôn một bản nhạc. Tuy tuổi cao nhưng ông Màng vẫn nhảy như thanh nhiên. Bản nhạc nghe du dương, da diết :

Yêu nàng, anh yêu lắm,

Lòng anh yêu cô nàng

Say đắm lắm cô nàng ơi

Ra về thương nhớ vô cùng

Nhớ mãi ngày này mùa năm sau. 

Từ những chiếc khèn do chính tay mình làm ra, ông Sùng A Màng hằng ngày vẫn mang theo mỗi khi đi làm nương, hiện ông là người duy nhất ở Pà Cò còn lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của bà con dân tộc Mông qua tiếng khèn. Khuôn mặt ông thoáng đượm buồn khi nói về lớp trẻ thời nay: “Bọn trẻ bây giờ không chịu học thổi khèn nữa, chúng toàn nghe những loại nhạc bập bùng ở đâu đó, tôi đã truyền dạy cho bao nhiêu đứa nhưng chẳng mấy ai học được”.
Tiếng khèn của ông Màng có sức lôi cuốn kỳ lạ, ấm áp, khác hẳn so với những tiếng khèn mà tôi đã được nghe từ những chàng trai Mông ở Lào Cai, Yên Bái biểu diễn. Theo ông Sùng A Màng, chủ nhân của những chiếc khèn, để làm được một chiếc khèn có âm thanh vang vọng nhưng ấm áp lòng người không phải ai cũng làm được. 

Chúng tôi muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật làm khèn của người Mông, ông Màng đứng lên chiếc ghế với tay lên gác bếp cầm xuống một bó trúc nhỏ có chiều dài gần một mét cùng một khúc gỗ trông như một cái chày ngắn, ông Màng cho biết đây chính là những vật liệu tạo ra những âm thanh sâu lắng của khèn Mông. Ông Màng cầm khúc gỗ nặng trĩu giải thích: “Đây là gỗ nghiến mình dùng để làm tâu kình (thân chính của khèn), nhiều nơi có gỗ pơ - mu thì làm bằng loại gỗ đó vì nó nhẹ hơn gỗ nghiến, để làm ra được một chiếc khèn thì khâu chuẩn bị nguyên liệu là lâu nhất, vì khi đi rừng lấy về phải sấy khô cho thật nhẹ, sấy khô thì lúc mình làm nó sẽ không bị cong, nứt, như vậy tiếng khèn phát ra sẽ khác”.  

Theo ông Màng thì việc tìm nguyên liệu để làm khèn thật không dễ chút nào vì ở quê ông không có loại trúc để làm khèn nên ông phải lặn lội sang các tỉnh bạn lấy. Phần thân chính của khèn có độ dài bằng độ dài cánh tay của người thổi, thông thường dài hơn 60 cm. Thân chính của khèn phải làm bằng thân của cây gỗ có chất liệu tốt, đặc biệt là phải qua sơ chế. Ngoài phần gỗ khèn còn cần đến một miếng đồng nhỏ, rất mỏng dùng để điều chỉnh âm thanh và 5 ống trúc nhỏ có đục lỗ để điều chỉnh thanh nhạc.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất