| Hotline: 0983.970.780

Tìm người trong ảnh sau hơn 40 năm: Những đứa trẻ Việt Nam xa lạ

Thứ Hai 06/04/2015 , 06:20 (GMT+7)

Một người Mỹ, vì muốn biết thêm về cái chết của anh trai tham chiến tại Việt Nam, đã lặn lội tìm lại những đứa trẻ người Việt xa lạ trong loạt ảnh lưu niệm xưa của một lính Mỹ từng ở Việt Nam thời gian ấy.

Và cuối cùng họ đã gặp được nhau với bao cảm xúc. Ngay sau khi những bức ảnh được chụp, những cậu bé được đưa di tản khỏi ngôi làng. Gần nửa thế kỷ sau, liệu những cựu binh Mỹ có tìm lại được chúng?

Năm ấy Larry Johns 14 tuổi. Một hôm, khi đang trong phòng tập thể dục của trường, cậu được tin anh trai đã chết. Lúc ấy là tháng 9/1969. Tổng thống Nixon mới nhậm chức, hứa sẽ kết thúc cuộc chiến vô cùng khác thường đang diễn ra ở Việt Nam. Nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và những người phản đối tổ chức những cuộc tuần hành lớn trên đường phố và trong khuôn viên các trường đại học.

Jeff, anh trai Larry trước đó đã được phái sang Việt Nam, phiên chế vào một đơn vị trinh sát, đóng quân cách Sài Gòn khoảng 50km về phía tây bắc, với nhiệm vụ kết thúc cuộc chiến. Chỉ 5 tháng sau khi rời Mỹ đến Việt Nam, Jeff đã trở về nhà trong một chiếc hòm bằng thiếc phủ quốc kỳ Mỹ.

“Đó là một vụ tai nạn”, hơn 40 năm sau, Larry nói về cái chết của anh trai. “Nhưng những tai nạn kiểu đó thường xuyên xảy ra”.

Sau khi phục vụ trong hải quân và rồi nhảy vào lĩnh vực xuất bản sách, Larry bắt đầu công việc tìm kiếm những cựu binh trong cùng đơn vị với anh trai mình. Quân đội Mỹ gần như giữ im lặng hoặc từ chối nói chi tiết về những gì đằng sau cái chết của Jeff. Do vậy, Larry đã phải tự mình làm điều ấy. Ông sưu tập những tấm ảnh, tìm kiếm các thông tin liên quan.

Dần dần, ông biết được sự thật: Jeff, năm đó 19 tuổi, thuộc một nhóm binh sỹ được cử ra vòng ngoài của căn cứ đặt khối thuốc nổ gần 20kg nhằm ngăn chặn quân Việt Cộng. Nhưng những khẩu pháo trong căn cứ liên tục nhả đạn, tạo ra nguồn tĩnh điện mạnh, vô tình kích hoạt khối thuốc nổ, giết chết tám quân nhân Mỹ. Các đoạn chân, tay và mảnh quần áo văng tứ tung khắp doanh trại. Chỉ có hai trong tám thi thể là còn tương đối lành lặn. Một trong tám người chết là Jeff.

Trong cuộc tìm kiếm các đồng đội của Jeff, những người có thể cho ông biết thêm nhiều chuyện, Larry đã xem những tấm ảnh của một sỹ quan quân y trẻ tuổi tên là Bob Shirley. Bob cũng ở cùng đơn vị với Jeff.

“Tính đến thời điểm này, đó là những bức ảnh tốt nhất tôi được thấy, liên quan đến Jeff thời kỳ ở Việt Nam. Chúng được giữ gìn cẩn thận và là những bức ảnh màu”, Larry nói. Trong số này, có một nhóm ảnh về trẻ em Việt Nam.

“Tôi tự hỏi bây giờ họ (những đứa trẻ trong ảnh) ở đâu. Họ có sống sót không? Tôi không biết bọn trẻ có mối liên hệ nào với anh trai tôi ở đó không. Và có lẽ đó là lý do tôi muốn biết những đứa trẻ trong ảnh còn sống hay không”.

Larry đã liên lạc với Bob, in một số ảnh và bay qua Việt Nam, tới lại địa điểm Jeff đóng quân ngày xưa, được gọi là Chơn Thành. Larry hy vọng tại đây ông có thể tìm thấy ai đó, hoặc phát hiện được điều gì đó.

Chơn Thành chỉ cách trại Firebase Gela, nơi Jeff thiệt mạng, vài dặm về phía bắc. Trong trại, lính Mỹ dựng một lều bạt để cứu chữa thường dân Việt Nam. Một ngày tháng 10/1969, Bob Shirley có cơ hội hiếm hoi được chụp ảnh và nói chuyện với người dân địa phương. Là người đam mê nhiếp ảnh từ lâu, Bob chụp đủ thứ, từ cuộc sống trong trại đến những cảnh tượng sau mỗi lần giao tranh với đối phương. Bob sử dụng một máy ảnh 35mm rẻ tiền anh nhặt được ở đâu đó.

Trước khi Larry tới Chơn Thành để tìm lại bọn trẻ ngày xưa, không cựu binh Mỹ nào biết ngay sau khi Bob chụp ảnh lũ trẻ, cả làng đã dời đi nơi khác. Cuộc tìm kiếm bọn trẻ trong ảnh của Larry kéo dài vài năm. May mắn thay, Larry gặp được người đàn ông tên Thế, người có khả năng nhớ hình ảnh rất tốt. Và Thế cũng là một trong những đứa trẻ mà Bob đã chụp ảnh.

unh-214244981
Những đứa trẻ ở Chơn Thành. Thế đội mũ, mặc áo kẻ ở giữa (ảnh Bob Shirley)

Có lần đi dự đám cưới, Thế nhìn thấy tờ bướm của Larry về chuyện tìm lại người trong ảnh và quyết định đưa Larry đi gặp 16 đứa trẻ mà Bob đã chụp hàng chục năm trước.

Một trong những tấm ảnh có hình ảnh cô bé Sa nhìn lo lắng vào ống kính máy ảnh, mái tóc cắt ngang trán của cô bay lất phất trong gió. Em trai cô bé, Lộc, đứng bên cạnh chị, đang sốt ruột chờ được chữa trị bàn chân bị thương. Đó là bức ảnh yêu thích của Bob. Với sự giúp đỡ của Thế, Larry tìm lại được Sa, nay đã luống tuổi. Nhìn thấy tấm ảnh, bà Sa bật khóc.

nh-1142448904
Sa và em trai (ảnh: Bob Shirley)

“Khi ấy tôi chỉ là đứa trẻ nhỏ”, bà nói, tại vườn thanh long gia đình ở gần Phan Thiết, nơi bà sống với chồng con. “Hồi đó sáng sáng tôi đi học, còn chiều thì ghé vào trại, nơi người ta hay cho tôi đồ ăn”.

Một ngày ở trong trại, vài thùng đạn phát nổ và chân Sa dính một viên đạn lạc, tàn tật suốt phần đời còn lại. Sa được các bác sỹ Mỹ phẫu thuật nhưng không bao giờ bình phục hoàn toàn. Kết thúc chiến tranh, một số năm sau, Sa kết hôn và có ba con, cũng sống gần trang trại của gia đình. Nhưng bà vẫn thường xuyên phải chịu các cơn đau. “Chân tôi vẫn nhức và khi muốn đứng lên, tôi phải nhờ người khác giúp”.

(Theo The Guardian, International Business Times)

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Bình luận mới nhất