| Hotline: 0983.970.780

Tìm bộ giống mía thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Sáu 10/09/2010 , 10:24 (GMT+7)

Hiện tại, ngay ở trong nước, chúng ta không khó để tìm ra một số giống mía tuy không mới, thậm chí rất cũ nhưng lại có khả năng thích ứng cao với các áp lực khí hậu thay đổi...

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với SXNN trong tương lai, trong đó mía đường được xác định là một trong những ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy Nhà nước cần đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học mía đường, để trong tương lai gần chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa những giống mía có khả năng thích ứng cao với BĐKH.

Có thể nói bóng đen BĐKH đang bao trùm lên toàn Việt Nam, sinh kế của hàng chục triệu người Việt Nam đang bị đe dọa. Nếu không điều chỉnh, đất nước sẽ ngày càng ngập sâu vào "món nợ sinh thái" không bền vững mà các thế hệ mai sau sẽ là người phải trả.  Ngay từ khi Chương trình 1 triệu tấn đường mới ra đời (1995), ngành mía đường Việt Nam đã được giao trọng trách: "Không phải là ngành kinh tế vì mục đích lợi nhuận tối đa mà là ngành kinh tế xã hội".

Tuy có nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, nhưng trong gần 15 năm qua, ngành mía đường đã có những đóng góp đáng kể và quan trọng đối với đất nước trong tiến trình CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn, xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt là trong giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn. Đây cũng là một trong những ngành kinh tế thích hợp với mục tiêu phát triển "nông nghiệp – nông thôn và nông dân" của Đảng ta hiện nay.

Sản xuất mía đường ở Việt Nam trải rộng trên toàn đất nước, từ Bắc chí Nam, từ vùng cao xuống vùng thấp, từ miền núi xuống đồng bằng, ở hầu hết các vùng sinh thái đều có nhà máy đường và vùng nguyên liệu mía hiện diện. Tuy nhiên những vùng mía nguyên liệu chính đều tập trung ở những nơi khó khăn, hẻo lánh, có đất đai hoặc là nghèo kiệt, khô hạn, ngập úng, hoặc bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hoặc có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị bão, lũ, lụt, lở đất, triều cường gây hại...Do vậy, BĐKH sẽ tác động rất lớn đến tương lai của ngành mía đường.

Để đối phó với những tác động của BĐKH, ngay từ bây giờ ngành mía đường Việt Nam cần phải đề ra các giải pháp hoặc chiến lược cụ thể, đặc biệt là vấn đề phát triển nguyên liệu, trong đó quan trọng nhất là chiến lược nghiên cứu, tuyển chọn, xác định được cơ cấu bộ giống mía và biện pháp canh tác phù hợp, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn phải ổn định và có khả năng thích ứng cao với các điều kiện BĐKH như hạn hán, ngập úng, chịu phèn, mặn, kháng sâu, bệnh...Hiện tại, ngay ở trong nước, chúng ta không khó để tìm ra một số giống mía tuy không mới, thậm chí rất cũ nhưng lại có khả năng thích ứng cao với các áp lực khí hậu thay đổi. Xin giới thiệu 2 giống mía tiêu biểu:

1. Giống mía VN84-4137

Trong số các giống mía mới được phóng thích vào sản xuất kể từ sau khi có Chương trình 1 triệu tấn đường ra đời (1995), có giống VN84-4137, do Viện Nghiên cứu Mía đường Bến Cát cũ (nay là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường) lai tạo và tuyển chọn, được công nhận giống chính thức năm 1998. Con đường phát triển của VN84-4137 trong sản xuất khá gian nan nhưng cũng thu được không ít thành tích đáng nể.

Lúc đầu VN84-4137 được khuyến cáo trồng ở các vùng đất cao thuộc vùng Đông Nam bộ, tuy nhiên do có một nhược điểm cố hữu như bẹ lá có nhiều lông, cây nhỏ, hình thái cây không đẹp mắt và bị ảnh hưởng quá lớn từ trào lưu nhập nội và phổ biến ồ ạt các giống mía ROC (có nguồn gốc từ Đài Loan), nên VN84-4137 đã phải tạm nhường bước cho các giống nhập nội phát triển, do chúng được một số cán bộ của Cục Khuyến nông và các DN nhập nội giống lúc đó quảng cáo như là "siêu mía".

 Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, vẫn có 1 vùng đất nhỏ nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, nơi có Nông trường Mía Nước Trong và Nhà máy Đường Cuba hiện diện, VN84-4137 vẫn được nông dân lưu giữ để trồng do họ thấy giống mía này có nhiều ưu điểm như: chín sớm (hay có khả năng tích lũy đường cao từ đầu vụ ép), mọc mầm và đẻ nhánh mạnh, đặc biệt là chịu hạn tốt, lưu gốc tốt, không trổ cờ, thời gian lưu giữ đường kéo dài (hầu như có thể thu hoạch được cả vào đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ chế biến), không bị bệnh than, có khả năng thích ứng rất rộng...

Sau khi trào lưu nào những giống mía ROC (từ Đài Loan); VĐ, QĐ (từ Trung Quốc); R, Fr (từ Pháp), CP (từ Mỹ)...qua đi để lại không ít hậu quả như bệnh than, bệnh trắng lá, sâu đục thân phát sinh thành dịch gây hại tràn lan ở khắp các vùng nguyên liệu, VN84-4137 vẫn âm thầm phát triển và có lúc đạt đến tỷ lệ "rất nguy hiểm" trong cơ cấu giống ở vùng Nước Trong là trên 90% vào năm 2003-2004. Nhờ có giống mía chín sớm này mà Nhà máy Đường Nước Trong liên tục sản xuất có lãi từ năm 2000 đến nay. Năm nào nhà máy này cũng vào vụ chế biến rất sớm, sớm hơn các nhà máy khác trong tỉnh Tây Ninh và vùng Đông Nam bộ trung bình từ 1 tháng đến 2,5 tháng (như năm 2009) hoặc dự kiến tới 3 tháng như năm 2010 này, góp phần rải vụ.

Tuy nhiên, còn nhiều điều lý thú khác về giống mía này mà ngay cả đối với những người đã chọn tạo nên nó trước đó cũng chưa biết hoặc chưa khám phá hết được. Đó là chuyện giống mía VN84-4137 lại có khả năng cho năng suất, chữ đường khá cao trên chân đất bị nhiễm phèn mặn nặng, tức là có khả năng chịu phèn mặn rất tốt. Bắt đầu từ câu chuyện anh nông dân Phan Văn Lãnh, ở ấp Thạnh An, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú, được Sở NN- PTNT Bến Tre đầu tư trồng giống mía VN84-4137 trên diện tích 1,3 ha. Đầu năm 2005, hơn 10 tháng sau khi trồng, anh thu hoạch ruộng mía trồng giống VN84-4137 thì thu được năng suất đạt trên 120 tấn/ha, đem mía lên NM Đường Bến Tre phân tích đạt chữ đường 11,28 CCS.

Đến năm 2007, anh Lãnh đã mở rộng diện tích trồng VN84-4137 lên đến 12 ha và còn thu được năng suất mía cao hơn, bình quân đạt trên 130 tấn/ha. Đây thực sự là một kết quả hết sức bất ngờ đối với bản thân anh lãnh và các nhà khoa học chọn tạo nên giống mía này. Bởi Bình Thạnh là một xã nằm ở ven sông Cổ Chiên, hàng năm thời gian nhiễm mặn kéo dài từ 5-6 tháng, cây trồng chủ yếu là cây lúa, chỉ sản xuất được 2 vụ nhưng rất bấp bênh. Còn cây mía thì hầu như nông dân không dám trồng vì sợ lặp lại thất bại trong năm 2002 khi xã Bình Thạnh thực hiện chuyển đổi 10 ha đất lúa sang trồng mía.

Sự kiện phát hiện giống mía VN84-4137 có khả năng phát triển tốt trên các vùng đất bị nhiễm phèn mặn đã được tỉnh Bến Tre đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bởi điều này sẽ giúp mở ra cơ hội thoát nghèo cho hàng chục nghìn hộ ở các vùng nước mặn khắc nghiệt như An Đức, An Hiệp, Tân Hưng, Vĩnh An (Ba Tri), Bình Thạnh, An Thạnh, Quới Điền, Hòa Lợi, Mỹ Hưng (Thạnh Phú), Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Phú Long (Bình Đại) và nhiều vùng trong tỉnh. Tiếng lành đồn xa, từ Bình Thạnh, VN84-4137 tỏa đi khắp các vùng trồng mía trong tỉnh Bến Tre, đặc biệt là những vùng bị nhiễm phèn mặn, không trồng được giống khác và đến nay trở thành giống mía chủ lực trong tỉnh.

Từ Bến Tre VN84-4137 đang ầm thầm lan dần sang các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau và thậm chí còn chạy ngược lên vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, và miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa...Từ những thông tin này, cơ quan tác giả đã có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc để bổ sung thêm vào lý lịch giống mía VN84-4137 một số ưu điểm khác bên cạnh các ưu điểm đã biết ở trên, đó là: Giống mía VN84-4137 có khả năng chịu phèn mặn tốt, có thể thu hoạch muộn, ít sâu bệnh, đặc biệt là có khả năng tái sinh rất mạnh, trồng một lần có thể lưu gốc sử dụng từ 5 đến 6 năm mới trồng lại.

Ngoài ra, tại các vùng mía khác như vùng Xuân Lộc và Định Quán (Đồng Nai), từ 4 năm trở lại đây VN84-4137 cũng đã trở thành giống mía chủ lực trong vùng. Vào năm 2008, lúc nhu cầu giống mía VN84-4137 tăng vọt lên cao, khiến Công ty CP Đường La Ngà đã phải khẩn cấp đặt hàng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường phục tráng và nhân nhanh giống VN84-4137 cung cấp cho nông dân trồng (còn nữa).

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.