| Hotline: 0983.970.780

Tìm chữ trong lều nứa

Thứ Sáu 03/12/2010 , 10:22 (GMT+7)

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động khu làng học sinh Mường Lát (Thanh Hoá) theo hình thức ở bán trú đã mang theo kỳ vọng lớn lao để con em đồng bào các dân tộc nơi đây...

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động khu làng học sinh Mường Lát (Thanh Hoá) theo hình thức ở bán trú đã mang theo kỳ vọng lớn lao để con em đồng bào các dân tộc nơi đây có điều kiện hơn trong việc tìm con chữ và hành trình đến với tri thức. Biết vậy, song nhiều học sinh vẫn không dám ở trong những ngôi nhà khang trang ấy mà vẫn trung thành với những lều tạm ọp ẹp ven suối.

Gọi nơi ở đó là nhà, lều, lán… nhưng quả thật, trông nó còn tạm bợ hơn chiếc lều trông nương. Hàng chục chiếc lều như vậy, làm tạm bằng tre nứa và cỏ tranh, nằm san sát bên mấy quả đồi dốc, dưới tán cây rừng, như một xóm nhỏ của gần 100 học sinh. Lúc này, các em đều đang ngồi học trên lớp, nên chỉ có một số trẻ ở lại lều. Em thì lúi húi tự học bài, em thì đi hứng nước.

Khát khao nơi ở an toàn

Do địa hình đồi núi phức tạp, nhiều học sinh ở huyện Mường Lát phải vượt hàng chục km đường núi mới có thể đến trường. Trở ngại ấy, từ lâu đã trở thành lực cản trong quá trình phát triển giáo dục của huyện miền núi biên cương này. 

Học sinh THCS, tiểu học còn đỡ vất vả bởi chỉ phải đến trung tâm xã để học, còn đối với học sinh THPT và trung học bổ túc, việc lên thị trấn để theo đuổi sự học quả là gian truân. Ai chưa tới huyện Mường Lát thì khó có thể tin được học sinh cấp 3 của bản Tà Cóm, xã Trung Lý, phải vượt quãng đường 70 km mới tới được trường. Học sinh ở những bản khác như: Nàng Một, Sài Khao, Chà Lan... (xã Mường Lý); Nà Hin, Cang... (xã Mường Chanh)... cũng phải đi  từ 30 đến 50 km đường núi mới đến được thị trấn huyện để học. Điều đó cũng nói lên rằng, việc đi buổi  theo học hàng ngày của các học sinh này là điều không thể.

Từ việc học hành xa xôi như vậy, nên đã có hàng chục chiếc lều tạm bằng tre nứa dựng lên ven theo các con suối, triền đồi ở gần thị trấn để học sinh ở tạm trong nhiều năm qua. Mỗi khi vào đầu năm học mới, những phụ huynh ở các bản xa thị trấn huyện lại lỉnh kỉnh đồ đạc, khuân vác tre, nứa, đan phên, đóng cọc, dựng lều cho con em tá túc qua ngày. Lều tạm thường tọa lạc trên triền đồi dốc cheo leo, bởi quỹ đất tại thị trấn Mường Lát quá ít, những thân đất bằng thì đã có chủ.

Mưa bão, sạt núi, những trận rét thấu da thịt... dường như luôn đồng hành cùng nhiều lứa học sinh người Mông, người Thái, Dao... nơi đây. Đó là chưa kể đến những mối nguy khác như rắn, rết và nhiều côn trùng khác từ rừng núi. Một điều đáng nói nữa là trong những ngôi lều nứa dựng tạm rộng chừng 8 m2 là những đồ đạc lộn xộn, vừa là chỗ ăn ở, học tập, vừa là bếp nấu của từ 5 đến 9 học sinh cả nam lẫn nữ cùng ở và sinh hoạt chung như gia đình.

Đường tới Mường Lát vẫn còn đó cảnh "dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm" như thời nhà thơ Quang Dũng đi qua, chúng tôi bắt gặp hai em học trò người Mông đang ì ạch trèo ngược dốc. Chúng tôi dừng xe máy, bảo các em lên xe cùng đi nốt đoạn đường còn lại.

Khi đi tới khu lều trọ, chúng tôi quyết định vào thăm nơi ở của các em. Tôi đẩy cửa vào ngồi trong căn lều rộng chừng bảy mét vuông của Sung Thị Xê. Không tin khi nghe Xê bảo, căn lán chật chội này có tới 7 học sinh cùng ăn ngủ, sinh hoạt, học hành ở đây. Tôi lại càng không thể tin khi nghe bạn của Xê là Thao Thị Liên cho hay: Căn lều này có tới 5 học sinh nam và 2 học sinh nữ sống chung với nhau. Nhưng đó lại là sự thật. Không chỉ lều này, mà nhiều lều khác cũng vậy.

Lúc khô hanh đã khổ, khi mưa to gió lớn, ở căn lều ọp ẹp lại càng khổ hơn. Một cán bộ Phòng Giáo dục huyện Mường Lát cho biết: "Vẫn còn hàng ngàn em học sinh các cấp trong huyện đang phải dựng lều lán để trọ học, vì huyện chưa đủ điều kiện xây dựng nhà bán trú dân nuôi cho các em. Chúng tôi thực sự ái ngại và đang nỗ lực tìm hướng giải quyết, vì để các em sống trong các lều lán như vậy, dường như sự chăm lo quản lý của nhà trường, gia đình, thầy cô đã bị tuột khỏi tầm tay".

Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý dẫn chúng tôi đi thăm khu sinh hoạt của các học sinh bán trú. Thầy hiệu trưởng gọi nơi ở đó là nhà, lều, lán… nhưng quả thật, trông nó còn tạm bợ hơn chiếc lều trông nương. Hàng chục chiếc lều như vậy, làm tạm bằng tre nứa và cỏ tranh, nằm san sát bên mấy quả đồi dốc, dưới tán cây rừng, như một xóm nhỏ của gần 200 học sinh. Lúc này, các em đều đang ngồi học trên lớp, nên chỉ có một số trẻ ở lại lều. Em thì lúi húi tự học bài, em thì đi hứng nước.

+ Ngoài giờ học, các em lên rừng tìm bắt chuột về làm thịt để cải thiện bữa ăn, và chuột gần như là nguồn cung cấp thịt duy nhất cho các em.

+ Đã 2 năm qua, ngày ngày học sinh ở đây luôn phải sống trong nỗi lo vì an ninh không được bảo đảm.

Nếu Mường Lát là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, thì Mường Lý là xã khó khăn nhất của huyện Mường Lát. Cuộc sống của người dân còn vất vả lắm, nhiều nhà đói gay gắt hàng tháng, đứt bữa liên tục, nên con em họ theo học ở đây phải chịu nhiều thiệt thòi lắm. Hàng ngày, đồ ăn thức uống của các em chủ yếu là rau cỏ, hầu như bữa ăn nào cũng phải độn thêm ngô hay sắn, tùy theo mùa.

Canh cánh nỗi lo

Sau khi báo chí liên tục phản ánh việc gian nan dựng lều trọ học của học sinh Mường Lát, tổ chức Terres Des Hommes (một tổ chức phi chính phủ của CHLB Đức) đã hỗ trợ xây dựng làng học sinh tập trung với số tiền 4,54 tỷ đồng. Công trình đã được đầu tư xây dựng ngay cạnh thị trấn huyện Mường Lát. Sau đó, Cty Viễn thông Quân đội Viettel đã hỗ trợ 2 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện.

Một quần thể gồm 30 căn nhà sàn (mỗi nhà 10 học sinh) được  xây dựng thành hàng san sát, với những mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa không gian bao la của núi rừng đã thắp lên hy vọng về chỗ ở an toàn, thuận lợi cho hàng trăm học sinh.  Những tưởng các nhà sàn sẽ phát huy hết công dụng, những hy vọng trên sẽ trọn vẹn để các em toàn tâm học tập, nhưng trái lại, ngay khi được ở trong  làng học sinh, nỗi lo của các em vẫn canh cánh bên lòng.

 Biết con em đồng bào nơi đây còn nghèo, nhà trường cùng các cơ quan chức năng liên quan chỉ thu 10.000 đồng/học sinh/tháng. Số tiền đó chủ yếu là để chi trả tiền điện. Ông Đoàn Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, cho biết: “Nhà trường hiện có 980 học sinh, vận động nhiều đợt, bằng nhiều hình thức mà cũng chỉ có 230 học sinh vào ở làng học sinh. Hiện tại, khu làng học sinh này còn 70 chỗ ở trống, trong khi vẫn có hàng chục học sinh kiên quyết ở các lều tạm không an toàn”.

Qua tìm hiểu thực tế, được biết nguyên nhân là do thiếu nước sinh hoạt. Hơn 200 học sinh sinh sống ở khu làng học sinh nhưng chỉ có một bể nước vài mét khối, được lấy  nước theo đường ống từ con suối Poong về, nên chỉ đủ nước ăn, còn việc tắm, giặt, học sinh thường phải xuống sông Mã, trong khi sông lại cách xa khu làng học sinh nên các em đi lại vất vả, nhất là vào buổi chiều, tối.

Hơn nữa, làng nằm giữa khu đồi, nhưng không có tường rào và cổng nên an ninh khu làng học sinh không bảo đảm. Học sinh cho biết, các con nghiện từ bản Lát, xã Tam Chung và một số bản ven thị trấn luôn lượn lờ, vào tận nơi cướp đồ, trấn cướp tiền của học sinh. Một số thanh niên hư hỏng cũng hay vào trêu ghẹo các học sinh nữ. Điều đáng nói, từ khi những khu nhà được đưa vào sử dụng, không có lực lượng bảo vệ nào để ngăn chặn.

Trăn trở và tìm hiểu vấn đề trên, một số giáo viên, cán bộ ngành giáo dục huyện cho hay vì không có kinh phí thuê người giữ an ninh. Phòng giáo dục huyện không có tiền để chi trả nếu thuê bảo vệ. Câu chuyện trên ai cũng biết, song an ninh ở đây vẫn bị bỏ buông trong sự thờ ơ của các ban, ngành chức năng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.