| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn kiểu mẫu - nhìn từ Đồng Nai

Tiếp tục nâng cao, không ngủ quên

Thứ Sáu 05/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Sau 10 năm xây dựng NTM, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên “cán đích”. Và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chia sẻ mục tiêu trong thời gian tới…

Một góc TP Long Khánh. Ảnh: Hoàng Long

Một góc TP Long Khánh. Ảnh: Hoàng Long

Dẫn đầu cả nước về xã đạt chuẩn

Trước tiên xin chúc mừng tỉnh Đồng Nai đã xuất sắc về đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2019, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Đồng thời, tỉnh cũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích nổi bật trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM. Xin ông cho biết những thành tích nổi bật trong chặng đường 10 năm xây dựng NTM của Đồng Nai là gì?

Có thể thấy thành tựu nổi bật nhất của Đồng Nai trong xây dựng NTM là phát triển sản xuất nông nghiệp, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn.

Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2018 là 3,67%/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 là 228,8 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010.

Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh Đồng Nai đạt trên 56,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,62% (năm 2011), xuống còn 0,09%.

Trong năm qua, ngành nông nghiệp nói riêng và phong trào xây dựng NTM của tỉnh Đồng Nai nói chung đều đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ngay cả bản thân tôi cũng không nghĩ sẽ đạt được kết quả ấn tượng đến vậy vì những mục tiêu đặt ra trong năm này đều rất khó thực hiện.

Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tích bất ngờ, nhưng chắc cũng gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM, phải không thưa ông?

Vâng, đúng như vậy. Trong năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi, khiến giá trị ngành chăn nuôi bị giảm sút nghiêm trọng. Bởi Đồng Nai là tỉnh có đàn heo lớn nhất nước.

Sau tết, lại ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn chồng chất. Hàng loạt các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu đi Trung Quốc bị rơi vào cảnh “chờ giải cứu”, đồng thời, các thị trường xuất khẩu khác cũng gặp thách thức không nhỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh này. 

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, tỉnh còn gặp nhiều bất cập khác như việc công nhận hoàn thành NTM cho 3 đơn vị cấp huyện cuối cùng, khi 100% đơn vị này đều hoàn thành các tiêu chí NTM thì lại chưa có quy định quy chuẩn đạt NTM cho cấp tỉnh nên về quy trình thủ tục, hồ sơ khá rắc rối, nhất là vấn đề lấy ý kiến đồng thuận của người dân.

Tuy nhiên, vượt qua rất nhiều thách thức, đến phút cuối Đồng Nai cũng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và “cán đích” trong năm 2019.

 Theo ông Đồng Nai đã “vượt khó” bằng cách nào để không những đạt được kết quả tốt mà còn vượt kế hoạch đề ra. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh trong quá trình thực hiện?  

Năm 2019, Đồng Nai đã tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng NTM nhưng thực chất chỉ mới thực hiện trong 9 năm. Tuy nhiên, những kết quả đạt được rất ấn tượng, sâu sắc, có tính toàn diện, đặc biệt trong xây dựng NTM nâng cao, tỉnh Đồng Nai đã vượt kế hoạch rất xa.

Toàn tỉnh hiện có 40/132 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn; trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 có 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8% số xã đạt NTM kiểu mẫu…

Có được bước đột phá này là do ngay từ đầu năm 2015, Đồng Nai đã chủ động bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Những năm đầu còn chậm, nhưng từ đây sẽ có nhiều xã hoàn thành NTM nâng cao và không hề chạy theo thành tích, vì việc đánh giá, công nhận xã NTM nâng cao được thực hiện rất khách quan, công bằng.

Mục tiêu trong năm nay, Đồng Nai sẽ tập trung vào mũi nhọn phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Ảnh: Hoàng Long

Mục tiêu trong năm nay, Đồng Nai sẽ tập trung vào mũi nhọn phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Ảnh: Hoàng Long

Nỗ lực để đạt mục tiêu

Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Đồng Nai gắn với xây dựng NTM trong thời gian tới sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

Việc phát triển sản xuất là điều cốt lõi cho ngành nông nghiệp cũng như trong xây dựng NTM. Chính vì thế, tỉnh chỉ đạo quyết liệt phát triển nông nghiệp, nhiều đề án hay được thành lập với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Mục tiêu trong năm nay, tỉnh sẽ tập trung mũi nhọn phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô hơn 50 ngàn ha các cây trồng chủ lực như tiêu, xoài, sầu riêng, chôm chôm...

Đồng Nai đã tổ chức được 120 chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết trong nông nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, bấp bênh nên cần đánh giá lại việc xây dựng chuỗi gì, ở đâu, hình thức như thế nào cho thật cụ thể và giao trách nhiệm cho từng đơn vị liên quan.

Nhiều nhà vườn ở Đồng Nai nay đã là tỉ phú nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Ảnh: Minh Vương.

Nhiều nhà vườn ở Đồng Nai nay đã là tỉ phú nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Ảnh: Minh Vương.

Quá trình thực hiện các tiêu chí NTM và NTM nâng cao, các địa phương triển khai như thế nào để hoàn thành đúng kế hoạch, thưa ông?   

Kế hoạch thực hiện chương trình NTM trong năm 2020, tuy được tỉnh giao chỉ tiêu có thêm từ 5-7 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu, nhưng thực tế các địa phương trong tỉnh luôn đặt ra mục tiêu cao hơn nhiều so với yêu cầu đề ra.

Cụ thể, trong năm nay Đồng Nai sẽ có thêm ít nhất từ 10-12 xã NTM nâng cao và các địa phương đã hăng hái đăng ký xây dựng thêm 4 xã NTM kiểu mẫu. Điểm khác biệt là các địa phương không chọn thực hiện kiểu mẫu với các tiêu chí dễ dàng mà chọn giải quyết những vấn đề còn hạn chế, khó khăn tồn tại của ngành nông nghiệp.

Để “đạt chuẩn” đã khó, nhưng để “giữ chuẩn” NTM khó hơn gấp bội. Vậy, trong giai đoạn tiếp theo Đồng Nai sẽ có sự chuẩn bị như thế nào để duy trì thành quả đạt được trong phát triển NTM nâng cao và hướng tới NTM kiểu mẫu, thưa ông?

Trong việc thực hiện Bộ tiêu chí NTM, ngay trong năm 2019, Đồng Nai đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, cùng với Nam Định trở thành 2 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Đồng thời, cũng trong năm qua, có 100% số đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đưa Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Tuy đạt được kết quả ấn tượng nhưng Đồng Nai vẫn rất chủ động chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo để không “ngủ quên” trên thành tích. Đặc biệt, không chỉ tiếp tục xây dựng NTM, NTM nâng cao trong giai đoạn tiếp theo mà còn ban hành được Bộ tiêu chí cho NTM kiểu mẫu. Do đó, Đồng Nai cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước xây dựng đủ 3 Bộ tiêu chí NTM rất bài bản, chặt chẽ để... giữ chuẩn NTM.  

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, giúp nông dân giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Hoàng Long.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, giúp nông dân giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Hoàng Long.

Vậy, tỉnh Đồng Nai đang đặt ra mục tiêu cho hậu NTM là gì và liệu có đột phá nào trong thời gian tới không?

Trong những năm tiếp theo của hậu NTM, Đồng Nai đang có bước chuẩn bị thực hiện rất tốt khi đã có được xã NTM kiểu mẫu đầu tiên trong năm 2019. Đồng thời, luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của hậu NTM. Đây cũng là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

 Năm 2020, các xã NTM nâng cao về đích sau chắc chắn phải phấn đấu  nhiều hơn các xã trước để đạt chất lượng thực sự. Đồng Nai có Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn làm thí điểm huyện NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là yêu cầu rất khó nhưng sẽ phải nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra.

Đồng Nai không có điểm dừng trong xây dựng NTM, sẽ phát triển theo hướng hiện đại, phồn vinh, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đảm bảo sự hài hòa với các tiêu chí phát triển kinh tế và văn hóa, giáo dục, môi trường…

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.