| Hotline: 0983.970.780

Tiếng khóc từ một cú điện thoại

Thứ Sáu 05/09/2014 , 08:20 (GMT+7)

Kỳ thư này không phải một bài văn, cũng không phải bài báo. Đó là nội dung một cú điện thoại của một nữ độc giả ở miền ngoài (xin lỗi vì Dạ Hương không thể tiết lộ địa danh).

Cú điện thoại đến nóng cả mobile người nhận khiến người phụ trách chuyên mục không thể giữ cho riêng mình, như mọi khi tư vấn trực tiếp qua điện thoại.

Hơn thế, còn vì tiếng khóc đứt nghẹn của người phụ nữ ấy, khóc suốt, không thể dừng khiến người đang lắng nghe đau quặn cả lòng nhưng bao giờ cũng “nước xa không cứu được lửa gần”.

Nhất thiết phải có kỳ thư này để chúng ta có cùng một cái nhìn rộng lượng trước một hoàn cảnh nói riêng và với nỗi niềm của những người chung quanh mình.

Em ấy có hoàn cảnh bất hạnh không thể tưởng: Mẹ bỏ đi khi em gái của em mới 7 tháng tuổi, bố gà trống nuôi hai con, sau này bố đi lấy vợ và có hai con nữa.

Tưởng như vậy là đã đủ khốn khổ rồi, nhưng mẹ ghẻ của thói đời, em khôn ngoan còn em gái mình ngơ ngơ mãi không thành người bình thường được. Em vào đại học năm thứ nhất, phải bỏ, vì bố mất. Một biến cố như vậy nghĩa là gì? Biết mẹ ở đấy nhưng mẹ không có tình mẫu tử, thế là hai chị em của em mồ côi toàn phần!

Em có một mối tình sâu sắc nhưng gia đình chàng trai ấy chê em có bố mẹ không ra gì. Hơn cả môn đăng hộ đối, đây còn là sự khinh miệt có tuyên ngôn. Biến cố, hay sóng thần, hay động đất mà địa ngục ập đến, em lăn xuống, không chống đỡ nổi. Tan vỡ trong tức tưởi, cay đắng, thậm chí ê chề. Bi kịch chồng thêm bi kịch ở sự kiện này.

Người đời đã đánh trúng nỗi đau mà em chịu đựng suốt từ ấu thơ đến lúc trưởng thành. Người đời chỉ đúng khi đánh giá mẹ em nhưng người đời đã tiện thể ném đá luôn vào bố em, người từng phải nuôi hai con từ nhỏ xíu, nhất là lúc đứa con thứ hai mới có bảy tháng tuổi.

Thật đáng trách người mẹ lạ lùng, một người đàn bà không có tình mẫu tử, và cũng thật đáng khen một người đàn ông không vứt bỏ, hay không đem đi cho những đứa con, ít nhất một đứa con còn ẵm ngửa của mình.

Một tháng sốc, em gặp một người hơn em 10 tuổi, thế là lấy nhau, cả hai đều biết đây không phải cuộc hôn nhân có tình yêu. Thời buổi ngày nay, hôn nhân như vậy không ít cũng không nhiều, không cá biệt, không kỳ cục. Nhưng thời đại đã khác, một phụ nữ nông dân cũng biết lựa chọn như vậy là bất cập.

Em sống chung với mẹ chồng góa bụa, không có mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu.

Một đứa con gái ra đời, em thương tuổi thơ của mình, em thương con xiết bao, em thề trong lòng là sẽ không bao giờ để cho con mình bị coi thường, bị ném đá vì “nhà nghèo bố mẹ đông”.

Nhưng con người tính không bằng trời tính. Chồng em, như rất nhiều đàn ông thời nay, làm ít mà nhậu nhẹt lô đề thì say mê, về nhà còn hay lôi vợ ra đánh. Em giỏi buôn bán xoay sở, em không khờ, em không ăn bám (gã chồng đâu làm ra ăn để có mà vợ bám), em tích lũy được vốn nhưng không dễ tách ra được.

Em sợ con em phải cảnh cha ghẻ và cả dì ghẻ. Em sợ chồng bạo hành đến mức không thể sống sót để kéo nhau ra tòa. Em sợ mẹ chồng góa bụa thương con thương cháu mà chết buồn. Em sợ em gái không bình thường của mình cô độc khi không còn chị để làm chỗ dựa. Em sợ cuộc hôn nhân không tình yêu này. Em sợ giường chiếu lạnh, đã mấy tháng nay…

Dạ Hương đã tư vấn rằng em đã sai khi tự xem thường chính mình, tự ti mặc cảm đến mức nhắm mắt đưa chân vào nơi mới có quen một tháng! Tình yêu thực có thể đến trong một giây, khi bốn mắt chạm nhau.

Nhưng tim em đang chảy máu, em còn chưa ngẩng mặt lên được, sao em dám gật đầu với một người mới cất bước về phía em. Một đôi tay chìa ra, chắc chắn đó là bàn tay đàn ông nhưng không có nghĩa người ấy đang cứu vớt em.

Mà trong tình trường, có cứu vớt là có ban ơn, trịch thượng, khi chán khi buồn thì sẽ kể công, thậm chí chà đạp.

Em hãy tự tin, thâm tâm em biết em có người bố tuyệt vời là đủ, hương hồn bố sẽ phù hộ cho mẹ con em, đức độ của bố sẽ cho em cuộc sống không đến nỗi nào. Rằng em suy nghĩ thời gian đi đã, con nhỏ, vốn tích lũy chồng đã nắm, em muốn “bỏ của chạy lấy người’, em phải tính cách để mình sẽ phải có cái gì trong tay để nuôi con.

Gã ấy sẽ giành con với em để làm khó em ư, đúng rồi, với gã cục súc vũ phu thì con đường đến tòa gian nan lắm, cũng phải nghĩ để thoát ra an toàn, khuất mắt gã.

Em sẽ là người mẹ với tình mẫu tử bao la, rồi toà sẽ biết, người đời sẽ biết và cái gã chồng ấy sẽ xuôi khi gã ta cần một phụ nữ khác. Không sao cả, những người luôn bị cuộc đời nhấn chìm như vậy, sẽ rất giỏi bơi, không sợ sặc nước, thậm chí sẽ cực kỳ hay khi nín thở để ngoi lên.

Độc giả quý mến, nhân đây, xin chúng ta hãy cùng chia sẻ với Dạ Hương một triết lý sống giản đơn, rằng đừng vội chê bai, khắc nghiệt với những người có hoàn cảnh éo le từ bé, chỉ vì họ đâu có chọn được bố mẹ.

Chúng ta chỉ nên nhìn vào thực chất của chính con người đó, để đừng có ra uy hay đành tâm cắt đứt những cuộc tình mà ở đó, vẻ đẹp nhân bản của tình yêu luôn là yếu tố làm nên một tổ ấm, một gia đình nhỏ hạnh phúc, một tế bào mỹ mãn cho xã hội vốn đã nhiều thống khổ này.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.