| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại những tư liệu hiếm

Thứ Sáu 01/03/2019 , 13:15 (GMT+7)

Cùng với Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan, Nhà tôi của nhà thơ Yên Thao, Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung, năm 1951, Gửi anh bạn Triều Tiên của nhà thơ Minh Giang, vút lên và lan rộng khắp vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Bài thơ có sức mạnh truyền cảm, động viên tinh thần kháng chiến cứu nước.

Gửi anh bạn Triều Tiên

Nhà văn Sơn Tùng từng kể: Tháng 8 năm 1955, tại Đại hội Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ V ở Varsovie, thủ đô Ba Lan; đoàn Việt Nam gặp gỡ hữu nghị với đoàn Triều Tiên, đoàn Mông Cổ, đoàn Trung Quốc. Mỗi đoàn trình bày một số tiết mục hát, ngâm thơ.

Sau khi nhà thơ Trần Hữu Thung, trình bày xong bài Thăm lúa (được huy chương Vàng của Đại hội Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ III), Sơn Tùng ngâm bài Gửi anh bạn Triều Tiên. Ông Trần Trọng Quát (Vụ Trưởng vụ Tây Âu - châu Mỹ, Bộ Ngoại giao) phiên dịch.

Tôi ngâm anh Quát dịch đến đoạn thơ - “...Tôi đi vệ quốc... Làm lính Bác Hồ... Khắc lên báng súng trọn bài thơ...” các bạn Triều Tiên và cả hội trường vỗ tay vang dội.

Bất ngờ nhất là lúc ngâm khổ thơ cuối cùng - Anh bạn Triều Tiên ơi... Máu anh cùng máu tôi rơi... Trên hai đất nước một trời thù chung…” thì các bạn Triều Tiên đứng dậy và cả hội trường cùng đứng lên hô - Việt Nam - Việt Nam... Hồ Chí Minh... Hồ Chí Minh... Hồ Chí Minh... Điện Biên Phủ... Điện Biên Phủ... Võ Nguyên Giáp... Võ Nguyên Giáp... Hồ... Hồ... Giáp... Giáp...

“Tôi viết bài thơ Gửi anh bạn Triều Tiên năm 1951 khi Mỹ xâm lược Triều Tiên bên bờ sông Tuần, nơi có đồn địch đóng, sau khi tôi đã theo các đồng chí trinh sát đi “xem” đồn Tuần - nhà văn Minh Giang nhớ lại những ngày làm phóng viên tờ Quân địa phương ở mặt trận Bình Trị Thiên đã tạo cảm xúc sáng tạo để bài thơ ra đời – Bài thơ này ngay từ khi làm xong đã được sử dụng trong các đêm liên hoan, các buổi học tập của bộ đội. Sự hoan nghênh của khán giả bộ đội đã động viên tôi nhiều và gây lòng tin cho tôi về con đường sáng tác văn học để phục vụ kháng chiến.”

gui-nh-bn-tt15290839
Bài thơ Gửi anh bạn Triều Tiên (Minh Giang)

Nhà thơ Xuân Diệu khi nhìn lại Những bài thơ viết về bộ đội 1944-1974, đã nhận định: “Tình cảm quốc tế đối với Triều Tiên đang làm kháng chiến giải phóng như  Việt Nam mình khiến cho bài thơ Gửi anh bạn Triều Tiên của Minh Giang được nhắc nhở và ngâm đọc; một mối tình đồng đội, đồng chí nối liền hai quân đội cách mạng ở hai tiền đồn Đông Nam Á.
 

Nữ Bí thư Đại sứ quán đầu tiên

Ít ai ngờ rằng trong ngôi nhà ở khuất sau chợ Tân Định (Thành phố Hồ Chí Minh) tấp nập lại có một vị chủ nhân từng làm nên nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là bà Hà Giang – nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, người phụ nữ đầu tiên ra nước ngoài làm công tác ngoại giao với vai trò Bí thư Đại sứ quán.

Năm 1956, Tổng bí thư Trường Chinh đề nghị ông Trần Xuân Độ sang CHDCND Triều Tiên làm Đại sứ. Lúc đầu ông không nhận vì trình độ văn hóa thấp, ngoại ngữ lại không biết.

Biết chuyện, Hồ Chủ tịch cho mời ông Độ đến Phủ Chủ tịch. Bác nói: “Từ trước đến giờ tôi có học làm Chủ tịch nước đâu. Nhưng Đảng và Nhà nước phân công thì phải làm. Tôi và chú Trường Chinh thay mặt Đảng và Nhà nước phân công chú Độ làm Đại sứ”. Nghe Bác nói xong, ông Độ nhận lời.

Hồi đó chưa có chế độ cho vợ cùng chồng ra nước ngoài công tác. Biết bà Hà Giang là một trí thức theo kháng chiến, có trình độ văn hóa, nên Hồ Chủ tịch cho mời bà sang. Bác nói: “Trung ương định đưa đồng chí Trần Xuân Độ làm Đại sứ ở Triều Tiên, cô có thể đi cùng với đồng chí Độ được không?”

Nhớ lại kỷ niệm với Bác, bà Hà Giang bồi hồi: “Tôi cũng có suy nghĩ: Mình không biết làm công tác ngoại giao như thế nào. Lúc bấy giờ các đồng chí đại sứ khác ít đưa vợ đi, hoặc nếu có đi thì cũng chỉ đi làm phu nhân thôi, chứ không có công tác gì ở sứ quán. Suy nghĩ, xong tôi trả lời: “Thưa Bác, nếu Bác và Đảng quyết định thì cháu cũng sẵn sàng đi. Tuy không quen công tác ngoại giao, nhưng sang đó cháu học dần”.

Nhờ đó, bà Hà Giang ngẫu nhiên trở thành Đại sứ phu nhân đầu tiên của Việt Nam được phép ra nước ngoài cùng chồng.

h-ging-trn-xun-do152908181
Ông bà Trần Xuân Độ - Hà Giang

Đại sứ quán lúc đó độ chừng chục người. Bà làm Bí thư thứ hai kiêm thư ký riêng của Đại sứ; đồng thời anh em còn bầu bà phụ trách công tác nghiên cứu của sứ quán kiêm phụ trách Văn phòng sứ quán và làm Bí thư chi bộ cơ quan.

Ông bà đã công tác ở Triều Tiên 6 năm (1956-1962) thì kết thúc nhiệm vụ. Về nước, ông Trần Xuân Độ được cử làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Bộ Ngoại giao. Còn bà Hà Giang làm Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.

Năm 1954, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ sau thắng lợi Điện Biên Phủ và kỉ niệm 10 năm thành lập QĐNDVN, nhà văn Minh Giang (1926 – 2016) được tặng Huân chương chiến sĩ hạng ba với lời đề: “Tặng đồng chí Minh Giang đã có thành tích xuất sắc trong công tác văn nghệ, đặc biệt bài thơ Gửi anh bạn Triều Tiên đã góp phần thúc đẩy tinh thần kháng chiến của quân và dân từ hậu phương ra tiền tuyến”.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.