| Hotline: 0983.970.780

Tin vui xoài Sơn La chuẩn bị bay sang Úc

Thứ Năm 04/05/2017 , 08:20 (GMT+7)

Theo Cục BVTV, dự kiến sớm nhất trong tháng 5/2017, lần đầu tiên tại phía Bắc, một số lô xoài trồng tại Sơn La sẽ được một DN xuất khẩu sang thị trường Úc.

Đây là tin vui bước đầu cho nông dân vùng cao Tây Bắc.

13-14-49_nh-2
Ông Hoàng Trung (phải), Cục trưởng Cục BVTV và lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La kiểm tra vùng xoài chuẩn bị XK

Vừa qua, Cục BVTV và UBND tỉnh Sơn La đã có buổi làm việc nhằm thống nhất chương trình phối hợp cùng Cty TNHH Agricare Việt Nam trong việc xây dựng, cấp mã số vùng trồng đối với sản phẩm xoài và nhãn của tỉnh Sơn La phục vụ XK, đồng thời bàn kế hoạch triển khai chiếu xạ xoài Sơn La để XK sang thị trường Úc trong vụ xoài năm 2017 sắp tới.

Cục BVTV giao Trung tâm KDTV Sau nhập khẩu (thuộc Cục BVTV) hỗ trợ và hướng dẫn tỉnh Sơn La xây dựng và cấp mã số cho 2 vùng trồng đối với xoài (tại huyện Yên Châu và Mai Sơn) và 1 mã số vùng trồng cho nhãn tại huyện Sông Mã.

Ông Lê Nhật Thành, GĐ Trung tâm KDTV Sau nhập khẩu cho biết: Theo kế hoạch, trong tháng 5/2017, trung tâm phối hợp với Sở NN-PTNT Sơn La sẽ triển khai tập huấn cho nông dân, lập hồ sơ và tiến hành cấp mã số vùng trồng cho 2 vùng xoài để Cty TNHH Agricare Việt Nam XK sang Úc.

Theo đó, yêu cầu để xoài XK sang Úc là phải được Cục BVTV cấp mã số vùng trồng, đồng thời thực hiện chiếu xạ theo quy trình của Úc. Sau khi được cơ quan KDTV của Úc chấp nhận quy trình chiếu xạ và mã số vùng trồng, dự kiến sớm nhất tới cuối tháng 5/2017, sẽ có 2 lô xoài (mỗi lô khoảng 10 tấn) được chính thức XK thí điểm sang Úc bằng đường hàng không. Mặc dù chưa công bố cụ thể về giá thu mua cho nông dân, tuy nhiên theo thông lệ, xoài do các DN thu mua để XK sẽ có giá cao hơn thị trường khoảng 15-20%.

Theo ông Thành, với diện tích trên 4.000 ha, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích xoài rất lớn, trong đó có nhiều vùng xoài được trồng tập trung, đã được triển khai theo quy trình VietGAP với diện tích hàng trăm ha. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thực hiện cấp mã số vùng trồng phục vụ XK. Bởi điều kiện cấp mã số vùng trồng chỉ cần có nhật ký SX, vùng SX không bị nhiễm các đối tượng dịch hại thuộc diện kiểm dịch của phía Úc, và không nhiễm dư lượng các loại thuốc BVTV mà phía Úc cấm sử dụng. Đồng thời, phải đảm bảo vệ sinh đồng ruộng, không trồng xen lẫn cây khác, không chăn nuôi trong vườn trồng… Qua kiểm tra, hiện về cơ bản các vùng trồng xoài tập trung tại Sơn La đều đạt được yêu cầu để cấp mã số vùng trồng.

Theo kế hoạch của đơn vị XK, hiện nguồn xoài XK chủ yếu của DN này là từ các tỉnh phía Nam. Và đây là lần đầu tiên Cty có kế hoạch thu mua xoài tại phía Bắc để XK. Loại xoài mà Cty sẽ thu mua tại Sơn La là xoài xanh, thuộc các giống lai như GL3; GL4, xoài Thái Lan, kích cỡ trung bình từ 700-900 g/quả. Hiện các mẫu xoài đã được gửi sang cho bạn hàng phía Úc và được đánh giá rất tốt bởi xoài trồng tại Sơn La có chất lượng giòn, thơm ngon đặc trưng, rất phù hợp với thị hiếu ăn tươi hoặc chế biến tại Úc.

13-14-49_nh-1
Lấy mẫu xoài XK tại huyện Mai Sơn (Sơn La)

Bên cạnh đó, do vụ thu hoạch xoài tại Sơn La bắt đầu muộn, từ khoảng tháng 6 trở đi, vì vậy đây là giai đoạn mà mùa xoài tại các tỉnh phía Nam đã hết. Theo dự kiến, xoài thu hoạch từ Sơn La sẽ được đóng gói, vận chuyển bằng xe lạnh về Hà Nội và chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội trước khi XK. Hiện nay, ngoài các giống xoài tròn địa phương, các giống xoài lai đang được nông dân tại Sơn La mở rộng diện tích, đặc biệt là ghép cải tạo các giống xoài mới vào các diện tích xoài bản địa tại các huyện như Yên Châu, Mộc Châu, Mai Sơn... Vì vậy, tiềm năng để XK xoài tại Sơn La còn rất lớn.

Cục BVTV cho biết, cùng với xoài, hiện Cục phối hợp với tỉnh Sơn La xúc tiến cấp mã số vùng trồng cho các diện tích nhãn hàng hóa tập trung tại vùng nhãn huyện Sông Mã. Vùng nhãn Sông Mã hiện có diện tích lên tới trên 6.000 ha, đã được ghép cải tạo cho chất lượng rất tốt. Từ năm 2016, tỉnh Sơn La cũng đã đề nghị Cục BVTV hỗ trợ, cấp mã số vùng trồng và kêu gọi các DN vào cuộc để xây dựng thương hiệu, tiến tới XK nhãn Sơn La. Theo kế hoạch, sau khi cấp mã số vùng trồng, tới vụ nhãn năm 2018, nhãn Sơn La cũng sẽ được XK sang các thị trường lớn trên thế giới.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm