| Hotline: 0983.970.780

Tín hiệu vui ở xã vùng sâu

Thứ Tư 08/01/2020 , 09:04 (GMT+7)

Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) là xã có dân số đông với 13.880 người.

15-22-38_duong_vo_tt_c_cc_thon_buon_deu_d_duoc_nhu_ho_be_tong_ho_duong_noi_vung_buon_kho
Đường vào tất cả các thôn, buôn đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa (đường nội vùng buôn Khóa).

Địa bàn rộng, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế, đường giao thông ở Cư Pui đã được quan tâm đầu tư, xây dựng. Trong hơn 5 năm qua, hơn 40 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học, trạm y tế; 79 tỉ đồng đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa gần 50 km các đường trục xã, trục thôn, buôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng.

Đạt được kết quả này, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, người dân ở đây đã chung tay xây dựng nông thôn mới. Tính từ năm 2014 đến nay, người dân Cư Pui đã hiến 70 ngàn m2 đất, 879 cây cà phê, nhiều diện tích hoa màu, hơn 4 ngàn ngày công và gần 3 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới.

Ông Hùng Xuân Thành, bí thư chi bộ, trưởng thôn Cư Tê cho biết: “Đồng bào H’mông ở đây tuy còn khó khăn nhưng khi chính quyền vận động hiến đất, đóng góp tiền bạc, ngày công để làm trường học, làm đường giao thông họ đều ủng hộ. Vừa qua người dân thôn Cư Tê đã hiến gần 30 ngàn m2 đất, 52 cây cà phê, 30 triệu đồng và 25 ngày công để làm đường vào đội 4 mà không phải đền bù”.

Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở Cư Pui đem lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng ở nhiều thôn, buôn. Điển hình phải kể đến mô hình trang trại nuôi heo của một số hộ dân ở buôn Blắk, thôn Ea Lang; mô hình nuôi trâu, bò nhốt ở thôn Điện Tân, thôn Ea Lang, thôn Ea Uôl, thôn Cư Rang đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đặc biệt thôn Ea Rớt là thôn khó khăn nhất của xã Cư Pui đã lập được mô hình “Ngân hàng bò” do một số nhóm thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh tặng với số lượng lên đến gần 50 con. Ngoài ra, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ người dân thôn Ea Rớt 39 con bò, người dân tự mua bằng vốn tự có, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 100 con trâu, bò. Do được chăm sóc cẩn thận, nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò phát triển rất tốt. Nhiều bò mẹ hiện nay đã chuyển giao đến gia đình thứ 3 nuôi.

15-22-38_dn_bo_cu_thon_e_rot_hien_ny_d_len_den_gn_200_con
Đàn bò của thôn Ea Rớt hiện nay đã lên đến gần 200 con.

Ông Dương Văn Pùa, người dân thôn Ea Rớt phấn khởi: “Gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ được hỗ trợ 1 cặp bò từ “ngân hàng bò” và mượn tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm 1 con nữa. Đến nay bò con đã lớn nên mình trả bò mẹ cho người khác nuôi. Hiện nay cả 2 con bò đều phát triển rất tốt. Mình cố gắng chăm sóc để nhân thêm đàn bò có vốn phát triển kinh tế, mong muốn sớm thoát nghèo”.

Mô hình trồng cây ăn quả diện tích 10 ha cam, quýt của gần 30 hộ dân ở thôn Dhung Knung, thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/ha bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại cây trồng này hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Nhiều thôn, buôn đã đến học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng. Đặc biệt, vừa qua nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất hơn 100 tấn/ngày, đặt tại buôn Khóa đã đi vào hoạt động, giúp cho hơn 1.200 ha sắn của nông dân xã Cư Pui có đầu ra ổn định.

Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và đã đem lại hiệu quả. 2 mô hình điểm về thôn, buôn văn hóa; xây dựng được 8 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để mua đất; các thôn, buôn đã có sân chơi thể thao; xây dựng 12 cổng chào thôn, buôn (mỗi chào cổng trị giá 25 triệu đồng); 6/13 thôn buôn đã có điện đường chiếu sáng ban đêm với chiều dài hơn 20 km; 7/13 thôn, buôn tổ chức gom rác tập trung…

Hiện nay xã Cư Pui đã có 6 thôn, buôn được công nhận thôn, buôn văn hóa. Ama Ku người dân buôn Khanh tâm sự: "Đường sá trong buôn bây giờ đi lại dễ dàng, không lầy lội như ngày xưa nữa vì đã được bê tông hết rồi. Ban đêm đèn đường chiếu sáng suốt đêm giống như thành phố vậy".

15-22-38_diem_truong_tieu_hoc_cu_pui_2_moi_duoc_xy_dung_voi_kinh_phi_gn_15_ti_dong
Điểm trường Tiểu học Cư Pui 2 mới được xây dựng với kinh phí gần 15 tỉ đồng.

Ngoài ra, Cư Pui đã tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch văn hóa. Là căn cứ cách mạng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều nét văn hóa truyền thống còn lưu giữ như hang đá lịch sử Đắk Tuôr, thác Đắk Tuôr, sản phẩm rượu cần truyền thống A Mí Rin, lễ hội Văn hóa cồng chiêng của đồng bào M’nông, Ê Đê, lễ hội các dân tộc phía Bắc với nhiều trò chơi dân gian như chọi trâu, chọi bò, ném cù, ném còn… thu hút hàng ngàn du khách đến vào mỗi dịp Xuân về. Hiện nay Cư Pui đang xây dựng điểm du lịch Homestay tại buôn Đắk Tuôr.

Cư Pui mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí rất khó đạt. Song những kết quả bước đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Việc xây dựng nông thôn mới ở Cư Pui đã có nhiều khởi sắc. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả về trồng trọt, chăn nuôi; phát huy tinh thần tự giác chung tay xây dựng nông thôn mới của người dân; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả các nguồn vốn để hoàn thành các tiêu chí còn lại”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm