| Hotline: 0983.970.780

Tiếp vụ tàu BTT-07 mất tích: Sau 28 năm vẫn tiếp tục chờ đợi

Thứ Năm 16/12/2010 , 10:01 (GMT+7)

Tưởng vụ việc đã đến hồi kết, nhưng nó vẫn kéo dài vì chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.

Bà Thanh: Đến khi nào thì cơ quan nhà nước giải quyết chế độ cho chồng tui và những người khác?

Cách đây 3 năm, NNVN đã có loạt bài điều tra về nghi án vượt biên của thủy thủ đoàn trên con tàu BTT-07 và nỗi đau oan khuất của gia đình các nạn nhân đằng đẵng 25 năm trời.

Tháng 7/2009, NNVN tiếp tục đề cập đến vấn đề này sau khi có quyết định minh oan của Bộ Công an với bài “Dây oan đã được cởi bỏ”. Tưởng vụ việc đã đến hồi kết, nhưng nó vẫn kéo dài vì chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.

27 năm chịu tiếng vượt biên

Tháng 2/1982, thuyền trưởng Lê Thanh Bùi nhận được lệnh của Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên lên đường ra Hải Phòng nhận con tàu BTT-07 và chở hàng (thép) vào cảng Quy Nhơn. Đi trên chuyến tàu BTT - 07 có 9 người, gồm thuyền trưởng Lê Thanh Bùi, thuyền phó Trần Mạnh Hà, máy trưởng Trần Văn Thanh, thợ máy Dương Thanh Hải, các thuyền viên Phan Đức Thuần, Nguyễn Xuân Ngẫu, Nguyễn Ngọc Hới, Võ Vĩnh Viễn. Ngoài ra, trên tàu còn có ông Hồ Minh Sơn (trước đây là thuyền trưởng một tàu của Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên nhưng bị thôi việc) cũng đi nhờ theo tàu. Tất cả những người trên tàu đều quê ở Quảng Bình. Thủy thủ đoàn và con tàu BTT-07 đi mãi từ đó đến này chưa về.

Sau đó, gia đình thuyền trưởng Bùi đã có đơn gửi các cơ quan chức năng hỏi thăm tung tích của chồng và những người khác. Đáp lại, Công an Bình Trị Thiên đã có công văn do Giám đốc Công an Nguyễn Đình Bảy ký, nêu rõ: “Về việc đòi giải quyết chế độ chính sách cho thân nhân những người đi trên tàu BTT-07, chúng tôi thấy rằng: Lê Thanh Bùi và đồng bọn đã lợi dụng tàu của Nhà nước trốn ra nước ngoài, đáng ra phải bị truy tố trước pháp luật. Do vậy, chúng tôi không thể có một chính sách chiếu cố nào đối với thân nhân những người trên tàu BTT-07”.

Trong thời gian dài, PV NNVN, các đồng nghiệp cùng Văn phòng Luật sư Hướng Dương (có trụ sở tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đã đổ công sức đi tìm lại các nhân chứng, góp nhặt, chắp nối các thông tin để khẳng định đoàn thủy thủ cùng con tàu BTT- 07 có thể gặp nạn trên biển chứ không có hành vi vượt biên. Sau một thời gian xem xét, ngày 22/6/2009, Bộ Công an ra Quyết định 1755/BCA-V24 do Thứ trưởng thường trực Nguyễn Khánh Toàn ký.

Nội dung: “Điều 1: Công nhận kết luận thanh tra số 441/V24 (P3) ngày 13/5/2009 của Thanh tra Bộ Công an về việc mất tích của các thuyền viên tàu BTT-07 thuộc Cty vận tải thủy Bình Trị Thiên. Hủy công văn số 342/PA 17 ngày 25/8/1986 của Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên về việc trả lời khiếu nại của thân nhân tàu BTT-07. Điều 2: Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm tổ chức công bố công khai quyết định này và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách đối với thuyền viên tàu BTT-07 theo đúng quy định của pháp luật hiện hành".

Cấp nào giải quyết?

Chúng tôi trở lại làng Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) thăm gia đình bà Phạm Thị Thanh (vợ thuyền trưởng Lê Thanh Bùi). Bà Thanh bây giờ đã 75 tuổi, nét mặt bà đã hằn nhiều nếp nhăn vì chờ đợi. Bà ngồi nhìn ra cửa, giọng bần thần: “Không biết tui có sống thêm được nữa không để mà chờ cơ quan nhà nước giải quyết việc cho chồng và những người cùng cảnh khác. Chao ôi, răng mà chờ đợi lắm rứa hở trời?”.
Tưởng chừng sau 28 năm, gia đình các thủy thủ được an ủi phần nào. Nhưng rồi họ vẫn sống trong chờ đợi. Sau khi có quyết định của Bộ Công an, Bộ LĐ-TBXH có ý kiến: "7 thuyền viên của tàu BTT-07 của Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên được cử đi làm nhiệm vụ, vì vậy Cty phải chịu trách nhiệm về việc mất tích của họ. Để có cơ sở giải quyết chế độ cho 7 người nói trên, thân nhân các thuyền viên phải làm đơn gửi Toà án đề nghị công nhận họ đã chết. Sau khi có tuyên bố của Toà án, thân nhân của những người bị nạn được hưởng chế độ bồi thường lao động và các chế độ khác liên quan đến luật định".

Thủ tục tại Toà án được thực hiện, thân nhân các thuyền viên đã nhiều lần làm đơn đề nghị xem xét chính sách cho họ theo luật định thì các ngành liên quan ở tỉnh Quảng Bình và Bộ LĐ-TBXH cứ "đá" qua nhau quả bóng trách nhiệm bằng con đường công văn. Ngày 17/5/2010, UBND tỉnh Quảng Bình có công văn đề nghị Bộ LĐ-TBXH thống nhất cơ chế giải quyết chế độ cho 7 thuyền viên tàu BTT-07.

Công văn trả lời của Bộ LĐ-TBXH do Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh ký, cho rằng: "Do liên quan đến thủ tục hồ sơ và kinh phí giải quyết cho 7 thuyền viên nói trên, để xem xét phương án do UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất; Bộ LĐ-TBXH đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp liên ngành trình bày phương án để các ngành liên quan xem xét, giải quyết một cách tổng thể".

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của UBND tỉnh Quảng Bình thì tỉnh này đứng ra tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành Trung ương để giải quyết việc này sẽ không hợp lý vì không đủ thẩm quyền.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất