| Hotline: 0983.970.780

Tiếp sức ngư dân

Thứ Tư 20/03/2013 , 08:46 (GMT+7)

Ngư dân miền Trung không ngừng mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cá và nâng cấp ngư lưới cụ. Đồng vốn từ Ngân hàng NN-PTNT luôn là nguồn trợ lực lớn cho họ.

Những năm gần đây, hầu hết các nghề đánh bắt thủy sản xa khơi đều ăn nên làm ra. Do đó, ngư dân miền Trung không ngừng mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cá và nâng cấp ngư lưới cụ. Đồng vốn từ Ngân hàng NN-PTNT luôn là nguồn trợ lực lớn cho ngư dân.

Hiện đại hóa nghề biển

Chưa khi nào chuyện làm ăn của ngư dân ở xã miền biển Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) có không khí hồ hởi như hiện nay. Ở đâu chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện phấn khởi về nghề cá. Từ hiệu quả kinh tế của những chuyến biển mang lại, trong 5 năm qua, người dân ở vùng quê biển này không ngừng đầu tư nâng cao công suất tàu cá, mua sắm thêm ngư lưới cụ, ngày càng hiện đại hóa nghề. Ông Đỗ Hồng Phước (1950), ngư dân thôn Phổ An, tâm sự: “Vào năm 2008, toàn xã Nghĩa An chỉ mới có 670 chiếc tàu cá, chiếc tàu hiện đại nhất cũng chỉ có công suất 270CV, hầu hết là tàu nhỏ chỉ có 45CV, chuyên đánh bắt gần bờ. Đến nay, hầu hết ngư dân ở đây đã nâng cấp tàu lên đến 420CV. Để làm được điều này, ngư dân tụi tui nhờ đỡ rất nhiều vào sự hỗ trợ đầu tư của Ngân hàng NN-PTNT”.

Đơn cử như trường hợp của ông Phước, năm 2002, nhờ tiếp cận được với kênh cho vay của Ngân hàng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa, gia đình ông đóng được 2 chiếc tàu công suất nhỏ (45CV) làm nghề giã cào. Sau 1 thời gian hành nghề, ông Phước nhận ra tàu càng nhỏ công suất, hiệu quả kinh tế mang lại càng kém. Bởi lẽ tàu công suất nhỏ chạy rất chậm, trong khi đó đàn cá bơi nhanh nên ít lọt lưới, thu hoạch từ những chuyến biển rất hẻo. Năm 2008, ông Phước vay thêm của Ngân hàng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa để đóng đôi tàu mới có công suất 270CV. Khi đã có trong tay đôi tàu to hơn, chuyện làm ăn của gia đình ông thuận hẳn.

2 năm sau, ông lại vay thêm từ Ngân hàng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa 1,5 tỷ để đóng đôi tàu mới có công suất 420CV/tàu mang số hiệu QNg 92238TS và QNg 92232TS có trị giá đến 5,5 tỷ đồng. Có tàu to, đánh bắt được nhiều cá, thu nhập của cả chủ tàu lẫn thuyền viên tăng cao hơn nhiều so với trước. “Số lượng thuyền viên đang làm trên 2 chiếc tàu của tui là 17 người. Trước đây, khi làm trên đôi tàu công suất 270CV, thu nhập bình quân của mỗi lao động chỉ khoảng 30 triệu đồng/năm. Bây giờ, làm trên đôi tàu 420CV, thu nhập bình quân của mỗi lao động được tăng lên 80 triệu đồng/năm”. Nước lên, thuyền lên, hiện nay ông Phước vay thêm từ Ngân hàng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa 1,5 tỷ để đóng thêm tàu mới.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó GĐ Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Huyện Tư Nghĩa có 2 xã miền biển là Nghĩa An và Nghĩa Phú. Riêng chi nhánh chúng tôi cung ứng đến 80% nhu cầu vốn cho ngư dân đầu tư vào nghề cá. Hiện nay, đang có 1.327 hộ vay đầu tư nghề cá, tổng dư nợ của bà con ngư dân là 380 tỷ đồng, chiếm 35% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Hộ có nhu cầu đóng tàu mới công suất lớn được vay đến 4 tỷ đồng, hộ có nhu cầu mua ngư lưới cụ được vay 10 triệu đồng. Trong 5 năm trở lại đây chi nhánh chúng tôi không có phát sinh nợ xấu trong đối tượng ngư dân”.

Khi đoàn tàu hành nghề giã cào đôi ở xã Nghĩa An đồng loạt tăng công suất, nghề đan lưới cung ứng cho tàu giã cào cũng hưng thịnh theo. Ông Đinh Văn Phục (1966), chủ cơ sở chuyên SX lưới giã cào ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa), cho biết: “Trước đây, gia đình tui có 1 đôi tàu hành nghề giã cào công suất nhỏ (45CV/tàu). Sau khi vay được vốn ở Ngân hàng NN-PTNT huyện, tui nâng cấp tàu lên 410CV/chiếc. Sau khi tàu được nâng công suất, lưới cũ làm không còn phù hợp, tui đi Vũng Tàu học tập rồi về tự làm lại lưới trang bị cho tàu mới của mình. Ngư dân trong vùng thấy lưới mới của tui cho hiệu quả đánh bắt cao, họ đến đặt làm. Tui “chơi” luôn, vay thêm vốn mở cơ sở SX lưới, đến nay đã làm được 12 năm”.


Ông Đinh Văn Phục tại cơ sở SX lưới giã cào

Hiện nay, mỗi năm cơ sở của anh Phục cung ứng đến 70 tấm lưới hành nghề giã cào đôi với 45 lao động làm việc thường xuyên, có mức thu nhập từ 2 triệu-4,5 triệu đồng/tháng/người. Mỗi tấm lưới dài 100m, sâu 15m, có giá trị 45 triệu đồng/tấm. Làm nghề này cần phải có đến 3 lớp vốn, 1 lớp vốn ngư dân nợ, 1 lớp chuyển hàng đi chưa thu hồi vốn và 1 lớp vốn khác mua nguyên liệu đang SX. “Mỗi năm cơ sở của tui phải cần đến từ 2,5 tỷ đến 3 tỷ đồng. Nếu không có Ngân hàng NN-PTNT hỗ trợ chắc tui không kham nổi”, ông Phục nói.

Tàu vỏ thép, ước mơ của ngư dân

Đánh bắt bằng tàu gỗ, công suất nhỏ vừa cho hiệu quả thấp, sức chống chọi trước gió bão lại yếu nên được sở hữu 1 chiếc tàu vỏ thép luôn là ước mơ của ngư dân. Ước mơ này đang trở thành hiện thực của những người làm nghề biển ở Quảng Ngãi.

Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Quảng Ngãi đang thực hiện thí điểm chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép trong khai thác hải sản xa bờ. Theo đề án, Ngân hàng NN-PTNT tỉnh này sẽ thực hiện hỗ trợ vốn cho ngư dân, HTX hoặc doanh nghiệp (chủ đầu tư) đóng mới, đưa vào sử dụng 22 tàu vỏ thép có công suất máy từ 400CV trở lên. Ngư dân sẽ được hỗ trợ 1 phần chi phí đầu tư bao gồm trang thiết bị đồng bộ theo đúng quy phạm và ngư lưới cụ để khai thác hải sản xa bờ. Những chiếc tàu vỏ thép sẽ được thiết kế theo đúng nhu cầu và tập quán khai thác của từng loại nghề đánh bắt của ngư dân như: Lưới kéo đôi, câu mực xà, câu khơi, lưới vây khơi, lưới rê, chụp mực, lặn và dịch vụ hậu cần nghề cá.

“Thời gian tụi tui được vay vốn để đóng tàu vỏ thép là 10 năm. Nếu làm ăn ngon lành như hiện nay, thu nhập trong thời gian này đủ để tụi tui trả vốn vay cho ngân hàng. Trong năm đầu, những đối tượng vay vốn sẽ không phải tính lãi. Đến khi tàu hạ thủy, đi vào hoạt động mớ phải tính lãi cho ngân hàng”, ông Đinh Văn Phục nói.

Ngư dân có nhu cầu đóng tàu vỏ thép sẽ được vay tại Ngân hàng NN-PTNT theo cơ chế vay thương mại bằng các mức: Tàu từ 400CV-600CV được vay tối đa 70% trong tổng vốn đầu tư; tàu từ 600CV-800CV được vay tối đa 75%; tàu từ 800CV trở lên được vay tối đa 80%, với lãi suất ưu đãi chỉ 3%/năm. Tổng vốn đầu tư cho 22 tàu vỏ thép nói trên là 191,603 tỷ đồng, trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi là 139,387 tỷ, vốn của ngư dân là 52,216 tỷ đồng. Trong năm 2013 sẽ thực hiện đóng mới từ 5-7 tàu vỏ thép để đưa vào SX thử nghiệm, số lượng tàu còn lại trong đề án sẽ được thực hiện hoàn tất trong 2 năm 2014 và 2015.

Ngư dân Đinh Văn Phục ở thôn Nghĩa Trường, xã Phổ An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi), cho biết: “Đóng 1 đôi tàu vỏ thép hành nghề giã cào đôi phải có vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Tuy số vốn đầu tư lớn là vậy nhưng tui không ngại, bởi hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao, bên cạnh đó hoạt động đánh bắt sẽ được an toàn hơn so với tàu gỗ. Do vậy, khi nghe có chính sách này tui đăng ký ngay. Sắp tới tui sẽ tự bỏ tiền đi qua các nước tiên tiến trong nghề đóng tàu cá để học cách gắn tời và làm mắt lưới như thế nào để phù hợp với sự hiện đại của đôi tàu mới trong nghề giã cào”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm