| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 29/03/2020 , 06:20 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:20 - 29/03/2020

Tìm về

Em và chị gái của em sống với ông bà ngoại từ khi mẹ có người đàn ông khác.

Mẹ đẹp, bà ngoại nói tại vì mẹ bây đẹp nên ba của tụi bây mới bị khờ. Chuyện đó sau này em mới cảm thấy và so sánh bằng những giác quan của mình. Bởi vì mẹ đã mang em đi khỏi Việt Nam khi em còn trong bụng của mẹ.

Mãi sau này, rất lâu sau này ba mới sang đất Mỹ để em lầm đầu nhìn thấy ba bằng xương bằng thịt. Và đúng như ông bà ngoại mô tả, đúng như em mơ hồ: mẹ rời bỏ ba vì mẹ quá đẹp.

Câu chuyện của gia tộc nào của Việt Nam cũng dài như tiểu thuyết. Ông ngoại đi diện hắt-ô, sau rồi dắt díu vợ và con, khi ấy em còn quẫy đạp trong bụng mẹ.

Ngoại lý giải vì sao bỏ ba lại, rằng mẹ con không muốn đưa ba theo, đơn giản vậy thôi. Vì vậy mà mẹ nhanh chóng có người đàn ông mới trên đất mới. Mẹ đẹp, dễ sinh sản, mẹ đẻ liền tù tì với người mới hai đứa trẻ mới.

Ông bà ngoại làm đủ thứ việc trên đất mới để có tiền cho bốn con người, để hai chị em của em không thiệt thòi hơn nữa. Thứ tiếng của bọn mày líu lô kỳ quặc, bọn mày không biết sao, những đứa bé da trắng da đen ở cùng khu dân cư luôn chế nhạo như vậy với hai đứa con gái vàng vàng mắt đen tóc đen.

Có bà ngoại nên chị và em không phải đi mẫu giáo, đến khi vào tiểu học mới biết mình mù chữ, cả hai thứ tiếng đều nói được chứ không biết viết ra làm sao.

Nhưng rồi, chữ của tiếng Anh đã ùa vào em, như bướm với cành, không trở ngại gì cả, chấp chới, chấp chới.

Những người Việt ở giảng đường đại học nói với em thứ tiếng Việt khác với ông bà ngoại và mẹ. Khi ấy em mới biết gốc gác của mình là một vùng quê, nơi người nông dân ăn nói thật thà, đầy những chữ mà Sài Gòn và Hà Nội cười mỉm.

Em hy vọng khi ba sang được bên này thì tiếng Việt của hai chị em sẽ khác. Nhưng ba không có gì khác so với ông bà ngoại và mẹ.

Lúc này mẹ đã bỏ rơi người cha của hai đứa con sau này của mẹ nhưng mẹ và ba không trùng phùng. Bởi vì mẹ vẫn đẹp mà ba vẫn không dứt u mê trong bủa vây của sự đẹp đó.

Chị lấy chồng, chị ôm lấy cuộc đời dở dang của ba để oán thán nhiều thêm. Em không phải gánh vác như chị, em sống như mơ ước của mình: học lên, lấy chồng có vị trí cao và khi đó, em sẽ dành thời gian còn thanh xuân cho đam mê văn chương nghệ thuật.

Và em đã tìm về với cội nguồn tiếng Việt để xem vì sao người miền Tây không nói tiếng Việt như Sài Gòn, như Hà Nội. Em thấy tố chất cá hồi ở trong em, em biết rằng em phải ngược dòng để được đắm mình trong dòng nước ấy và sinh nở.

Ôm nhau ở sân bay em tự vấn mãi rằng, để chồng lại Mỹ, mình đi như vầy có nên không, có đúng không? Bịn rịn đến mức em gạt nước mắt để quay đi.

Khi đã vào đến sảnh chờ giữa rất nhiều tiếng Việt em bỗng thấy chồng vừa trượt khỏi tim em rất nhanh, mọi thứ vây quanh em đây thật gần gũi, xao động, tuyệt vời.

Cứ thế em bị cuốn trong dòng nước ngược ấy, lên gềnh và lên thác, em quẫy đuôi, em tung tăng, em choáng ngợp, miên man.

Tất cả các giác quan được huy động để em biết rằng từng khoảnh khắc này sẽ được lưu giữ, cho chính đam mê mà vì nó, em đã rời chồng để tìm về.

Sài Gòn quá dễ thương. Nghe mới biết người ta không gọi hủ qua như ông bà ngoại và mẹ đã từng, khổ qua, rồi khổ sẽ qua, nó trong từ điển tiếng Việt đây nè, cô giáo nhẹ nhàng thuyết phục em nói cho đúng ở những buổi học đầu tiên. Cá rô, con cá rô, ngôi trường, trời trong xanh, lưu ý chính tả và chữ cần đẹp, nhé.

Nhìn cô đây, cong cái lưỡi lên, dọn cái môi khi nói, người có học phải phát âm cho chuẩn, nhé. Vậy bao giờ em mới có thể viết văn và làm thơ bằng tiếng Việt được, chắc hết đời hả cô? Vậy năm nào em cũng có thể xa chồng chừng ba tháng để về với Việt Nam và trau dồi tiếng Việt, héng cô?

Em ra Hà Nội, em khám phá và sung sướng. Em không ngờ đất nước lại tươi đẹp như vậy, quá nhiều nơi đẹp quá nhiều món ngon. Em sẽ rất tự hào làm guide cho chồng mình, một người Mỹ chưa một lần đến quê vợ.

Nhưng đại dịch ập xuống như cơn bão, mọi thứ đổi thay chóng mặt. Chồng phải hủy vé, em phải về vì bây giờ sự cách trở vợ chồng luôn xiết lấy em.

Em buồn rầu ra đi, lần này là đi chứ không phải về. Về, Việt Nam sẽ là nơi em gọi là về, như con cá hồi với bãi đẻ trong bộ gene của nó. Em hứa với cô giáo em sẽ về lại với tất cả niềm mong nhớ rằng, em sẽ về.

Chào nhé, em đọc lưu loát từng từ tiếng Việt dọc hai bên đường ra sân bay, không hề gì, tiếng Việt của ông bà ngoại dù chưa hoàn chỉnh nhưng chính nó đã làm nên tố chất Việt ở em, không nghi ngờ gì nữa.