| Hotline: 0983.970.780

Tìm kế diệt 'lúa ma'

Thứ Năm 30/06/2022 , 18:03 (GMT+7)

Các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ mùa 2022 với thời gian rất gấp gáp, nguy cơ lúa cỏ (lúa ma) tiếp tục lan rộng là rất cao.

Để chủ động quản lý, hạn chế thiệt hại do lúa cỏ gây ra, các địa phương cần quản chặt khâu giống, chuyển từ gieo sạ sang cấy tay, mạ khay - cấy máy...

Đây là những giải pháp căn cơ trong phòng chống lúa cỏ (lúa ma) được các đại biểu đưa ra trong Hội thảo “Kỹ thuật phòng chống lúa cỏ các tỉnh phía Bắc” do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức ngày 30/6.

Lúa cỏ lan rộng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, từ năm 2019 đến nay, tại các tỉnh phía Bắc, tỷ lệ lúa cỏ (lúa ma) trên đồng ruộng cũng như diện tích nhiễm tăng nhanh.

Thep ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, diện tích nhiễm lúa cỏ gia tăng qua các vụ ở các địa phương phía Bắc đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Ảnh: Trung Quân.

Thep ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, diện tích nhiễm lúa cỏ gia tăng qua các vụ ở các địa phương phía Bắc đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Năm 2019, lúa cỏ đã xuất hiện tại một số tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên với diện tích nhiễm hơn 206 ha, nhiễm nặng 2,9 ha. Đến năm 2021, diện tích bị nhiễm lúa cỏ tại các tỉnh phía Bắc hơn 1.300 ha, nhiễm nặng 152 ha, mất trắng 9,7 ha. Đặc biệt, trong vụ xuân 2022, diện tích nhiễm lúa cỏ gần 1.800 ha, nhiễm nặng 453ha, mất trắng hơn 35ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định, lúa cỏ bắt đầu xuất hiện rải rác tại tỉnh Nam Định ở vụ mùa năm 2016. Trong năm 2021, diện tích nhiễm lúa cỏ trong hai vụ xuân và mùa hơn 150 ha. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ hơn 68 ha, nhiễm trung bình hơn 50 ha, nhiễm nặng hơn 25 ha, mất trắng gần 4 ha. Vụ xuân 2022, lúa cỏ lan rộng và gây hại ở nhiều địa phương trong tỉnh với diện tích nhiễm hơn 303 ha, nhiễm nặng 29,5 ha, mất trắng 4,5 ha.

Tại tỉnh Thái Bình, lúa cỏ xuất hiện rải rác từ vụ mùa năm 2020 tại một số địa phương, chủ yếu trên diện tích lúa gieo sạ, gieo vãi bằng tay. Vụ xuân 2021, diện tích nhiễm lúa cỏ toàn tỉnh khoảng 31 ha, trong đó có 3 ha tỷ lệ nhiễm nặng > 20%. Vụ mùa 2021, có khoảng 70 ha lúa bị nhiễm lúa cỏ, trong đó có 10 ha bị nhiễm nặng. Đến vụ xuân 2022, diện tích nhiễm lúa cỏ khoảng 45 ha, trong đó có 3,2 ha nhiễm nặng.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh phía Bắc đã tập trung bàn các giải pháp nhằm sớm khống chế lúa cỏ lây lan, trước mắt là vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh phía Bắc đã tập trung bàn các giải pháp nhằm sớm khống chế lúa cỏ lây lan, trước mắt là vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Tại tỉnh Hà Nam, vụ mùa 2020, diện tích nhiễm lúa cỏ 13 ha (Lý Nhân 10 ha; Thanh Liêm 3 ha). Năm 2021, lúa cỏ phát sinh gây hại tại 26 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh này, tỷ lệ nơi cao 5 - 10 %, cá biệt >30%, diện tích nhiễm lúa cỏ hơn 284 ha (vụ xuân hơn 115 ha, vụ mùa hơn 169 ha). Đến vụ xuân 2022, lúa cỏ tiếp tục phát sinh gây hại tại 36 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với diện tích hơn 217 ha, trong đó có hơn 12 ha nhiễm nặng.

Mạ khay cấy máy là giải pháp căn cơ

Bài liên quan

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề xoay quanh các biện pháp phòng chống, tiêu diệt lúa cỏ như: Quản lý chặt chẽ khâu giống, vệ sinh đồng ruộng, thay đổi phương thức canh tác, sử dụng thuốc BVTV phòng trừ lúa cỏ...

Các đại biểu đều thống nhất rằng, để giải quyết triệt để lúa cỏ, không phải là việc có thể thực hiện trong “ngày một ngày hai” mà phải áp dụng các biện pháp mang tính liên tục, dài hơi.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ cho rằng: Để quản lý được lúa cỏ, trước mắt cần quản lý chặt chẽ, ngăn chặn lúa cỏ ngay từ khâu giống. Nên điều chỉnh lại các chỉ tiêu chất lượng hạt cỏ dại nguy hại, số hạt/kg trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hạt giống lúa về mức 0 hạt, thay vì mức hạt giống nguyên chủng (5 hạt), hạt giống xác nhận 1 (10 hạt), hạt giống xác nhận 2 (15 hạt) như hiện nay. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến SRI để hạn chế sự phát triển của lúa cỏ.

Vụ xuân 2022, lúa cỏ đã lan rộng ra nhiều địa phương ở vùng ĐBSH, khiến nông dân rất vất vả để nhổ bỏ. Ảnh: Trung Quân.

Vụ xuân 2022, lúa cỏ đã lan rộng ra nhiều địa phương ở vùng ĐBSH, khiến nông dân rất vất vả để nhổ bỏ. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Khuyến cáo người dân sử dụng giống lúa đủ tiêu chuẩn chất lượng (giống nguyên chủng, xác nhận), hạn chế việc tự để giống qua các vụ, tuyệt đối không sử dụng lúa tự để giống ở những vùng đã bị lúa cỏ xâm nhiễm để gieo cấy ở vụ sau.

Vệ sinh sạch máy gặt trước và sau khi gặt để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm sang các ruộng, vùng, địa phương khác nhau.

Đối với biện pháp sử dụng thuốc BVTV phòng trừ lúa cỏ, theo các đại biểu, đây là biện pháp cuối cùng, bất khả kháng mới phải sử dụng đến. Đến hiện tại, biện pháp này không được khuyến khích sử dụng, bởi lẽ lúa cỏ và lúa thường về bản chất có những đặc điểm giống nhau, nếu tiêu diệt được lúa cỏ thì lúa thường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nếu không áp dụng chính xác rất dễ rơi vào tình “đổ thuốc ra đồng”, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại về kinh tế, trở thành gánh nặng cho người sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá các loại vật tư đang tăng cao như hiện nay.

Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Theo báo cáo từ các địa phương, diện tích nhiễm lúa cỏ có mức độ gia tăng qua các vụ là một vấn đề rất đáng quan ngại. Đặc biệt, các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ mùa 2022 với thời gian rất gấp gáp, nguy cơ lúa cỏ tiếp tục lan rộng là rất cao.

Để giải quyết triệt để lúa cỏ, không phải là việc có thể thực hiện trong 'ngày một ngày hai' mà phải áp dụng các biện pháp mang tính liên tục, dài hơi. Ảnh: TL.

Để giải quyết triệt để lúa cỏ, không phải là việc có thể thực hiện trong “ngày một ngày hai” mà phải áp dụng các biện pháp mang tính liên tục, dài hơi. Ảnh: TL.

“Lúa cỏ đang trở thành một đối tượng rất nguy hại ở các tỉnh phía Bắc, hiện nay các địa phương đã áp dụng một số biện pháp ngăn ngừa nhưng nếu không làm quyết liệt thì nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa là rất cao”, ông Dương nhấn mạnh.

Ông Dương khuyến cáo: Để chủ động quản lý lúa cỏ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, các địa phương cần áp dụng tổng hợp các biện pháp. Trong đó, biện pháp mang tính chất căn cơ, hiệu quả và cần được thúc đẩy nhân rộng không chỉ các tỉnh phía Bắc mà cả các tỉnh phía Nam là chuyển đổi phương thức canh tác từ gieo sạ sang cấy tay, mạ khay - cấy máy.

Ông Dương lý giải: Trong khâu canh tác lúa hiện nay, duy nhất còn khâu cấy việc áp dụng cơ giới hóa chưa triển khai được nhiều. Trong khi biện pháp này vừa giúp người sản xuất gia tăng hiệu quả, hiệu suất lao động, vừa giúp giảm giống, nước, phân bón, thuốc BVTV...

Không những vậy, khi canh tác bằng hình thức này cây lúa khỏe mạnh, năng suất, sản lượng cao, mật độ cấy thưa sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, tại nhiều địa phương đã triển khai hình thức này kết quả thu được cho thấy những diện tích áp dụng cơ giới hóa, cấy theo hàng tỷ lệ nhiễm lúa cỏ rất thấp.

Các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ mùa 2022 với thời gian rất gấp gáp, nguy cơ lúa cỏ tiếp tục lan rộng là rất cao. Ảnh: Trung Quân.

Các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ mùa 2022 với thời gian rất gấp gáp, nguy cơ lúa cỏ tiếp tục lan rộng là rất cao. Ảnh: Trung Quân.

“Đây là những minh chứng cho thấy nếu áp dụng tốt biện pháp cơ giới hóa mạ khay - cấy máy sẽ giúp giải quyết được đồng thời rất nhiều vấn đề trong canh tác lúa, không chỉ dừng ở mỗi việc phòng trừ lúa cỏ”, ông Nguyễn Qúy Dương đánh giá.

Phó Cục trưởng Cục BVTV nhất trí với các đại biểu về việc phòng trừ lúa cỏ không thể nóng vội, mà phải thực hiện liên tục, lâu dài. Không chỉ hệ thống BVTV vào cuộc mà cả hệ thống chính trị ở địa phương phải tích cực tham gia.

Trên cơ sở đó, ông Dương yêu cầu Phòng BVTV (Cục BVTV) phối hợp với các Trung tâm BVTV vùng, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh làm rõ tất cả các thông tin, xây dựng khung định mức đánh giá về lúa cỏ, làm cơ sở để Cục BVTV ban hành quy trình phòng chống lúa cỏ áp dụng chung cho tất cả các địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế để tìm hiểu, nắm bắt, học hỏi thêm những biện pháp, kinh nghiệm quản lý, phòng chống lúa cỏ hữu hiệu từ các quốc gia trên thế giới, nghiên cứu áp dụng vào đồng ruộng Việt Nam.

Chuyển từ gieo sạ sang cấy tay, mạ khay - cấy máy là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế lúa cỏ. Ảnh: TL.

Chuyển từ gieo sạ sang cấy tay, mạ khay - cấy máy là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế lúa cỏ. Ảnh: TL.

Đưa lúa cỏ vào đối tượng gây hại

Về phía Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, cần tiếp tục bám sát đồng ruộng, nắm chắc diện tích nhiễm lúa cỏ, diện tích nhiễm nặng. Đưa lúa cỏ vào danh sách các đối tượng gây gại để thông báo rộng rãi, kịp thời tới người dân.

Bên cạnh đó, tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh chuyển đổi phương thức sản xuất từ gieo sạ sang mạ khay, cấy máy đối với những vùng, diện tích có tỷ lệ lúa cỏ cao (nếu được có thể áp dụng ngay trong vụ mùa 2022); xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân ở những diện tích nhiễm nặng phải tiêu hủy, kinh phí giai đoạn đầu chuyển đổi phương thức canh tác...

Xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức tập huấn về nhận dạng lúa cỏ và các biện pháp kỹ thuật phòng trừ lúa cỏ cho cán bộ kỹ thuật, tổ dịch vụ, nông dân tại địa phương mình.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình ghi những thông tin sai lệch của thuốc BVTV về hiệu lực phòng trừ lúa cỏ, gây thiệt hại cho người sản xuất.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.