| Hotline: 0983.970.780

Tiêu hủy lợn bệnh: Khẩn cầu tha thiết của một hộ nông dân

Thứ Tư 08/05/2019 , 11:09 (GMT+7)

Lời khẩn cầu tha thiết của anh Nguyễn Duy Bình, thôn Yên Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội khi biết đàn lợn 110 con của mình dương tính với Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và sẽ phải tiêu hủy ngay tại khu vực chăn nuôi, sản xuất của gia đình.

Anh Nguyễn Duy Bình đã phải chôn 8 con lợn bị chết bệnh đầu tiên của đàn ngay cạnh chuồng chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Cường.

Đàn lợn của anh Nguyễn Duy Bình có 125 con. Ngày 2/5 vừa qua, một con trong đàn bỗng nhiên có biểu hiện bất thường và lăn ra chết. Vì đã được tuyên truyền và nhận thức mức độ nguy hiểm của DTLCP nên khi có dấu hiệu bất thường trong đàn lợn, anh Bình báo ngay cho cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đến lấy mẫu mang đi xét nghiệm từ ngày 3/5, sau 4 hôm, đến 7/5 mới có kết quả.

Sau khi biết đàn lợn dương tính với DTLCP, anh Bình và gia đình hoàn toàn đồng ý tiêu hủy số lợn còn lại để dịch bệnh không lây lan, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Chỉ có điều chính quyền xã lại yêu cầu anh phải tiêu hủy 110 con lợn tại khu vực vườn nhà, ngay gần nguồn nước sinh hoạt.

Anh Bình và gia đình hoàn toàn đồng ý tiêu hủy số lợn còn lại để dịch bệnh không lây lan. Ảnh: Nguyễn Cường.

Nguyễn Duy Bình bức xúc: “Tôi đã phải chôn 8 con lợn chết bệnh đầu tiên ngay cạnh chuồng, nếu bây giờ phải tiêu hủy đàn lợn còn lại trong khu vực này thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe người trong gia đình tôi cũng như gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Chính quyền địa phương đưa ra yêu cầu nếu không chấp hành thì gia đình sẽ không nhận được kinh phí hỗ trợ tiêu hủy”.

Chính quyền xã Đồng Lạc yêu cầu anh Bình tiêu hủy lợn bệnh trong quỹ đất của gia đình, ngay gần nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Cường.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc, nói: “Sau khi dồn điền đổi thửa, diện tích nhà ông Bình có 8 sào đất. Giờ đây đàn lợn xác định dương tính với DTLCP, xã yêu cầu tiêu hủy luôn trong quỹ đất của gia đình!”.

“Chúng tôi sẽ làm đúng quy trình: thuê máy xúc đào sâu 4m, trải bạt, phủ vôi, rắc chế phẩm, sau khi cho lợn xuống sẽ tiếp tục phủ bạt, lấp đất khoảng 2m nữa. Với số lượng ít, chỉ hơn 100 con thế nên việc tiêu hủy sẽ không bị thẩm thấu và làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nếu gia đình ông Bình tiếp tục phản đối, xã sẽ tiến hành cưỡng chế để thực hiện chôn lấp” – Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc khẳng định.

Đơn đề nghị của các hộ dân về vấn đề tiêu hủy lợn mắc bệnh. Ảnh: Nguyễn Cường.

Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Duy Bình đang vô cùng khó khăn. Trải qua 2 biến cố lớn là cơn “bão giá” năm 2016 và sau đó lại là dịch lở mồm long móng, gia đình anh cố gượng dậy để tiếp tục chăn nuôi thì nay đàn lợn dính DTLCP phải tiêu hủy toàn bộ.

“Tôi đã từng học thú y còn vợ tôi học ở Học viện Nông nghiệp. Gia đình từ trước đến giờ chỉ biết chăn nuôi, thu nhập chính hoàn toàn dựa vào chuồng trại. Chúng tôi vay mượn rất nhiều cũng như dồn công sức vào đàn lợn này, bây giờ trắng tay cùng khoản nợ 200 triệu. Đã thế xã lại yêu cầu tiêu hủy cả đàn lợn dịch trên trăm con ngay trong vườn nhà thế này làm sao chúng tôi sống nổi” – người nông dân đang thế bần cùng rơm rớm nước mắt trải lòng.

Anh Bình đang trải qua những tháng ngày khó khăn. Ảnh: Nguyễn Cường.
Nguyễn Thị Hứa, mẹ anh Nguyễn Duy Bình chia sẻ: “Gia đình tôi và các hộ xung quanh chỉ mong chính quyền địa phương chuyển địa điểm tiêu hủy ra xa khỏi khu dân cư để không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân. Nếu cứ tiến hành tiêu hủy và chôn lợn thế này chẳng khác nào triệt đường sống của con cháu gia đình chúng tôi”.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.