Ngôi nhà của Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo đối diện với vườn hoa Hàng Đậu (Hà Nội). Ông đã sang tuổi 95. Thể trạng xem chừng còn tráng kiện. Chỉ có điều trí nhớ của ông về chuyện cũ hầu như đã được dẹp sang một bên. Trong cuộc trò chuyện, bây giờ ông chỉ nhắc đến niềm tự hào về các cháu nội của mình là những nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài.
Gỡ tấm lá chắn phân khu Bắc
Hai năm trước, tôi vào Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên xem danh sách Bộ chỉ huy và các Đại đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi cứ ngần ngừ trước tấm bảng đề Trung đoàn 88 không có tên Đặng Quốc Bảo mà thay vào là tên một người khác. Tôi đem tra các sách lịch sử Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong (2019) và sách Lịch sử Trung đoàn 88 - Đoàn Tu Vũ (2019) thì đều thấy ghi tên Chính ủy Đặng Quốc Bảo cùng Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà chỉ huy đánh cứ điểm đồi Độc Lập (15/3/1954).
Ban chỉ huy Trung đoàn 88 đang trên đường hành quân đã được lệnh đi gấp về Sở chỉ huy Mặt trận nhận nhiệm vụ. Trong kế hoạch tiến công mở đầu vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ này, quân ta sẽ lần lượt nhổ ba trung tâm đề kháng: Him Lam (Bê-a-tơ-ri-xơ), Độc Lập (Ga-bri-en) và Bản Kéo (An-nơ Ma-ri). Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) phối hợp với Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà và Chính ủy Trung đoàn Đặng Quốc Bảo chỉ huy đơn vị.
Độc Lập - một trung tâm đề kháng mạnh thuộc Phân khu Bắc, cùng với Him Lam, tạo thành tấm lá chắn ở phía Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ở đây có một tiểu đoàn lính thuộc địa và một đại đội lính người Thái đóng giữ.
Theo phân công, Trung đoàn 88 sẽ mở một mũi đột kích ở sườn phía đông nam song song với mũi đột kích ở sườn phía đông bắc của Trung đoàn 165. Ngoài ra, Trung đoàn 88 còn chịu trách nhiệm mở một mũi dương công ở phía tây cứ điểm, đồng thời bố trí tại đấy một trận địa phục kích chờ đánh quân tiếp viện.
Ban đầu được phân công, Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà cũng có ý lo lắng. Tiêu diệt cứ điểm Độc Lập quả là một nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là với Trung đoàn 88. Đơn vị vừa mới hành quân xa về, chưa nắm được thật chắc cả địa hình lẫn sự bố trí của địch. Thời gian chuẩn bị chiến đấu của Trung đoàn 88 chỉ còn đúng ba ngày. Sức khỏe của bộ đội phần nào có giảm sút, trang bị cần phải bổ sung. Vậy mà trong ba ngày đó, trung đoàn phải đào một đường hào xuất kích dài suốt từ cửa rừng ra tới chân đồn địch. Từ đài quan sát trở về, Trung đoàn trưởng cùng với Chính ủy Đặng Quốc Bảo chụm đầu với nhau cùng bàn bạc chuẩn bị chiến đấu.
Chiều 14/3/1954, những quả bộc phá cuối cùng của Trung đoàn 88 đã gói xong. Mọi việc chuẩn bị khác cũng đã hoàn thành. Trung đoàn trưởng và Chính ủy chỉ còn băn khoăn chỗ hào giao thông tiến quân vẫn còn cách chân hàng rào thứ nhất của địch tới 150 mét. Giờ xuất kích theo đúng kế hoạch đã định sắp tới. Ban chỉ huy Trung đoàn thống nhất quyết tâm khắc phục khi vào trận vì không có cách nào nữa.
Trời mưa rất to. Màn đêm xuống dần. Các đơn vị pháo đi cùng Trung đoàn 88 đến chậm nên bộ binh chưa thể xung phong. Trọng pháo của ta bắn phá đồi Độc Lập. Địch chống trả quyết liệt. Sau này, trong tài liệu của địch thu được khi kết thúc Chiến dịch cho thấy, pháo binh Pháp đã bắn 10.000 viên đạn vào đồi Độc Lập. Cùng với đó là không quân từ Hà Nội lên oanh tạc suốt ngày đêm.
Bất chấp trời mưa to và hỏa lực dày đặc của địch, bộ đội ta cởi áo, lấy vải mưa che súng đạn, bộc phá, xung phong tiến vào chiếm lĩnh trận địa. Đến 1 giờ sáng 15 tháng 3, bộ đội mới vào hết vị trí. Vì phải đợi sơn pháo đi cùng vừa đánh trận Him Lam đêm trước chuyển về, nên mãi đến 2 giờ sáng cuộc tiến công của bộ binh mới bắt đầu. Sau hơn 4 giờ chiến đấu, đến 6 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3, quân ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm đồi Độc Lập, bắt 500 tên, diệt gọn và bắt sống toàn bộ tiểu đoàn lính Âu - Phi tăng cường.
Sáng 15 tháng 3, Pháp đưa hai tiểu đoàn lính dù và tám xe tăng từ Mường Thanh phản kích, nhưng chúng bị chặn ngay trước trận địa của Tiểu đoàn 23. Sau 2 ngày, quân ta tiêu diệt hai trung tâm đề kháng Him Lam và Độc Lập khiến các tướng lĩnh và binh sĩ Pháp ở Việt Nam hoảng sợ. Tiểu đoàn lính người Thái đóng tại Bản Kéo lũ lượt ra hàng vào ngày 17/3.
Ma lực Đặng Quốc Bảo
Đó là đánh giá của nhiều thế hệ cán bộ Trung ương Đoàn về sức thu hút và thuyết phục của ông Đặng Quốc Bảo. Nếu dùng ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ thì ông có nhiều thế hệ thanh niên là “fan” hâm mộ đến cuồng nhiệt khi ông chuyển ngành từ quân sự sang dân sự, làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
Một vị nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng nhiều khóa nói với tôi rằng, ông rất muốn tổ chức một cuốn sách viết về Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo. Đó là một vị thủ lĩnh thanh niên có bề dày thành tích chiến đấu khi được bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn trẻ nhất toàn quân ở tuổi 22. Về làm Chính ủy kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) ông tự học để nâng cao trình độ của mình tới bậc Tiến sĩ, được phong học hàm Phó Giáo sư và sử dụng thông thạo 3 ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga. Hiện nay, ở tuổi 95, Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo vẫn đọc sách, vẫn sử dụng Internet để cập nhật tin tức hàng ngày…
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo sinh năm 1927 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông được bầu làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IV, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Trước khi chuyển sang dân sự, ông Đặng Quốc Bảo đã có hơn 30 năm gắn bó với Quân đội: Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị, Chính ủy Sư đoàn 308, Chính ủy Cục Công binh... Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1974 và được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (2007).