| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ sữa: Công ty và người dân cùng đau đầu

Thứ Hai 30/03/2015 , 08:27 (GMT+7)

Trước Tết Ất Mùi, nhiều hộ nuôi bò sữa ở ngoại thành TP.HCM bỗng lâm vào tình cảnh khó khăn do giá sữa giao cho công ty bị giảm xuống so với trước, hay nhiều hộ không giao được sữa.

Trước tình hình tiêu thụ sữa tươi có những bất ổn, cuối tuần qua, Sở NN-PTNT TP.HCM đã họp với các quận, huyện có nuôi bò sữa và đại diện các Cty Vinamilk, Friesland Campina về giải pháp ổn định tiêu thụ sữa cho nông dân.

Nhiều hộ không có hợp đồng

Trước Tết Ất Mùi, nhiều hộ nuôi bò sữa ở ngoại thành TP.HCM bỗng lâm vào tình cảnh khó khăn do giá sữa giao cho công ty bị giảm xuống so với trước, hay nhiều hộ không giao được sữa.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, khó khăn của người nuôi bò sữa hồi đầu năm nay, có nguyên nhân từ sự thay đổi về chính sách thu mua của một số công ty lớn.

Chẳng hạn, vào ngày 3/11/2014, Cty TNHH Friesland Campina đã ký lại hợp đồng với các hộ chăn nuôi và áp dụng mức thu mua mới.

Trong đó, Cty đã nâng mức tiêu chuẩn thu mua như sau: Nâng mức khấu trừ chất trộn thêm, pha nước và kháng sinh từ 7.000 đ/kg lên 9.000 đ/kg; tăng mức phạt tổng tạp trùng tối đa từ 500 đ/kg lên 600 đ/kg; giảm tiền thưởng tế bào soma thấp từ 500 đ/kg xuống còn 400 đ/kg. Sự điều chỉnh nói trên đã làm cho người dân giảm tiền giao sữa bình quân 300-500 đ/kg do không đạt chỉ tiêu.

Tuy vậy, giá giao sữa bình quân mà các hộ ký hợp đồng bán cho Friesland Campina vẫn đạt mức khá là 13.000-13.600 đ/kg.

Mới đây (ngày 16/3), Friesland Campina lại áp dụng mức thu mua mới với việc nâng tiêu chuẩn thu mua như sau: Tỷ lệ béo >3,6% (trước đây là 3,5%), vật chất khô 12,2% (trước đây 12%), không tính tiền thưởng phạt với độ Resazurin; nâng tiêu chuẩn tổng tạp trùng <250x103 CFU/ml so với trước đây là 350x103 CFU/ml (mức bình quân tổng tạp trùng của người chăn nuôi hiện nay là 330-650x=103 CFU/ml) và tăng mức tiền thưởng tối đa lên 350 đ/kg (trước đây 280 đ/kg, nhưng rất khó thực hiện) và tăng mức tiền khấu trừ từ 600 đ/kg lên 800 đ/kg); bỏ mức thưởng thâm niên 200 đ/kg.

Ngoài ra Friesland Campina chỉ thu mua tối đa 300 kg/ngày/hộ và lượng sữa giao hàng ngày không vượt quá 10% so với lượng sữa bình quân của kỳ thanh toán trước đó.

Với Cty Vinamilk, đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT TP.HCM ghi nhận Cty này vẫn đang tiếp tục duy trì việc thu mua sữa và hầu hết các hộ chăn nuôi đang được thông báo ký lại hợp đồng.

Tuy nhiên, Vinamilk đang kiểm soát chặt chẽ việc thu mua sữa của các trạm thu mua, vì vậy người dân không được giao sữa vượt quá số lượng đã đăng ký trên hợp đồng (bình quân 15 kg/con/ngày). Người dân phải báo cáo việc tăng/giảm sản lượng với trạm sữa ít nhất 5-7 ngày để Cty có kế hoạch thu mua sữa.

Với việc kiểm soát này, Vinamilk đã phát hiện một số trường hợp thu mua sữa quá số lượng so với hợp đồng đã ký, tức là tình trạng vắt sữa thuê vẫn còn phổ biến. Chẳng hạn hộ ông Nguyễn Văn Phước (ấp 8, xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi) ký hợp đồng với Vinamilk thu mua 300 kg sữa/ngày (tổng đàn 18 con).

Thế nhưng ông Phước còn đi vắt sữa thuê cho 18 hộ khác (tổng đàn 89 con) nên tổng lượng sữa giao bình quân lên tới 1 tấn/ngày. Ngay sau đó Vinamilk đã cắt hợp đồng với ông Phước, khiến cho 18 hộ thuê ông này vắt và giao sữa cũng bị ảnh hưởng theo.

Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi, cho biết, những hộ này do không có hợp đồng trực tiếp với Cty, nên khi chỗ ông Phước bị cắt hợp đồng, họ trở tay không kịp, phải đi gửi sữa nhờ bán ké chỗ này chỗ nọ.

Cũng theo ông Cảm, đến ngày 12/3, trên địa bàn 8 xã của huyện Củ Chi, đã có 322 hộ không tiêu thụ được sữa, gồm 200 hộ bị cắt hợp đồng và 122 hộ mới nuôi bò chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sữa.

Tập trung nâng chất lượng

Ông Nguyễn Văn Cảm cho biết, đến thời điểm này, tình hình tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn nhìn chung đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ nhỏ lẻ chưa có hợp đồng thu mua sữa với các công ty. Riêng ở xã An Phú có tới 116 hộ dạng này.

Vì vậy, ông Cảm đề nghị các công ty xem xét ký hợp đồng với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Nếu như sản lượng sữa ở mỗi hộ quá ít thì có thể tập hợp nhiều hộ lại với nhau thành tổ hợp tác.

Ông Nguyễn Trường Sơn, PCT Hội Nông dân TP.HCM, cũng cho rằng công ty có thể ký hợp đồng với từng nhóm hộ, mỗi nhóm 5-7 hộ để thuận lợi cho cả 2 bên.

Theo ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển nguyên liệu (Cty Vinamilk), tuân thủ theo yêu cầu của Sở NN-PTNT TP.HCM, từ năm 2009 đến nay, Cty đã tích cực hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bò sữa có thể tự vắt sữa, giao sữa mà không phải qua người vắt sữa thuê.

Theo đó, Cty đã thường xuyên đào tạo, huấn luyện, cung cấp tín dụng để nông dân mua máy vắt sữa… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đang có một thực trạng là nhiều hộ nông dân vẫn lưỡng lự giữa việc có nên phát triển nuôi bò sữa nữa hay không.

Vì thế, họ không mặn mà với việc tự vắt và giao sữa, mà vẫn phó mặc cho người vắt sữa thuê. Bởi thế, có không ít hộ nuôi bò sữa đã nhiều năm mà không biết trạm thu mua sữa ở đâu.

Trong năm 2014, Vinamilk đã thông báo từ năm 2015, công ty kiên quyết cắt hợp đồng với những người vắt sữa thuê.

Điều này đồng nghĩa với việc những hộ chăn nuôi lâu nay phó mặc hoàn toàn việc vắt và tiêu thụ sữa cho người vắt sữa thuê, phải làm hợp đồng trực tiếp với công ty. Tuy vậy, do nhiều hộ chưa từng đến trạm thu mua sữa nên đã không nắm được thông tin này, còn những người vắt sữa thuê biết được thông tin thì giấu đi.

Do đó, trong thời gian tới, ngoài dán thông báo ở các trạm thu mua sữa, Vinamilk sẽ nhờ đài truyền thanh ở các xã thông báo trên hệ thống phát thanh về việc các hộ chăn nuôi phải ký hợp đồng thu mua trực tiếp với công ty. Ông Long cho biết, đến hết tháng 2/2015, Vinamilk đã ký hợp đồng với 3.497 hộ chăn nuôi (tăng 13,43% so với cùng kỳ 2014), tổng đàn bò đã ký hợp đồng là 53.111 con (tăng 17,21%), bò vắt sữa là 26.452 con (tăng 11,38%)…

Với những hộ mới chăn nuôi bò sữa mà chưa có hợp đồng, ông Long khẳng định “Vinamilk chưa bao giờ từ chối ký hợp đồng tiêu thụ sữa với những hộ mới nuôi bò.

Nhưng các hộ mới nuôi bò nếu muốn có hợp đồng thu mua sữa với công ty thì phải báo trước ít nhất là 3 tháng với nhân viên KCS ở trạm thu mua sữa mà họ muốn bán. Sau đó, công ty sẽ tiến hành đánh giá xem hộ đó có đủ các tiêu chuẩn để cung cấp sữa đạt chất lượng hay không”.

Điều lo ngại nhất với nghề nuôi bò sữa ở TP.HCM hiện nay là tình trạng phát triển nóng, thiên về số lượng hơn chất lượng.

Như số liệu mà ông Vương Ngọc Long đưa ra, tổng số đàn bò ký hợp đồng với Vinamilk tăng tới 17,21%, trong đó, bò đang vắt sữa tăng 11,38% nhưng sản lượng sữa lại tăng rất thấp 2,12%.

Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, thừa nhận, mặc dù TP đã có chủ trương không tăng đàn, tập trung nâng cao chất lượng, nhưng tình trạng phát sinh những hộ nuôi mới vẫn tăng lên nhiều.

Ông Trung cho rằng, để đạt hiệu quả cao thì phải tăng đàn theo kiểu tăng quy mô đàn bò/hộ chứ không phải tăng thêm hộ chỉ nuôi một vài con.

Ông Trung cho rằng, người nuôi bò sữa cần phải mạnh dạn loại thải những con bò sữa kém chất lượng. Trước đây, bò cho sản lượng sữa bình quân dưới 14 kg/ngày thì nên loại thải, nay phải nâng lên thành dưới 15 kg/ngày.

Những con bò có năng suất sữa cao, nhưng phối giống nhiều lần không chửa cũng cần được mạnh dạn loại thải. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh đưa các tiến bộ kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng sữa như sử dụng thức ăn hỗn hợp TMR, cơ giới hóa… Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng cần được tập hợp lại từng nhóm để ký hợp đồng tiêu thụ sữa với công ty.

Khi làm chung nhóm, các hộ sẽ tự giám sát, hướng dẫn cho nhau làm sao đảm bảo được chất lượng sữa theo yêu cầu công ty.

Các công ty cũng cần cung cấp cho Hội nông dân danh sách những hộ giao được sữa với giá cao, những trang trại đầu tư tốt, những hộ thành công với thức ăn hỗn hợp TMR…, để Hội nông dân tổ chức cho các hộ khác tới tham quan, học hỏi.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất