| Hotline: 0983.970.780

Tìm sinh kế mới giúp ngư dân sau sự cố môi trường do Formosa

Thứ Sáu 22/07/2016 , 08:14 (GMT+7)

Nhằm giúp bà con ngư dân vùng biển Quảng Trị ổn định sinh kế lâu dài trước ảnh hưởng của sự cố môi trường do Formosa gây ra, báo NNVN có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT về nội dung này.

Theo đó, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã phối hợp với 4 huyện có biển nghiên cứu tìm giải pháp và triển khai các mô hình sản xuất mới cho 16 xã ven biển.

07-38-51_gii-php-1-ong-vo-vn-hung-gd-so-nn-ptnt-qung-tri
Ông Võ Văn Hưng

 

Xin ông cho biết những mô hình sản xuất nào phù hợp được ngành nông nghiệp phối hợp bà con nông dân vùng biển chủ động triển khai trong thời gian qua?

Trước sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, ngày 21/6/2016, Sở NN-PTNT đã ban hành quyết định thành lập Tổ xây dựng Đề án ổn định và phát triển sinh kế cho người dân ven biển bị ảnh hưởng của hiện tượng cá chết do ô nhiễm môi trường.

Tổ xây dựng Đề án tập hợp những chuyên gia đầu ngành trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, phối hợp với 4 huyện, về tận cơ sở nắm bắt thực tiễn và nhu cầu của người dân tại 14 xã và 2 thị trấn ven biển, đề xuất những giải pháp kịp thời, cùng dân triển khai xây dựng các mô hình sản xuất, tiến đến tổng kết các mô hình sản hiệu quả để khuyến khích người dân phát triển sinh kế.

Đến nay, tuy thời gian thực hiện mới được 3 tháng nhưng đã có một số mô hình thành công và khẳng định thích nghi với vùng đất cát ven biển, cần được bà con nông dân chủ động triển khai nhân rộng.

Điển hình như mô hình trồng ném, kiệu, hành trên đất cát ở xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong và xã Hải An, huyện Hải Lăng. Mô hình trồng các giống khoai lang mới, mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh và xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Mô hình trồng mướp đắng, mô hình trồng đậu đen xanh lòng ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Mô hình trồng đậu xanh tằm ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Mô hình trồng tỏi tía, cà rốt tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Mô hình trồng cỏ nuôi bò ở xã Hải An, huyện Hải Lăng. Mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp lợn, gà, các mô hình VAC, VACR…

07-38-51_gii-php-2
Mô hình sản xuất đậu đen xanh lòng ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong

 

Đây là những mô hình trồng trọt đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân cũng như khai thác tiềm năng, lợi thế ở các xã ven biển cần được chính quyền địa phương và người nông dân quan tâm, mở rộng sản xuất.

Cùng các mô hình trồng trọt, ở Quảng Trị ngoài những ngư dân vay vốn đóng tàu theo NĐ 67, còn nhiều ngư dân muốn vay vốn đóng mới tàu khai thác xa bờ sau sự cố môi trường. Con số tàu muốn đóng mới này sẽ là bao nhiêu chiếc, thưa ông?

Thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới và 89 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp tàu cá.

Hiện đã có 19 tàu cá đóng mới và 39 tàu nâng cấp được các ngân hàng ký kết hợp đồng vay vốn đúng trình tự qui định. Đến nay đã hạ thủy, bàn giao và đưa vào hoạt động 4 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ; 39 tàu nâng cấp và mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Sau sự cố môi trường biển, Sở NN-PTNT đã kịp thời cử cán bộ về tại các xã ven biển để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của ngư dân. Kết quả cho thấy trong tổng số 2.826 tàu thuyền hoạt động khai thác ven bờ thì có nhiều ngư dân mong muốn được đóng tàu mới có công suất lớn để vươn khơi bám biển.

Theo báo cáo từ các xã, thị trấn ven biển, nhu cầu đóng mới tàu đánh cá xa bờ của ngư dân khoảng 50 đến 70 chiếc, trong đó loại tàu trên 400 CV là 20 chiếc, từ 90 CV đến dưới 400 CV là 50 chiếc với tổng số vốn đầu tư khoảng trên 700 tỷ đồng.

Đa số bà con ngư dân thuộc vùng bãi ngang, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, họ rất cần tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi đặc thù để có thể cải hoán, chuyển đổi tàu cá từ khai thác ven bờ sang xa bờ.

Sở NN-PTNT đang hoàn thiện Đề án hỗ trợ chuyển đổi, phát triển sinh kế cho người dân ven biển, trong đó sẽ đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với người dân ven biển bãi ngang chịu ảnh hưởng của hiện tượng cá chết do ô nhiễm môi trường ngoài các quy định của Nghị định 67/CP hiện hành.

Một điều rất khó khăn đó là dạy nghề cho ngư dân vùng biển chuyển đổi sinh kế. Ngành nông nghiệp đã có kế hoạch gì để chuẩn bị đội ngũ dạy nghề đủ mạnh đáp ứng mong muốn được học nghề mới của ngư dân?

Một trong những đặc điểm nổi bật của lao động ngư nghiệp là họ chỉ có một nghề đi biển, độ tuổi lao động bình quân cao, trình độ học vấn hạn chế… Đó là một trong những thách thức lớn đối với việc dạy nghề, chuyển đổi nghề cho lao động vùng biển trong thời điểm hiện nay.

Với tổng số hơn 8.000 lao động liên quan đến ngư nghiệp, chiếm hơn 20% tổng số lao động của 14 xã và 2 thị trấn ven biển. Việc chuyển đổi nghề nghiệp, tìm sinh kế cho ngư dân vùng biển được dự báo là việc làm hết sức khó khăn nên cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Để đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân, cần phải có giải pháp toàn diện và lâu dài. Theo ông đâu là những giải pháp này?

Cụ thể, trước tiên cần phải đầu tư, huy động kinh phí xây dựng, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng biển, trong đó tập trung nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú thiên tai, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá, khu dân cư ven biển và trên đảo để ngư dân có điều kiện phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quy hoạch phát triển các loại tàu, thuyền đánh bắt cá xa bờ với công nghệ hiện đại. Nhà nước cần ban hành chính sách tín dụng đặc thù để tập trung đầu tư, hỗ trợ nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của ngư dân, đảm bảo ngư dân tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và có điều kiện trả vốn vay hợp lý. Cần thiết lập mô hình “quỹ tín dụng ngư dân” trong hệ thống các ngân hàng nhằm giúp ngư dân có thêm sự an tâm trong việc vay vốn và trả vốn vay.

Giải pháp quan trọng khác là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản với ngư dân.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm