| Hotline: 0983.970.780

Tín hiệu vui trên vùng cao su Hà Giang

Thứ Ba 18/03/2014 , 11:38 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 3/2014, chúng tôi trở lại Hà Giang và phấn khởi thấy 3 giống cao su chịu lạnh được trồng lại năm 2010 vẫn kiên cường vượt qua thời tiết khắc nghiệt năm thứ 4 liên tiếp. Và, điều mừng nhất là niềm tin đã trở lại với người dân vùng cao nghèo khó này.

ĐẮT NHƯNG ĐÁNG!

Tình cờ đúng hôm chúng tôi tới, cán bộ, công nhân Cty CP Cao su Hà Giang đang làm lễ ra quân trồng mới hơn 300 ha cao su giống chịu lạnh cho mùa vụ 2014. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Trọng Chu - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Cty CP Cao su Hà Giang) cho biết, ở đâu âu đấy nên Cty CP Cao su Hà Giang hoàn thiện đầy đủ mọi công đoạn, thủ tục theo phong tục của đồng bào để tất cả mọi người yên tâm cuốc những nhát cuốc khai xuân bắt đầu cho một vụ trồng cao su mới.

Theo kế hoạch thống nhất giữa tỉnh Hà Giang và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong năm 2014 Cty CP Cao su Hà Giang tiến hành trồng mới hơn 300 ha tại 3 huyện vùng thấp của tỉnh là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Đặc biệt, trong năm 2014, Cty chỉ tiến hành trồng giống chịu lạnh IAN - 873. Trước đó, khoảng 200.000 cây cao su giống đã được vận chuyển từ Viện Nghiên cứu cao su về sẵn sàng tại vườn ươm của Cty.

Tâm sự lí do Cty chỉ chọn trồng giống IAN - 873, ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc Cty CP Cao su Hà Giang chia sẻ: Với bản thân ông bài học năm 2010 vẫn còn nguyên đó, khi chỉ vì chủ quan và nóng vội muốn mở rộng diện tích khiến gần 1.000 ha cao su giống cao sản đã chết sạch. Nếu không có giống IAN - 873 trụ lại được đến ngày hôm nay, ông Phú nghĩ mình có lẽ đã chuyển công tác tới một đơn vị khác.

“Phải nói thất bại trong năm 2010 là một bài học vô cùng đắt, nhưng nhờ bài học đó mà chúng tôi tìm ra được một giống chịu lạnh vô cùng tiềm năng là IAN - 873. Bài học đó cũng là liều thuốc thử đủ mạnh để chúng tôi xác định lại cách tiếp cận việc phát triển cây cao su tại Hà Giang nói riêng và Đông Bắc nói chung.

Với một khu vực có vai trò, vị trí quan trọng và nhạy cảm như miền núi phía Bắc, giải pháp chậm và chắc luôn là phương án ưu việt nhất. Chính vì vậy, chúng tôi giờ không bao giờ có tâm lí vội vàng chạy theo diện tích nữa”, ông Nguyên Xuân Phúc đúc kết kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trong chuyến công tác Hà Giang lần này, điều khiến chúng tôi vui nhất không phải là thấy hơn 1.000 ha cao su vẫn xanh tốt sau mùa đông giá rét mà chính là niềm vui khi cảm nhận được người dân nơi đây đã có niềm tin trở lại với cây cao su. Mà một khi người dân đã tin tưởng và đồng thuận, mọi công việc dù sớm hay muộn chắc chắn sẽ đến ngày thành công.

Anh Nông Văn Thức ở thôn Hạ, xã Bằng Lang đang quay lợn cùng đồng nghiệp nhân ngày ra quân trồng cao su, thật thà tâm sự: "Trước thấy cao su trồng bị chết cả làng ai cũng sợ và lo lắng. Nhưng từ khi hiểu ra vấn đề và biết Cty CP Cao su Hà Giang đã tìm được giống chịu lạnh cộng việc được tận mắt nhìn thấy người thực, việc thực, bà con nhân dân ở xã Bằng Lang đã yên tâm góp đất làm ăn với Cty. Riêng gia đình anh Thức góp 8 ha đất, các hộ anh em khác nhà nào cũng góp 3 - 5 ha. Không có gì thay đổi, năm sau gia đình anh Thức sẽ góp nốt số diện tích còn lại".

Có chung niềm vui, anh Nông Văn Thìn, một công nhân chăm sóc vườn ươm cho biết, vụ rét vừa qua thời tiết có lúc xuống đến 3 - 4oC, nhưng vườn ươm vẫn phát triển ổn định, sẵn sàng cho vụ trồng mới 2014. Nhờ Cty tạo điều kiện, gia đình anh Thìn có 2 cha con đều làm cho Cty CP Cao su Hà Giang, riêng anh có thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/tháng, còn con trai làm công nhân ăn theo sản phẩm, có tháng đạt gần 10 triệu đồng và trở thành công nhân tiêu biểu của Cty.

15-44-15_2
Những vườn cao su giống chịu lạnh IAN - 873 vẫn kiên cường vượt qua mùa giá rét thứ 4 liên tiếp

ĐI SAU 30 NĂM?

Mặc dù hiện vẫn còn khá nhiều luồng ý kiến tranh cãi, hoài nghi của các nhà quản lí và khoa học về việc phát triển cây cao su tại miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Đông Bắc.

+ Năm 2014, cán bộ, công nhân viên Cty CP Cao su Hà Giang có thêm một niềm vui mới, khi vừa qua Cty được Tập đoàn đồng ý cho nhận chuyển nhượng hơn 6.000m2 đất tại thị trấn Việt Quang, Bắc Quang để xây dựng trụ sở. Hiện, Cty đang đề nghị Tập đoàn cũng như tỉnh tạo điều kiện để việc xây dựng trụ sở sớm được triển khai vào giữa năm nay.

+ Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước năm 2010 bà con nông dân trong tỉnh đã bàn giao cho phía Cty CP Cao su Hà Giang hơn 3.000 ha đất để tiến hành trồng cao su, song do sự cố năm 2010, Cty chia sẻ bằng việc trả lại một số diện tích đất để bà con trồng các loại cây rau màu ngắn ngày. Nay, khi Cty cần đất bà con sẵn sàng nhường lại là một thành công rất lớn của Cty CP Cao su Hà Giang và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Ở một góc độ nào đó thì việc hoài nghi này hoàn toàn chính đáng bởi việc thực hiện một chủ trương lớn trên một vùng rất rộng đòi hỏi phải có những bước đi chắc chắn, thận trọng và phù hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng ta mới tiến hành trồng thí điểm cao su ở phía Bắc và trước đó đã để các địa phương phải thử hết loại cây trồng này đến loại cây trồng khác là hơi muộn.

Bởi không đâu xa, ngay giáp các tỉnh miền núi phía Bắc của chúng ta là tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có khí hậu tương đồng, thậm chí còn lạnh và khắc nghiệt hơn Việt Nam họ đã trồng và khai thác cao su hơn 30 năm nay.

Hôm chúng tôi sang thăm các vùng trồng cao su tại khu vực Thiên Bảo thuộc huyện Malipho, tỉnh Vân Nam, giáp với cửa khẩu Thanh Thủy của Hà Giang thấy cao su họ trồng bạt ngàn, trong đó có rất nhiều vườn đã hết tuổi khai thác được người dân chặt bán thanh lí để trồng đợt mới. Gần như tất cả giống cao su được trồng tại khu vực này của Trung Quốc là Vân Nghiên - 772 và Vân Nghiên – 774, bắt đầu từ năm 2013 phía nước bạn đã trồng cả giống IAN - 873.

Thế mới thấy, nước bạn họ rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới. Cái này, đáng lẽ các nhà khoa học trong nước của chúng ta phải làm từ rất lâu rồi để định hướng doanh nghiệp và tư vấn cho các cơ quan quản lí thì chưa chắc đã xảy ra việc 1.000 ha cao su giống cao sản bị chết tại Hà Giang năm 2010.

Tuy nhiên, dù muộn vẫn hơn không, việc phát hiện ra nước láng giềng Trung Quốc trồng được các giống cao su chịu lạnh đã hơn 30 năm cũng có thể tạm coi là một thành công với các nhà khoa học Việt Nam.

Với nỗ lực, sự tập trung lớn, từ năm 2011 đến nay, Cty CP Cao su Hà Giang đã trồng tái canh và trồng mới tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đạt trên 1.100 ha cao su 3 giống chịu lạnh gồm IAN - 873, VNg - 774, VNg - 772 cộng với 300 ha sẽ trồng năm 2014, nâng tổng diện tích cao su tại Hà Giang lên trên 1.400 ha.

Như vậy, theo kế hoạch giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh Hà Giang, phấn đấu đến hết 2015 sẽ hoàn thành diện tích 2.000 ha, Cty CP Cao su Hà Giang sẽ phải tiến hành trồng mới khoảng 500 ha nữa trong năm sau. Cùng với việc tiếp tục triển khai trồng mới, công tác bảo vệ vườn cây luôn được chú trọng.

Năm 2013, Cty đã xây dựng được 8 km hàng rào dây thép gai và đào 10 km đường hào chống gia súc để bảo vệ vườn cây. Cùng với đó, Cty tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh thực hiện Quy chế phối hợp trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ vườn cây. Nhờ sự tích cực chăm sóc, bảo vệ, vườn cây của Cty được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam kiểm tra, đánh giá xếp vườn cây loại A.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.