| Hotline: 0983.970.780

Tìm người giải oan cho Nguyễn Sỹ Lý

Thứ Năm 04/02/2010 , 14:52 (GMT+7)

Khi anh Lý ngồi tù được 5 năm thì người bạn tù vì quá thương xót cho nỗi oan khiên của anh nên đã tìm cách làm sáng tỏ sự thật.PV NNVN đã tìm đến con người đầy nghĩa hiệp đó.

NNVN đã đăng loạt bài “Gặp lại người chịu 2.000 ngày oan trái”, về trường hợp anh Nguyễn Sỹ Lý, nguyên giảng viên trường Đại học Tây Nguyên, năm 1983 về quê ăn Tết tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ Tĩnh ), bị vu oan về tội “giết người”, phải chịu án 17 năm tù giam. Thế nhưng, khi anh Lý ngồi tù được 5 năm thì người bạn tù vì quá thương xót cho nỗi oan khiên của anh nên đã tìm cách làm sáng tỏ sự thật. Nhiều bạn đọc đã liên lạc với tòa soạn để được biết về người đi tìm chân lý cho anh Lý là ai? PV NNVN đã tìm đến con người đầy nghĩa hiệp đó.

>> Gặp lại người chịu 2.000 ngày oan trái (Kỳ II)
>> Gặp lại người chịu 2.000 ngày oan trái

Trong tù thấy chuyện bất bình…

Vượt qua hơn 200 cây số đường rừng, lần mò mãi cuối cùng chúng tôi mới đến được nhà của “người vô danh” Cao Tiến Mùi.

Hai bao phân, ba năm tù

Anh Mùi thụ án 3 năm nhưng cải tạo tốt nên được giảm án 9 tháng. Nhà anh Mùi nằm phía sau trại giam số 3 (Cục V26 Bộ Công an) thuộc xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An. Chúng tôi xuất hiện bất chợt khi vợ chồng anh Mùi đang ăn dở bữa cơm trưa đạm bạc.

Anh bộ đội đánh giặc giỏi khét tiếng một thời, “Đại ca gấu đen” trong trại tù một thời, nay ngồi trước mặt tôi là người đàn ông già trước tuổi, tóc bạc, da đen sạm, khắc khổ. Có lẽ anh Mùi đoán trước việc khách lạ đến nhà hỏi việc gì nên nói: “Tôi xin các anh đừng nhắc lại làm chi nữa mà đau lòng, hãy để cho tôi và Lý được yên. Đau khổ quá lắm rồi, gợi lại mà làm chi”. Nhưng khi biết đó là đề nghị của nhiều độc giả, và vì nể chúng tôi đi vài trăm cây số đến đây, nên anh Mùi đã đồng ý kể lại câu chuyện…

Anh Mùi sinh ra tại một vùng quê nghèo khó ở xã Nghĩa Dũng. Năm 1972, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, Mùi tình nguyện khoác ba lô lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Qua 6 tháng huấn luyện, anh được điều vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Những năm tháng ác liệt ở chiến trường Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, anh Mùi nhớ lại: “Đạn nó bắn như mưa, chất độc đi - ô - xin thả trắng như rắc vôi, đi một bước là gặp mấy quả mìn, có ai nghĩ đến chuyện sống sót mà trở về. Đồng đội chết như ngả rạ, nhưng may sao tôi còn sót lại. Bom đạn nó tránh tôi nên chỉ bị rớt…thịt lại chiến trường chứ không rớt… đầu”. 

Anh Mùi - người tù nghĩa hiệp - đang xem tấm phim X quang chụp phổi vừa đi khám về

Giải phóng đất nước, năm 1975, Mùi về quê, làm công nhân nông trường ở miền Tây Nghệ An nhưng sau đó, do sức khoẻ yếu nên anh thôi việc.

Khi xuất ngũ trở về địa phương, Mùi lấy vợ, sinh hạ được 5 người con. Do ảnh hưởng chất độc da cam từ chiến trường Quảng Trị nên anh chị sinh 5 đứa con thì 3 đứa bị ảnh hưởng. Đứa con trai đầu lòng và cũng là con trai duy nhất, sinh năm 1980, bị thần kinh. Khi lên cơn, cháu đuổi đánh ngay cả người thân, bạn bè. Đứa con gái thứ hai và thứ 3 đều bị nhiễm chất độc da cam, đứa đầu to, đứa bụng lép, mắt lồi, chân tay co quắp rồi chết. May mắn cho anh chị là hai cháu gái sau cùng còn có chút lành lặn.

Anh Mùi biết số phận hẩm hiu của mình như thế nên đành chấp nhận tất cả để cố gắng tạo dựng cuộc sống cho gia đình. Chị Sự - vợ anh Mùi kể: “Khổ lắm các chú ơi! Năm 1982, cả nhà tui không có cơm mà ăn, phải chạy bữa suốt. Anh Mùi thấy cha mẹ, con cái đói quá nên đi trộm 2 bao phân đạm, bị người ta bắt. Đen đủi quá, lần ấy, ở kho đạm HTX kẻ trộm lấy mất mấy tạ, được thể người ta vu cho anh Mùi trộm toàn bộ số đạm bị mất trong kho. Anh Mùi phải nhận với số đạm lên đến hàng tạ. Thế là họ mở phiên toà xét xử tuyên phạt anh Mùi 3 năm tù giam”.

Từng không tin Lý

Kể đến đoạn đi tù, nước mắt chị Sự lăn dài trên gò má nhăn nheo. Còn anh Mùi mắt nhìn lờ đờ ra ngoài phía sân như để lục lại trí nhớ kể với chúng tôi: Tôi có vào tù thì mới được gặp Lý. Có lẽ duyên kỳ ngộ này cũng do ông trời sắp đặt. Nói thật, án người ta tuyên rồi, tôi không gặp Lý, coi như đời Lý toi luôn! 

Chiếc giường xiêu vẹo vừa dùng để nằm vừa dùng để đồ đạc

Khi ở tù, tôi căm ghét những tay hay bóc lột trấn nạt kẻ khác, nhất là cướp của nhau từng miếng ăn. Không chịu nổi, tôi đã đánh bọn hay ăn chặn mấy trận nhừ tử. Từ đó, tôi được suy tôn là “Đại ca gấu đen” và được cán bộ giao cai quản một số phạm nhân nặng tội, kiểu dùng độc trị độc. Thế nhưng cũng nhiều lần tôi phải chuyển từ phòng này sang phòng khác, bởi đánh trọng thương mấy thằng. Một lần, tôi đánh một tên bị thương nặng, phải đi cấp cứu nên cán bộ chuyển tôi sang phòng số thứ 3 (phòng mang án về tội giết người). Với dáng vóc oai phong lẫm liệt của một hảo hán, ngay hôm đầu, mặc dù chân bị xiềng một chỗ nhưng tôi đã triệu tất cả phạm nhân trong tù đến “hỏi cung”.

Đến lượt Lý, trong lúc Lý đang quằn quại và sốt cao vì vết thương ở bụng do bị đánh, nhưng khi đại ca Mùi triệu, Lý cố gượng dậy để thưa chuyện. Tôi đập mạnh tay xuống nền nhà như ra lệnh cho Lý phải khai báo thành khẩn. Lý khóc và kể về nỗi oan của mình. Tôi nghe, thấy rất thương nhưng nghĩ rằng Lý nói dối. Tối đó, tôi nạt Lý và vẫn cho Lý ngủ đợi đến sáng mai bắt kể tiếp. Mờ sáng mở mắt ra, Lý vừa kể vừa khóc oà lên, một lần nữa tôi khẳng định những điều Lý kể là đúng và Lý hoàn toàn bị oan. Tôi ôm lấy Lý, nước mắt cứ rơi lã chã. Chúng tôi ôm nhau mà khóc nức nở. Tôi khóc thương cho Lý một con người vô tội mà phải vào tù; đồng cảnh với mình, lấy hai gói đạm mà bị ép lấy cả tạ để rồi lãnh án 3 năm tù giam... Tôi hứa, khi ra tù sẽ cứu Lý …

Vì vậy khi ra trại, nghĩ về gia đình một phần nhưng nghĩ về Lý nhiều hơn. Tôi thương cho Lý, một giảng viên đại học đang trong thời kỳ làm luận án nghiên cứu sinh, bỗng tai hoạ ập đến, giáng lên đầu một bản án cay nghiệt 17 năm tù giam. Liệu Lý có sống nổi? Tình thương ấy đã thôi thúc tôi phải tìm ra công lý.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất