| Hotline: 0983.970.780

Tìm lễ phục, thất bại khi đi 'đường thẳng'

Thứ Sáu 02/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Câu chuyện đi tìm lễ phục truyền thống mà Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã theo đuổi từ nhiều năm nay tiếp tục được đề cập nhưng cũng chưa có đáp án.

Chưa đồng thuận

Cho đến nay đã hơn 3 năm, kể từ khi Bộ VH-TT&DL giao cho Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm tìm mẫu thiết kế lễ phục, song sau 3 lần hội thảo ở cả ba miền, sau hai lần phát động thiết kế và mời các nhà thiết kế hàng đầu cả nước đến đặt hàng thì mẫu trang phục nào sẽ được chọn là lễ phục nam của chúng ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết: “Cho đến thời điểm này, việc tìm lễ phục đã thất bại khi đi theo con “đường thẳng”.

“Đường thẳng” đó là gì? Chúng tôi đã phát động tìm mẫu thiết kế trên cả nước; sau đó tiếp tục mời 15 nhà thiết kế nổi tiếng hàng đầu Việt Nam đến đặt hàng, đã tổ chức 3 hội thảo nhưng vẫn không tìm được mẫu thiết kế lễ phục Việt cho nam giới. Điều này không phải chúng ta không có người tài để thiết kế mà là không có sự đồng thuận rằng lễ phục của chúng ta như thế nào".

Trong thực tế, nhiều bộ phim sử, phim cổ trang Việt Nam đã đưa bộ áo dài the, khăn xếp vào thành trang phục của nam giới Việt Nam đầu thế kỷ XX, thậm chí là xa hơn, từ thế kỷ XVII, XIX. Tuy nhiên, khi đưa vào thiết kế là lễ phục thì vẫn còn có những ý kiến chưa đồng thuận từ các cấp.

Chưa tìm được mẫu trang phục truyền thống sau khi “đi đường thẳng”, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm chọn con “đường vòng”, đó là sẽ từng bước đưa những mẫu trang phục này vào trong đời sống, lắng nghe ý kiến và sự phản hồi của dư luận xã hội để tìm ra bộ lễ phục được nhiều người đồng tình.

Cuộc tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại” là một trong những con đường vòng đó. Tọa đàm do Trường Đại học Văn hóa phối hợp cùng nhóm di sản Đình làng Việt tổ chức như một “minishow trình diễn thời trang” có sự tham gia của chính các diễn giả, giảng viên và sinh viên với việc thể hiện hàng loạt trang phục truyền thống đã được sử dụng trong các phim lịch sử mới SX thời gian gần đây như “Long Thành cầm giả ca”, “Số đỏ”, “Lều chõng”, “Trò đời”, “Người cộng sự”…

TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, thẳng thắng: “Đừng sợ bảo cái nọ, cái kia không thuần Việt bởi vì có phải ai cũng nắm rõ cái nào là của Việt Nam, cái nào không phải đâu. Trong lịch sử cho thấy nhiều cái Trung Quốc cũng vay mượn của phương Nam chứ không phải chỉ phương Nam vay mượn phương Bắc".

Truyền thống có vào cuộc sống?

Trong trang phục áo dài truyền thống, đạo diễn Trần Lực cho rằng: “Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta phải tự hào, phải khao khát được mặc trang phục truyền thống của dân tộc ta thì mới đúng. Dư luận vẫn nhầm lẫn, cho rằng trang phục Việt na ná trang phục Trung Quốc là do ngộ nhận. Chúng ta xem quá nhiều phim Trung Quốc mà lại tuyên truyền quá ít về lịch sử Việt Nam”.

TS. Nguyễn Việt cũng thành thật trần tình rằng: “Đáng lẽ đến hội thảo này tôi phải mặc bộ trang phục truyền thống của nam giới như đã hẹn với Ban tổ chức, nhưng cứ nghĩ đến cảnh tôi mặc bộ ấy ra khỏi nhà bắt taxi đến đây, sẽ có biết bao nhiêu người dòm ngó, chỉ trỏ, tưởng ông này đi hát quan họ, nên tôi ngại quá, đành thôi”.

Đồng tâm trạng với ông Nguyễn Việt, TS. Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cũng cho biết: “Tôi mặc bộ trang phục truyền thống dành cho nam giới mà Ban tổ chức chuẩn bị cho để đến với tọa đàm này, chỉ đi từ cổng trường vào đến đây mà nhận được vô số những ánh mắt ngỡ ngàng của sinh viên trong trường. Nói thật là mặc vào thì cảm xúc khác hẳn, rất đàng hoàng, trang trọng giống như tôi được trở về với mái đình làng quê mình, nhưng để làm quen với phản ứng của mọi người là chuyện không dễ”.

Ngay trong một cuộc tọa đàm làm phép thử cho việc mặc hay không mặc lễ phục mà các đại biểu cũng còn có những ý kiến khác nhau thì xem ra, việc đi “đường vòng”, đó là sẽ từng bước đưa những mẫu trang phục này vào trong đời sống của cơ quan chịu trách nhiệm chọn lễ phục còn lắm chông gai.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.