| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ vải thiều đã kết nối cung - cầu suôn sẻ

Thứ Năm 15/06/2017 , 08:44 (GMT+7)

Hiện tỉnh Bắc Giang và các Bộ, ngành cơ bản tìm được đầu ra cho vải thiều khi thị trường ngày càng được mở rộng.

Trung Quốc vẫn thị trường truyền thống 

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, cuối năm 2016, đầu năm 2017, do có những biến động lớn về khí hậu, thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại kéo dài dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều. Kéo theo đó, vải thiều năm nay ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016.

14-02-12_ru_qu_2
Vải thiều năm nay ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016.

Sản lượng vải thiều ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016. Trong đó, diện tích vải thiều sớm sản lượng khoảng 26.000 tấn, vải thiều chính vụ đạt khoảng 74.000 tấn.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - thủ phủ vải thiều của Bắc Giang, thừa nhận, năm 2017, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải thiều Lục Ngạn giảm hơn so với năm 2016, ước đạt 40.000-50.000 tấn, trong khi hàng năm, với diện tích hơn 16.000 ha, sản lượng hàng năm trước đạt 100.000 tấn/năm.

Tuy sản lượng giảm nhưng xác định tiêu thụ là yếu tố tiên quyết để đồng hành cùng người nông dân trong nâng cao giá trị vải thiều, công tác xúc tiến thương mại cho quả vải thiều được tỉnh Bắc Giang khá chú trọng. Nhiều đoàn xúc tiến thương mại của Bắc Giang đã tiến hành các cuộc gặp song phương, đa phương với các địa phương, các cơ quan chức năng và đối tác nhằm mở rộng đầu ra cho vải thiều.

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Đối với thị trường XK, Bắc Giang vẫn duy trì cả 2 sản phẩm là quả vải tươi và vải thiều chế biến. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi.

Dự kiến, sẽ có khoảng 40 nghìn tấn vải thiều tươi được XK sang thị trường Trung Quốc, tương đương với khoảng 80% sản lượng vải thiều XK năm nay. Bên cạnh đó, Bắc Giang sẽ tiếp tục mở rộng sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…Hiện đã có nhiều DN đăng ký thu mua để đưa vào các thị trường này.

Đối với thị trường nội địa, Bắc Giang xác định TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Đến nay, vải thiều Lục Ngạn SX theo tiêu chuẩn VietGAP được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: Metro, Co.opmart, Hapro, Big C, các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 

Mở rộng cửa khẩu

Để tạo điều kiện XK thuận lợi, ngoài việc liên kết với các DN làm đầu mối tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương có cửa khẩu để vải thiều thông quan dễ dàng.

14-02-12_dsc_0698
Dự kiến, sẽ có khoảng 40 nghìn tấn vải thiều tươi được XK sang thị trường Trung Quốc

Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), đại diện Cục Hải quan tỉnh cho biết đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho vải quả tươi XK qua các cửa khẩu trên địa bàn.

“Hải quan Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam chuẩn bị phương án hỗ trợ các DN hoạt động XK vải quả tươi khi có các lô hàng phát sinh. Tạo điều kiện thuận lợi bằng việc tăng cường làm ngoài giờ, bố trí công chức tư vấn giải quyết các thủ tục cho DN nhằm tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Dự kiến khi phát sinh lô hàng vải XK, cán bộ công chức sẽ làm việc từ 6 giờ sáng cho đến khi hết các xe hàng tại cửa khẩu”, ông Hoàng Khánh Hòa, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho hay.

Thời gian qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu kinh tế cửa khẩu, nhờ đó hệ thống đường giao thông, kho bãi tại các khu vực cửa khẩu được nâng cấp mở rộng, đáp ứng nhu cầu hoạt động XNK hàng hóa qua biên giới.

Tính đến thời điểm này, Lạng Sơn đã mở rộng được 20 bến, bãi hàng hóa với diện tích hơn 820.000 m2. Về phía Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng nhiều bãi chuyên dụng hàng hóa với khả năng tiếp nhận lượng lớn hàng hóa nông sản từ Việt Nam.

“Cục Hải quan Lạng Sơn cũng đề nghị các DN nên xuất vải qua đường chính ngạch, vận chuyển trong đêm để kịp thông quan, tránh nắng nóng ảnh hưởng chất lượng vải tươi; chủ động ký kết hợp đồng với đối tác Trung Quốc để không bị ép giá, tránh rủi ro trong quá trình giao thương”, ông Hòa khuyến cáo.

Đối với tỉnh Lào Cai, với 2 cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường sắt) có vai trò “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ tiêu thụ vải thiều cũng đã hoàn tất.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã được đầu tư hệ thống kho bảo quản và logistics trong Khu Thương mại- Công nghiệp Kim Thành có diện tích gần 200 ha; dịch vụ hỗ trợ XNK tại cửa khẩu như: khai báo hải quan điện tử và hệ thống thông quan tự động đã giúp giảm đáng kể chi phí, thời gian thông quan hàng hóa cho DN.

Trong vụ thu hoạch quả vải năm nay, cho phép xe tải cỡ lớn của Việt Nam được vận chuyển thẳng quả vải qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai)- Bắc Sơn (Hà Khẩu) giúp giảm chi phí bốc xếp hàng hóa và cước phí vận tải cho DN.

Ngay trong ngày mai (16/6), tại Hà Nội sẽ diễn ra tuần lễ vải thiều Lục Ngạn. Trong tuần lễ này, dự kiến các siêu thị lớn, chợ đầu mối, chợ trung tâm sẽ ký hợp đồng trực tiếp với các DN, HTX, chủ trang trại của Lục Ngạn nhằm tiêu thụ vải thiều.

Ông Trần Quang Tấn, GĐ Sở Công thương Bắc Giang cho biết, trong ngày 14/6, giá vải thiều Lục Ngạn tiêu chuẩn VietGAP bán tại thị trấn Chũ dao động từ 55-60 nghìn đồng/kg.

Theo người dân, giá bán này cao hơn 15 nghìn đồng/kg so với năm ngoái. Sở dĩ có tình trạng này là do sau hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc, TP Bắc Giang, thương nhân đến Lục Ngạn thu mua vải thiều tăng cao. Mặt khác, vải nơi đây có chất lượng, mã hơn hẳn so với các vùng khác cộng với sản lượng giảm cũng là một trong những yếu tố góp phần đẩy giá vải lên. Nhờ vậy, nhiều hộ tại Lục Ngạn đã thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.

 

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm