| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại những báu vật của làng

Thứ Ba 18/08/2020 , 06:01 (GMT+7)

Với tâm nguyện không để “chảy máu” sắc phong, 10 năm qua, nhóm Tâm Phát đã nỗ lực tìm kiếm, mua lại và dịch thuật nhiều sắc phong thất lạc đưa trở về quê hương.

Đại diện nhóm Tâm Phát (thứ hai từ trái sang) trao lại sắc phong miếu làng An Phú, xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho người dân địa phương. Ảnh: HB.

Đại diện nhóm Tâm Phát (thứ hai từ trái sang) trao lại sắc phong miếu làng An Phú, xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho người dân địa phương. Ảnh: HB.

Tâm nguyện gặp nhau

Thông qua một người bạn, tôi quen cô giáo Hồ Hải Hà (Trường THCS Tuy Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) - thành viên hoạt động năng nổ và tích cực của nhóm Tâm Phát.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), từ nhỏ cô Hà đã được tiếp cận và phần nào hiểu về giá trị của sắc phong. Lớn lên làm giáo viên dạy Ngữ văn và là thạc sĩ Ngôn ngữ học nên cô Hà càng tâm huyết hơn với những văn bản, văn kiện cổ.

Tưởng rằng chỉ tìm hiểu về sắc phong để mở mang kiến thức thì một sự kiện xảy ra khiến cô Hà thay đổi suy nghĩ. Một đêm nọ, tất cả sắc phong ở làng Sơn Đông, xã Thành Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá) gần nơi cô Hà công tác bỗng "không cánh mà bay". Nhìn ánh mắt thất thần, dằn vặt của các cụ cao niên, cô Hà tự nhủ phải làm gì đó để giúp đỡ họ.

Rồi cô Hà lên mạng mày mò, vào các diễn đàn về cổ vật và tình cờ biết một người đang giữ sắc phong của làng Sơn Đông. Thế là, cô Hà tìm mọi cách thuyết phục để người kia đồng ý đưa sắc phong về lại với làng quê Sơn Đông. Ngày đón sắc phong trở về, người dân Sơn Đông đưa sắc phong lên kiệu rước quanh làng, niềm vui rộn rã cả một vùng quê.

Sau lần đó, cô Hà quen với nhóm Tâm Phát - một nhóm bạn trẻ yêu di sản dân tộc gồm: Trần Hiển Anh, Trần Tuấn Anh, Võ Kim Long, Phạm Xuân Thắng, Huỳnh Nhựt. Tâm nguyện gặp nhau và sự “kết duyên” đã giúp cho công việc tìm kiếm, hồi hương sắc phong của họ trở nên thuận lợi hơn nhiều. Với chỉ 5 thành viên ban đầu, hiện nhóm Tâm Phát có cả trăm thành viên, cộng tác viên trên phạm vi cả nước. Cô giáo Hải Hà trở thành đại diện của nhóm Tâm Phát ở khu vực miền Bắc, miền Trung.

Cô Hà cho biết: “Những ngày đầu chỉ có vài chị em tìm tòi, mua lại sắc phong về tự dịch, tự tìm địa phương bị thất lạc sắc phong để về tận nơi gặp gỡ, xác minh và trao trả. Được sự quan tâm của nhiều người, trong đó đặc biệt là cộng đồng mạng, đã giúp nhóm Tâm Phát chia sẻ, tra cứu địa danh.

Thành viên Tâm Phát hiện bao phủ khắp Bắc-Nam, nhiều người đã chủ động tìm đến để xin góp sức”. Trong khi đó, bạn Trần Hiển Anh-một trong những người đặt nền móng của nhóm Tâm Phát chia sẻ: “Nhóm Tâm Phát hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Chúng tôi muốn trao trả lại những giá trị hồn cốt của văn hóa làng xưa trở về đúng với quê hương bản quán.

Tham gia nhóm Tâm Phát, người góp của, kẻ góp công, cứ như thế mọi việc trở nên thuận lợi hơn khi có được nhiều người góp sức. Thông qua việc làm này, chúng tôi muốn cộng đồng, đặc biệt là những bạn trẻ phải có trách nhiệm hơn với di sản văn hóa”.

Các thành viên nhóm Tâm Phát góp công góp sức để đến nay đã có gần 200 sắc phong được hồi hương. Nơi xa nhất là trao về đình làng Hòa Thuận, thị trấn Chợ Lầu (Bắc Bình, Bình Thuận).

Trong đó, đình Bồng Châu ở xã Phú Cường (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã nhận lại nhiều sắc phong bị thất lạc nhiều nhất (12 chiếc). Gần đây nhất, vào đầu tháng 5/2020, nhóm Tâm Phát đã trao lại sắc phong cho miếu làng An Phú, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ, Thái Bình).

GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết: “Thực trạng mất cắp cổ vật nói chung và sắc phong nói riêng đã xuất hiện từ lâu. Điều tôi lo lắng không chỉ là nạn trộm cắp, mà có những ai đó đã đánh tráo giữa cổ vật, sắc phong thật và giả. Chuyện nhóm Tâm Phát sưu tầm, vận động trả lại sắc phong cho quê hương bản quán là điều đáng mừng.

Để tránh chuyện mất cắp, tôi cho rằng ngoài việc nâng cao nhận thức người dân thì cần phải đề cao trách nhiệm của những người thực thi pháp luật về di sản văn hóa”.

Nêu cao trách nhiệm cộng đồng

Cũng vì sắc phong quý giá, linh thiêng như thế nên khi nghe chuyện có người bỗng dưng trả lại sắc phong thì nhiều người tỏ ra nghi ngại. Mặc dù có thời gian dài gắn bó với công việc này, chuẩn bị sẵn tâm lý đối mặt với những hiểu lầm nhưng cũng vài lần cô Hà cùng các thành viên nhóm Tâm Phát đã tủi thân đến rơi nước mắt.

Như chuyện xảy ra cách đây 4 năm. Khi ấy cô Hà cùng nhóm Tâm Phát đến một ngôi làng ở huyện Mê Linh (Hà Nội) để trao trả sắc phong. Dân làng khi ấy có nhiều người không hiểu chuyện cứ nghĩ cô Hà là người lấy cắp sắc phong và vì lý do nào đó nên trả lại. Thế rồi, những lời không hay buông ra. Chỉ đến khi chính quyền thôn, xã giải thích thì người dân mới hiểu ra việc làm ý nghĩa này.

Trong hành trình "hồi hương" những sắc phong không thể tránh khỏi chuyện này chuyện kia và vì thế nhóm Tâm Phát đều rất cẩn trọng trong các hoạt động vận động, tuyên truyền và thông tin đối với nhân dân.

Tôi đã được xem một biên bản bàn giao hiện vật được nhóm Tâm Phát trao trả tại đình làng Xâm Khổ, xã Thắng Lợi (Văn Giang, Hưng Yên) vào năm 2019, trong đó ghi rõ: “Với tấm lòng quý trọng và mong muốn bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, nhóm Tâm Phát đã tìm kiếm, mua được một sắc phong và bàn giao lại địa phương. Hai bên bàn giao trên tinh thần tự nguyện, phấn khởi, nhóm Tâm Phát không đòi hỏi nhận bất kỳ chi phí nào từ nhân dân và chính quyền địa phương”.

Hiện nay nhóm Tâm Phát vẫn miệt mài sưu tầm, tìm kiếm địa phương, thông tin để bàn giao sắc phong với mong muốn nhận được sự ủng hộ của chính quyền, người dân địa phương.

“Còn rất nhiều địa phương chúng tôi đã về tận nơi để xác minh, song không hiểu lý do gì mà họ không có phản hồi để đón nhận sắc phong. Tôi mong rằng, ngày càng có nhiều người quan tâm đến sắc phong hơn để từ đó mỗi địa phương, người dân đều nêu cao trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản văn hóa này”, cô Hồ Hải Hà, đại diện cho nhóm, chia sẻ. 

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.