| Hotline: 0983.970.780

Tìm được cán bộ đàng hoàng khó quá

Thứ Hai 13/09/2010 , 07:00 (GMT+7)

Thôn Ba Dư (xã Hồng Dương), một vùng quê thuần nông nhưng không yên ả. Một vùng quê khiếu kiện vào loại nhiều nhất Thanh Oai. Từ mấy quán nước trà đá đầu làng, hỏi về cán bộ có người chậc lưỡi: “Thường thì cái gì dân cũng phải học cán bộ. Nhưng vùng này nếu thấy cán bộ làm gì mà làm theo thì vi phạm hết”...

“Những sai phạm ở Hồng Dương toàn do cán bộ đi tiên phong” - nhiều người dân Thanh Oai than thở

Rất nhiều người dân ở Thanh Oai (Hà Nội) mà tôi gặp đều bảo rằng: “Ở đây dân mà làm theo cán bộ thì vi phạm hết”. 

>> Hai mặt lá phiếu, lá đơn
>> Dân mong gì ở cán bộ?

Cán bộ tiên phong… vi phạm 

Thôn Ba Dư (xã Hồng Dương), một vùng quê thuần nông nhưng không yên ả. Một vùng quê khiếu kiện vào loại nhiều nhất Thanh Oai. Từ mấy quán nước trà đá đầu làng, hỏi về cán bộ có người chậc lưỡi: “Thường thì cái gì dân cũng phải học cán bộ. Nhưng vùng này nếu thấy cán bộ làm gì mà làm theo thì vi phạm hết”. Cứ tưởng đó chỉ là mấy lời nói cay cú cá nhân nhưng khi ngồi với bà Nguyễn Thị Bi cùng cả tá hồ sơ mới biết những lời ấy không phải không có cơ sở.

Phần lớn người dân xã Hồng Dương xưa nay ngoài làm ruộng và hương nhang, họ nào có biết đến đô thị hóa, buôn đất bán đai là gì. Đùng một cái thì hay tin bà Bi đột ngột phát đơn kiện cán bộ thôn, xã, huyện ở Thanh Oai về việc bán đất khiến dân tình không thể không xôn xao. Đơn giản bởi ở một vùng quê như Ba Dư chưa hề có tiền lệ “cán bộ tố cán bộ”. Trong mắt họ, trước lại nay cán bộ là những người đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, hướng dẫn dân tình chính sách nọ chính sách kia. Vậy thì làm sao họ lại làm bậy được? Nhưng khi các hồ sơ đất đai từ xã lọt ra ngoài rồi đến lúc thấy máy móc ào ào lấp ruộng, phân lô chia chác họ mới tá hỏa: “Hóa ra vi phạm cán bộ cũng đi đầu”.

Thắp nén nhang cho người chồng quá cố là liệt sỹ Nguyễn Thanh San, bà Bi rành rọt kể về quá trình vác đơn đi kiện cũng như những sai phạm truyền kỳ của cán bộ thôn, xã ở Hồng Dương:  “Năm 2007, tôi được bầu làm đội trưởng đội sản xuất số 12 của thôn Ba Dư, thời điểm vùng quê này trong cơn sốt đất. Cũng từ đây, khi đã đứng vào hàng ngũ cán bộ, tôi phát hiện ra hàng chục ngàn mét vuông đất ruộng và ao của dân đã bị một số cán bộ thôn “biến tướng” thành của xã rồi của riêng họ”.

Sau khi thấy cán bộ thay nhau làm bùa phép bán đất ào ào mà một mình kêu không thấu, bà Bi cùng với ông Nguyễn Cao Nguyên, thương binh, hội viên Hội CCB xã và một số hộ dân khác ngày ngày phát đơn gửi tới các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu thanh tra, xử lý nhưng đến nay hồi âm vẫn chỉ là những lời thách thức từ các cán bộ vi phạm. Ngay cả chuyện đi kiện cũng là bất đắc dĩ bởi xét cho cùng người trong làng trong xã, đi ra đi vào gặp nhau. Nhưng dường như đã bước đường cùng, như lời một người cao tuổi ở Ba Dư khẳng định: “Cán bộ mà xem dân chẳng ra gì, bòn rút của dân thì làm sao đòi chúng tôi tôn trọng cho được”.

Trong danh sách cán bộ tiên phong bán đất bị dân mang ra tố có thể kể đến ông Nguyễn Đăng Chân, Bí thư chi bộ thôn Ba Dư, ông Nguyễn Quang Phái, cán bộ mặt trận thôn, ông Nguyễn Đình Chiến, phó công an xã… Cụ thể, ông Chân thì tự ý đào hơn 300m2 đất canh tác làm ao của gia đình, lấy 231m2 ở xứ đồng chia cho con gái là Nguyễn Thị Thuý, và chia 601m2 đất cho cháu là Nguyễn Xuân Thắng, chiếm trên 300m2 đất ao để làm nhà ở. Ông Phái lấy 362m2 đất 5% để chia cho anh em trai…

“Từ cái dạo đất Ba Dư lên cơn sốt chóng mặt, thay vì hướng dẫn các thủ tục giấy tờ để phân chia các loại đất cho người dân hiểu thì họ lại rủ nhau “mưu” chiếm đoạt mấy phần đất từ ruộng, ao làng và “hô biến” thành đất ở để bán. Thấy người này “làm ăn” được, người khác nhảy vào. Trưởng thôn này làm sai chán lại nghỉ, ông khác lên lại sai tiếp. Dân phát hiện, tố cáo nhưng không lay chuyển nên nhiều người cú quá định đem đất bán như cán bộ nhưng lại sợ đi tù vì vi phạm luật”. Hết thôn đến xã, cán bộ đua nhau chia chác đất công đem bán. Và có lẽ cũng chỉ có ở xã Hồng Dương mới có chuyện lãnh đạo thôn mà dám ngang nhiên thành lập “hội đồng đấu giá đất” để đem đất công ra bán, lãnh đạo thôn ký “hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất lâu dài”, bà Bi bức xúc.

Vậy tại sao sai phạm nhiều thế mà không ai xử lý? Thay cho câu trả lời bà Bi tiếp tục lật hồ sơ rồi thống kê: “Hầu hết những người chiếm đoạt, sử dụng đất trái phép đó đều là những cán bộ thôn, xã và tất nhiên là họ được chính quyền làm ngơ. Bởi nếu không thì làm sao có thể tự tung tự tác như thế”. Rồi như thể khẳng định câu nói của mình, bà Bi lật tiếp hồ sơ Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên ký quyết định chuyển 6.567 m2 đất nông nghiệp của xã Hồng Dương thành đất ở, nói là để giao cho 38 hộ dân trong xã thiếu đất ở theo chế độ “dãn dân” nhưng thực chất là chia nhau bán. Bởi trong xã còn rất nhiều hộ thiếu đất ở thực sự, như hộ bà Nguyễn Thị Chanh, mẹ của 2 liệt sỹ, 4 thế hệ ở chung trong một thửa đất rất chật chội, chưa được giao đất lần nào, xin mua không được, trong khi rất nhiều hộ thừa đất ở, là cán bộ xã nhờ người khác đứng tên và cả người địa phương khác, lại được mua.

Đến nước này thì nhiều người đi kiện ở Hồng Dương đã bỏ cuộc vì nản.  

Quan làm được, dân thì không 

Người dân không biết trong vào ai khi cán bộ làm sai

Cùng nằm trong một khoảnh nhưng của cán bộ được phép xây dựng còn của người dân bị đập phá tan tành. Chuyện ở thôn Mả Vạc xã Bích Hòa.

Trước mặt tôi là khuôn mặt bơ phờ của cặp vợ chồng bộ đội phục viên Bùi Đỗ Vy và Nguyễn Thị Chuyên. Câu chuyện của họ thỉnh thoảng đứt quãng, một phần vì uất ức một phần nữa vì những vết thương tái phát. Bao nhiêu năm nay sống trên mảnh đất có giấy tờ hẳn hoi mà tự nhiên bị cưỡng chế, đập phá vì vi phạm quy hoạch của huyện thì cũng dễ hiểu khi cứ dăm bữa nửa tháng anh Vỵ lại nhập viện một lần.

Rời quân ngũ, hai vợ chồng xin đất ở nhưng không có. Cuối cùng nhờ người anh rể nhường lại cho mảnh đất lấy chỗ làm nhà. Bao nhiêu năm sống yên ổn không việc gì, nhưng từ khi giá đất tăng thì đột nhiên gia đình có "trát" công bố đất nằm trong quy hoạch. Chị Chuyên đang chăm chồng trên viện thì hay tin nhà cửa bị cưỡng chế, đập phá hết rồi. Quá bức xúc, gia đình làm đơn đi kiện khắp nơi chỉ với lý do “cùng ở trong đất quy hoạch cả nhưng sao có nhà bị cưỡng chế còn nhà không” nhưng vô ích. Đúng sai chưa có kết luận, chỉ biết một điều cái lý của gia đình cũng hết sức rõ ràng: “Quy hoạch gì thì chúng tôi không được thông báo, thấy cán bộ làm mà không vi phạm thì làm theo thôi. Mà giả sử cứ cho là vi phạm đi thì tại sao nhà cán bộ thì không cưỡng chế lại đi cưỡng chế nhà tôi”. 

Tiếp tục câu chuyện về những thắc mắc “quan làm không vi phạm, còn dân làm là sai”, bà Nguyễn Thị Hoạt ở xã Cự Khê ngán ngẩm: “Làm sao nói lại được với miệng lưỡi nhà quan. Họ nói thế nào thì đúng như thế thôi. Chúng tôi là dân đen, làm sao cãi lý được”. Nhà bà Hoạt có miếng đất sử dụng từ năm 1972. Ở vùng quê này xưa nay đất ở và đất nông nghiệp không mấy rạch ròi vì một số diện tích đất thuộc diện khai hoang lâu đời. Năm 2008, cả xã ồ ạt bán đất, nhà bà cũng mang ra bán nhưng chạy vạy mãi không kiếm được cái sổ đỏ.

"Chẳng hay ho gì chuyện đi kiện. Tính đi tính lại thì tốn kém với mang thù chuốc oán. Nhưng chẳng lẽ cứ để mọi chuyện kéo dài mãi thế này à? Chúng tôi cần những người cán bộ đàng hoàng khó đến thế sao?”. Những câu hỏi của dân Thanh Oai không biết đến bao giờ có trả lời.
Lý do phía chính quyền đưa ra là muốn làm sổ đỏ theo “phong trào” thì phải nộp phần trăm từ 10-20 triệu đồng. Đất đầy đủ chứng cứ nhưng vẫn không được cấp sổ nên bà đâm đơn kiện. "Nhiều gia đình là cán bộ, đất đai còn nhập nhằng tranh chấp mà vẫn có sổ đỏ, trong khi gia đình tôi sinh sống ở đây từ bao đời nay lại không có. Cán bộ còn làm thế thử hỏi chúng tôi kêu ai bây giờ".

Phải chăng ở Thanh Oai cán bộ biết sai phạm vẫn cứ cố tình làm, trong khi người dân bị ngăn chặn? Cho đến tận bây giờ chưa ai trả lời câu hỏi ấy. Nhưng bà Nguyễn Thị Sâm kể một câu chuyện từ thời bà còn làm cán bộ phụ nữ ở xã Cự Khê. “Đó là thời điểm cán bộ xã đồng loạt mắc sai phạm về thu thủy lợi phí, bán đất trái phép. Tôi đã đến nhà từng ông cán bộ, kể cả một số là anh em họ hàng phân tích cho họ chỗ đúng chỗ sai với hi vọng cùng nhau khắc phục khó khăn, sửa chữa sai lầm. Nhưng đổi lại họ cạch mặt tôi luôn. Sai phạm vẫn cứ sai phạm, mặc cho dân tình bức xúc rồi đâm đơn kiện. Cán bộ như thế thử hỏi dân chúng tôi phải làm gì ngoài việc tố cáo nữa đây”. (Còn nữa)

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm