| Hotline: 0983.970.780

Khi nông dân quen dùng thẻ thấu chi

Tín dụng đen sẽ bị đẩy lùi

Thứ Tư 17/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Trong khi nhiều người dân thành thị vẫn chủ yếu dùng tiền mặt, thì ở nhiều vùng nông thôn, nông dân đang thanh toán qua thẻ hàng ngày một cách thuần thục.

Anh Nguyễn Công Bằng thanh toán tiền mua phân, thuốc tại đại lý Văn Hùng bằng thẻ thấu chi. Ảnh: Thanh Sơn.

Anh Nguyễn Công Bằng thanh toán tiền mua phân, thuốc tại đại lý Văn Hùng bằng thẻ thấu chi. Ảnh: Thanh Sơn.

Đẩy lùi tín dụng đen

Chúng tôi có mặt tại cửa hàng Bình An trên đường Huỳnh Công Thân, thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An vào một chiều lất phất mưa. Biển bên ngoài đề là cửa hàng, nhưng gọi là siêu thị mini thì đúng hơn, bởi hàng hóa đủ loại, chủ yếu là thực phẩm, hàng tiêu dùng…, được để trên từng dãy kệ, khách hàng tha hồ vào lựa chọn hàng hóa cần thiết, rồi ra tính tiền ở quầy.

Trên quầy thu ngân, có cái máy POS (thiết bị thanh toán bằng thẻ) cầm tay, được khá nhiều khách hàng sử dụng. Điều khiến cho chúng tôi đặc biệt chú ý là nhìn qua cách ăn mặc của những người dùng thẻ, dễ dàng nhận thấy phần nhiều trong số họ là công nhân hay nông dân trong vùng.

Bà Trần Thị Thu Hồng, chủ cửa hàng Bình An, xác nhận, trong vùng có nhiều công nhân làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp. Mỗi khi đi mua sắm, công nhân thường phải mất nhiều thời gian đi tới các cây ATM để rút tiền.

Thấy vậy, bà Hồng đã chủ động liên hệ với Agribank Chi nhánh huyện Đức Hòa, đề nghị cấp cho một máy POS để khách hàng thanh toán qua thẻ.

Từ đó, nhiều khách hàng khi tới mua sắm ở cửa hàng Bình An, đã quẹt thẻ thay vì dùng tiền mặt mỗi khi đến mua sắm ở đây. Nhiều nông dân ở các xã lân cận cũng đã thanh toán qua thẻ khi đến mua sắm ở cửa hàng Bình An.

Có mặt tại cửa hàng Bình An, anh Mai Văn Thanh là một nông dân ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, Long An, cho biết, gia đình anh đang canh tác 2 ha rau các loại. Trồng rau mùa vụ quanh năm, lại trên một diện tích không nhỏ, nên tháng nào cũng có tiền ra, tiền vào tới 50-60 triệu đồng.

Mỗi lần đi mua phân bón, thuốc trừ sâu..., anh Thanh đều phải mang theo khá nhiều tiền, nên thường có tâm trạng lo lắng vì sợ bị rơi mất.

Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, anh không còn phải mang theo nỗi lo ấy bởi đã có trong ví cái thẻ thấu chi của Agribank với hạn mức 30 triệu đồng. Với cái thẻ ấy, anh Thanh chỉ cần quẹt qua máy POS tại một số cửa hàng, đại lý trong vùng, là đã thanh toán được ngay tiền mua hàng hóa, phân bón hay thuốc trừ sâu.

Không chỉ ở Đức Hòa, nông dân ở nhiều vùng nông thôn đang quen dần với việc sử dụng thẻ thấu chi do Agribank phát hành.

Anh Nguyễn Công Bằng, nông dân ở ấp 1, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, Long An, cho hay, nhà anh hiện đang sản xuất 1 ha tắc (quất) và 2 ha lúa, nên thường xuyên phải mua phân bón, thuốc BVTV.

Từ khi có thẻ thấu chi, anh đã thoát khỏi nỗi lo khi phải mang nhiều tiền trong người mỗi khi đi mua các loại vật tư này, nhất là những khi ra thăm ruộng không tiện mang theo nhiều tiền trong người.

Ông Võ Thanh Toán, chủ đại lý phân bón An Phú ở thôn Hiệp Cường, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận, cũng đã trang bị một máy POS cầm tay tại cửa hàng.

Qua một thời gian dùng máy POS để khách hàng thanh toán qua thẻ thấu chi, ông Toán đánh giá cao hình thức thanh toán này, vì giúp cho nông dân khi đi mua phân bón không cần phải lặn lội đi tìm cây ATM để rút tiền hoặc mang theo một khoản tiền lớn trong người.

Quan trọng hơn, việc phát hành thẻ thấu chi ở khu vực nông thôn đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Ông Nguyễn Tiến Trực, Phó Chủ tịch HĐND thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), chia sẻ, chính quyền thị trấn vẫn thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân không vay mượn từ tín dụng đen.

Nhưng người dân thường có những khoản chi bất chợt như mua thêm phân bón, thuốc trừ sâu, đóng viện phí hay mua thuốc men khi ốm đau, đóng tiền học cho con cái…, mà không phải lúc nào họ cũng có sẵn tiền mặt trong nhà, nên nhiều lúc phải vay mượn chỗ này, chỗ nọ, thậm chí vay lãi cao.

Từ khi có thẻ thấu chi của Agribank, nhiều người dân trong thị trấn đã sử dụng thẻ để thanh toán cho những khoản chi đó mà không cần phải vay tín dụng đen.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ thấu chi của Agribank tại cửa hàng Bình An, thị trấn Hậu Nghĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ thấu chi của Agribank tại cửa hàng Bình An, thị trấn Hậu Nghĩa. Ảnh: Thanh Sơn.

Còn theo bà chủ đại lý Văn Hùng ở ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, Long An, nông dân khi ra đồng thường không mang theo tiền.

Khi thấy cần phải mua ngay phân bón hoặc thuốc trừ sâu để xử lý cho cây trồng, họ thường phải mua chịu phân, thuốc hay vay ngoài với lãi suất cao. Nhờ có thẻ thấu chi, nhiều nông dân đã có thể thanh toán ngay tiền mua phân, thuốc mà không cần phải vay lãi cao nữa.

Đề án mang lại hiệu quả cao

Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank (gọi tắt là Đề án dịch vụ thẻ) được triển khai từ tháng 9/2019.

Mục đích của Đề án là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, góp phần gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, Đề án nhằm cung cấp nguồn vốn dự phòng cho nông dân để chi tiêu trong những trường hợp khẩn cấp nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn…

Đến nay, sau 8 tháng triển khai trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, Đề án dịch vụ thẻ đã bước đầu phát huy hiệu quả với kết quả cụ thể: Số lượng thẻ phát hành gần 75.500 thẻ và gần 1.732 POS được lắp đặt mới,  hạn mức thấu chi đã cấp trên 300 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đạt 214 tỷ đồng.

Hiện nay, tại địa bàn nông thôn trên toàn quốc, có khoảng hơn 5.000 POS của Agribank, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí…), các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản và các tiệm tạp hóa. Trong thời gian tới, Agribank kỳ vọng sẽ tiếp tục trang bị, mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với bà con, đơn giản hóa các khoản chi tiêu, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy lùi tín dụng đen tại địa bàn nông thôn.

Nhiều Chi nhánh thuộc hệ thống Agribank đã làm rất tốt việc phát hành thẻ thấu chi.

Chẳng hạn, sau 8 tháng thí điểm triển khai, Agribank Chi nhánh tỉnh Long An đã phát hành được hơn 3.500 thẻ với số tiền cam kết thấu chi là hơn 100 tỷ đồng. Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã phát hành được 2.523 thẻ, với số tiền cam kết thấu chi là gần 76 tỷ đồng…

Một điểm chung của những Chi nhánh này làm tốt việc phát hành thẻ thấu chi là đã huy động nhiều kênh phát hành, nhất là mạng lưới các các tổ vay vốn.

Ông Huỳnh Tấn Nam, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, cho biết, trên địa bàn đang có 2.307 tổ vay vốn, được hình thành từ sự liên kết của Agribank với Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh…

Khi triển khai Đề án dịch vụ thẻ, cán bộ tín dụng của các chi nhánh cấp huyện đã vận động và hướng dẫn cho các tổ trưởng, tổ phó tổ vay vốn trên địa bàn sử dụng thẻ thấu chi.

Khi đã sử dụng thành thạo, thường xuyên và thấy được lợi ích lớn của loại thẻ này, các tổ trưởng, tổ phó đã tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bà con trong tổ sử dụng thẻ.

Bên cạnh đó, các chi nhánh cũng tích cực làm việc với các hội, tổ chức xã hội để tuyên truyền, quảng bá cũng như cập nhật được thông tin của các đối tượng khách hàng phù hợp, qua đó, triển khai Đề án một cách hiệu quả.

Đánh giá về hiệu quả của Đề án dịch vụ thẻ, theo ông Huỳnh Tấn Nam, thực tế cho thấy thẻ thấu chi rất có lợi cho cả người nông dân và ngân hàng. Có thẻ thấu chi, nông dân giải quyết được những chi phí phát sinh, cấp bách.

Về phía Agribank, việc phát hành thẻ sẽ giúp cho ngân hàng quản lý tốt hơn dòng tiền cho vay, nắm được thu nhập của khách hàng...

Về mặt xã hội, thẻ thấu chi đã và đang góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở nhiều vùng nông thôn. Vì vậy, về lâu dài, Đề án dịch vụ thẻ sẽ phát triển ổn định, mang lại hiệu quả cao về nhiều mặt.

Ông Nguyễn Kim Thài, Giám đốc Agribank Chi nhánh Long An, cũng đánh giá cao Đề án dịch vụ thẻ, vì đã giúp cho nhiều nông dân ở Long An, dù đang thiếu tiền mặt, vẫn thanh toán được ngay các chi phí như chữa bệnh, mua phân, thuốc, tiền điện, nước…, mà không phải đi vay nóng với lãi suất cao.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất