| Hotline: 0983.970.780

Tiếp bài "Sông Ba quằn quại": Thoái thác trách nhiệm

Thứ Hai 09/05/2011 , 10:41 (GMT+7)

Hầu hết các Cty, Nhà máy đứng chân trên địa bàn và Ban Quản lý Thuỷ lợi 7 đều đùn đẩy và thoái thác trách nhiệm.

Báo NNVN ra các ngày 25 và 26/4/2011 có loạt bài “Sông Ba quằn quại”, phản ánh tình trạng Nhà máy Thuỷ điện An Khê - Ka Năk chặn dòng tích nước gây khô hạn nghiêm trọng ở vùng hạ du sông Ba; thêm vào đó là việc các nhà máy xả nước thải ra sông, làm cho dòng sông bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân sống quanh lưu vực con sông này.

>> Sông Ba quằn quại
>> Sông Ba bị bức tử

Đùn đẩy

Mới đây, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai do ông Hà Sơn Nhin, Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai dẫn đầu, đã đi kiểm tra thực tế tại các huyện Kbang, Kông Chro, thị xã An Khê và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn như: Nhà máy Đường An Khê, Cty TNHH VEYU, Nhà máy Tuyển quặng Kbang và Ban Quản lý Thuỷ điện 7. Chuyến công tác này nhằm tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm trên dòng sông Ba; trả lại (phần nào) nguyên trạng cho dòng sông kỳ vỹ này.

Mặc dù trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Quan trắc Môi trường (Quảng Ngãi), cùng các ngành chức năng đã kiểm tra, đo đạc thực tế tại: Nhà máy Đường An Khê, Cty TNHH VEYU, Nhà máy Tuyển quặng Kbang,… đã có kết luận mẫu nước thải mà các đơn vị này thải ra sông Ba, đều vượt chỉ tiêu cho phép (số liệu cụ thể đã đăng trên NNVN số 82, ra ngày 26/4/2011). Tuy nhiên tại các buổi làm việc trong chuyến công tác, hầu hết các Cty, Nhà máy đứng chân trên địa bàn và Ban Quản lý Thuỷ lợi 7 đều đùn đẩy và thoái thác trách nhiệm, cho rằng sự ô nhiễm của dòng sông là không phải do đơn vị mình gây ra.

Tại đây, ngoài các vấn đề được đặt ra với các Cty, nhà máy đứng chân trên địa bàn thì, nhiều câu hỏi tập trung vào việc Ban Quản lý Thuỷ lợi 7 đã bất chấp sự can thiệp của chính quyền địa phương, khi không thực hiện việc duy trì dòng chảy tối thiểu vùng hạ du; bên cạnh đó, việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (ngày 29/1/2007), với lưu lượng dòng chảy tối thiểu sau đập An Khê là 4m3/s là không thực tế và thiếu khách quan…

"Gây bức xúc trong nhân dân"

Trước việc nguồn nước cạn kiệt và ô nhiêm nặng trên dòng sông Ba, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong vùng, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, bức xúc: “Thuỷ điện là công trình quốc gia, tuy nhiên việc thi công, chặn dòng không hợp lý đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương, gây bức xúc trong nhân dân”.

Còn PGS - TS Nguyễn Danh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, thì: Việc chặn dòng của công trình Thuỷ điện An Khê - KaNăk dù là công trình được Trung ương phê duyệt cũng phải đảm bảo quyền lợi của địa phương, của nhân dân bằng hoặc tốt hơn trước khi công trình được thực thi. Việc điều tiết nước như thế nào của Thuỷ điện 7 phải ưu tiên và đảm bảo cho đời sống của người dân trong vùng. Việc điều tiết nước của Thuỷ điện 7 vừa qua mới chỉ đúng với quy trình của hồ nước trong thiết kế, chứ chưa đúng với quy trình của lưu vực này - đây chính là vấn đề cần được làm rõ và thống nhất.

Ông Danh cho biết thêm: Việc nghiệm thu điều tiết dòng chảy trong một đề tài của Trung ương vừa được nghiệm thu không hề có sự góp mặt của tỉnh, của cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là của các nhà khoa học tại địa phương, do đó dẫn đến hậu quả không tốt, gây bức xúc trong nhân dân…

Trước những lo lắng, thắc mắc của chính quyền và nhân dân thị xã An Khê, trước các vấn đề mà đoàn công tác nêu ra, ông Nguyễn Văn Tặng, Phó trưởng Ban Quản lý Thuỷ điện 7 - đơn vị trực tiếp thi công, vận hành Nhà máy Thuỷ điện An Khê - KaNăk lý giải: “Vấn đề điều tiết nước lưu vực sông Ba hiện chưa có cơ quan nào quản lý, việc vận hành xả nước theo quy định 4m3/s là dựa trên nhu cầu sử dụng, phát triển của lưu vực sông Ba - cả tỉnh Gia Lai và Phú Yên, và các vấn đề khác được Hội đồng Thẩm định Quốc gia phê duyệt. Do vậy, chúng tôi thực hiện đúng theo quy trình này. Riêng vấn đề ô nhiễm môi trường do thuỷ điện gây ra là chưa chính xác, bởi thuỷ điện có tác dụng rửa ô nhiễm chứ không hề làm bẩn thêm".

Khi “giải thích” như trên, có lẽ Thuỷ điện 7 chỉ nghĩ đến “nhu cầu sử dụng, phát triển” của ngành điện, còn lợi ích của người dân trong lưu vực dòng sông, phải chăng là không… quan trọng? Còn nữa, “Thuỷ điện có tác dụng rửa ô nhiễm chứ không làm bẩn thêm”, vậy việc chặn dòng tích nước một cách thiếu khoa học, gây khô hạn ở khu vực hạ du, gây ô nhiễm môi trường do không có nước rửa trôi chất bẩn thiên nhiên cũng như chất thải do các Nhà máy khác thải ra, việc này do ai?

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, sớm giải quyết nước tưới cho khu vực hạ du cũng như cải tạo môi trường trên dòng sông, ông Hà Sơn Nhin chỉ đạo: Đề nghị đơn vị quản lý Thuỷ điện 7 tiếp tục duy trì thường xuyên lưu lượng nước xả 4m3/s trước khi có phương án mới. Vấn đề môi trường, qua khảo sát cho thấy, các nhà máy bước đầu đã có ý thức trong việc xử lý nước thải, tuy nhiên vẫn chưa có sự đồng bộ. Do vậy đề nghị các đơn vị tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại trong việc xử lý nước trước khi thải ra môi trường, nhằm đảm bảo môi trường sinh thái trên địa bàn, trả lại sự trong lành vốn có cho dòng sông…

Hy vọng sông Ba phần nào được hồi sinh sau nhiều thời gian phải thổn thức, quằn quại.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.