| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục đầu tư phát triển cao su vùng Tây Bắc

Thứ Ba 23/07/2013 , 12:39 (GMT+7)

Ngày 22/7, Tập đoàn CN Cao su VN (VRG) và UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức lễ ra mắt Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu và phát động trồng mới cao su năm 2013.

Hôm qua (22/7), Tập đoàn CN Cao su VN (VRG) và UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức lễ ra mắt Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu và phát động trồng mới cao su năm 2013. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng BCĐ Tây Bắc đã tới dự và chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng cho chương trình phát triển cao su Tây Bắc.

“Vào đà” thuận lợi

Với lợi thế thổ nhưỡng, địa hình và khí hậu thuận lợi nhất trong các tỉnh trồng cao su ở Tây Bắc, Lai Châu được đánh giá là có cơ sở và triển vọng mở rộng diện tích cao su lớn nhất nhằm đưa tỉnh này thành thủ phủ của vùng cao su Tây Bắc.

Với lợi thế đó, song song với việc phát triển các diện tích cao su tại hai Cty đã thành lập trên địa bàn tỉnh Lai Châu (gồm Cty CP Cao su Lai Châu I và Cty CP Cao su Lai Châu II), năm 2012, VRG đã tiếp tục xúc tiến điều tra thổ nhưỡng, tiến tới thành lập Cty cao su thứ ba trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Theo đó, ngày 15 tháng 10 năm 2012, Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu đã được VRG ký quyết định thành lập với tổng số vốn điều lệ ban đầu 30 tỉ đồng. Trong đó, cơ cấu góp vốn gồm có 3 cổ đông là Cty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) là cổ đông chính, chiếm 95% vốn điều lệ, Cty CP Cao su Lai Châu I chiếm 3% vốn điều lệ và Cty CP Cao su Lai Châu II chiếm 2% vốn điều lệ. Sau khi thành lập, Cty đã tiến hành phiên họp cổ đông lần thứ nhất vào tháng 10/2012.

Với mục tiêu phát triển KT-XH gắn với việc cải thiện bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường quốc phòng an ninh, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương, thúc đẩy phong trào xây dựng NTM, ngành nghề chính của Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu là trồng, khai thác và chế biến sản phẩm từ cây cao su.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu và VRG trồng cao su phát động trồng mới tại Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu

 Cty ưu tiên trước hết cho lực lượng lao động tại địa phương bằng việc tổ chức huấn luyện tay nghề cho lao động, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lao động kỹ thuật. Căn cứ vào yêu cầu SX, Cty trước mắt cần tuyển khoảng 2.700 lao động trực tiếp và khoảng 70 lao động gián tiếp.

Đến nay, công tác ổn định tổ chức của Cty đã hoàn thành đi vào hoạt động theo mô hình Cty cổ phần. Hiện tại, Cty có 28 cán bộ nhân viên chính thức, 140 lao động thời vụ và đội ngũ lao động gián tiếp phục vụ SX gồm 22 người, đa phần là cán bộ trẻ, nhiều quyết tâm và tâm huyết.

Bước đầu, qua khảo sát hơn 8.000 ha đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu thuộc vùng quy hoạch trồng cao su của Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu, nhận thấy có hơn 6.500 ha có khả năng trồng được cao su thuộc 6 xã của 2 huyện Than Uyên và Tân Uyên (tỉnh Lai Châu).

Từ tháng 8/2012, Cty đã tiến hành trồng 10 ha, đến nay cao su đã phát triển tốt, đúng yêu cầu tiêu chuẩn phát triển của VRG đề ra. Đây được xem là bước “vào đà” khá thuận lợi cho Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu còn non trẻ.

Dự kiến năm 2013, Cty sẽ trồng mới 500 ha cao su (dự kiến kết thúc trồng vào tháng 8/2013). Trong 5 năm tới (2013 – 2017), Cty có kế hoạch trồng mới bình quân khoảng 1.500 ha/năm, với tổng số vốn đầu tư là 1.625 tỉ đồng, cố gắng hoàn thành mục tiêu 6.500 ha cao su vào năm 2017.

Cao su sau khi trồng 7 năm, sẽ tiến hành khai thác và sơ chế thành các loại sản phẩm chính là SVR 3L, SVR 10 và SVR 20, đồng thời đầu tư xây dựng NM chế biến trung tâm với công suất 12 nghìn tấn/năm, đảm bảo sơ chế hết sản phẩm mủ cao su thu hoạch được trong từng năm.

Như vậy, với sự góp mặt thêm của Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu, tỉnh Lai Châu hiện đã có 3 Cty trồng cao su, với tổng diện tích cao su đã trồng trên 9.000 ha, có hệ thống hạ tầng ước tính đã đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Dự kiến, VRG sẽ tiếp tục mở rộng thêm khoảng 20 nghìn ha trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, các Cty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ xây dựng các NM chế biến với tổng công suất 55 nghìn tấn/năm, tạo việc làm cho khoảng trên 15 nghìn lao động trong tỉnh.

Không được xem như làm kinh tế đơn thuần

Tới dự và chỉ đạo tại lễ ra mắt Cty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng BCĐ Tây Bắc đánh giá: Sau gần 8 năm phát triển chương trình cao su ở vùng Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng, đã thu được những kết quả đáng mừng, có ý nghĩa lớn trên nhiều mặt, đặc biệt cao su ở Lai Châu phát triển vững chắc hơn cả so với các tỉnh khác ở miền núi phía Bắc về chất lượng và số lượng.

Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, sự ra đời của 3 Cty cao su ở Lai Châu mang ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn. Đây cũng là bằng chứng thể hiện được vai trò gánh vác đầu tàu của Tập đoàn CN Cao su VN - tập đoàn kinh tế nhà nước đã đi tới những vùng còn nhiều khó khăn mà kinh tế tư nhân không làm được. Phát triển cao su Tây Bắc cũng là lối ra, lối thoát kinh tế có thể xóa đói giảm nghèo, đồng thời là món quà tri ân cho bà con nông dân Tây Bắc anh hùng.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn CN Cao su VN phải xem việc phát triển cao su không chỉ là việc phát triển kinh tế đơn thuần, mà phải đồng thời có trách nhiệm góp phần xây dựng hệ thống chính trị, ổn định tình hình chính trị cho vùng Tây Bắc.

Phó Thủ tướng yêu cầu VRG nghiên cứu chiến lược phát triển toàn diện, dài hạn cho cây cao su vùng Tây Bắc. Đối với tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng đề nghị VRG nghiên cứu nâng tổng diện tích cao su định hình trong tương lai lên 35 – 40 nghìn ha, thay vì 30 nghìn ha như báo cáo quy hoạch tới năm 2020 của VRG.

Qua đó tạo nên sản lượng cao su chế biến có tính hàng hóa lớn, song song với việc nghiên cứu cặn kẽ về khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục chuyển giao công nghệ trồng cao su.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng lưu ý bên cạnh phát triển cao su đại điền, phải chú trọng phát triển cao su tiểu điền thông qua việc hướng dẫn cho dân trồng cao su, nhất là vấn đề giống, kỹ thuật chăm sóc cao su cho nông dân theo hướng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng Tây Bắc. Việc mở rộng diện tích cao su, có thể chuyển giao các nông - lâm trường còn quỹ đất đai nhưng hiệu quả kém sang trồng cao su.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Lai Châu phải tập trung đặc biệt hạ tầng tốt nhất cho vùng trồng cao su, gắn với các vùng tái định cư thủy điện, vùng xây dựng NTM nhằm kết hợp các chương trình MTQG kết hợp với vùng cao su.

+ “Tập đoàn CN Cao su VN phải đặc biệt có trách nhiệm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân ở những vùng khó khăn. Những năm đầu tiên trồng cao su, nông dân có thể đi bộ, đi xe đạp đi làm. Nhưng 3-4 năm sau, họ có xe máy đi, rồi tương lai phải giúp được họ có nhà có cửa. Phải xem phát triển cao su Tây Bắc không chỉ lo lợi nhuận cho Tập đoàn, mà cái chính là lo cho đời sống người dân ở vùng cao su. Tôi tin Tập đoàn CN Cao su VN có đầy đủ khả năng để kham lấy những việc lớn này” (Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). 

+ Trong khuôn khổ chương trình làm việc giữa VRG và UBND tỉnh Lai Châu, chiều qua, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hai bên cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh Lai Châu và VRG trong việc phát triển cao su trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hai bên đã thống nhất các quan điểm, nguyên tắc, nội dung hợp tác cũng như trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đây sẽ là cơ sở quan trọng tạo sự tin cậy, bền vững cho việc phát triển cao su ở tỉnh này.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.