| Hotline: 0983.970.780

Tình biển: Hiệp sĩ biển Đông

Thứ Ba 14/10/2014 , 09:39 (GMT+7)

Nhận được thông tin tàu bạn gặp nạn, họ dừng công việc đánh cá, thậm chí bỏ chuyến đi để lai dắt tàu bạn vào bờ. Mỗi lần như vậy lỗ cả trăm triệu đồng, ấy vậy mà họ chẳng đắn đo đi cứu tàu gặp nạn./ Vay tiền tỷ không lãi

Lấy công một bữa nhậu

Có mặt tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), hỏi về những người thường xuyên cứu hộ, bà con giới thiệu về nhà ông Huỳnh Văn Diệp (SN 1965) ở thôn Sâm Linh Đông. Ông ấy có những con tàu công suất lớn, cũng là người cứu giúp nhiều tàu gặp nạn nhất.

Vừa trở về sau chuyến biển ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, ông Diệp lại tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi mới. Khi biết chúng tôi đến thăm, ông dừng công việc để tiếp chuyện. Ông Diệp sinh ra trong một gia đình không làm nghề biển. Khi 14 tuổi, ông đã nghỉ học, theo người dân địa phương đi đánh cá.

Vốn thông minh, chịu khó học hỏi, từ người làm thuê, ông Diệp trở thành thuyền trưởng lúc 19 tuổi. Bao năm sống bằng nghề biển, từ người lái tàu, ông đầu tư đóng tàu mới, đến nay là chủ của 3 con tàu. Trong đó, có con tàu trên 1.000 CV, tạo công ăn việc làm cho hơn 40 người.

Hỏi về số lần cứu tàu gặp nạn trên biển, ông Diệp cười: Tui “bén duyên” với nghề cứu hộ từ lúc nào, giờ không nhớ nữa.

Chúng tôi gặng hỏi thì ông chỉ nhớ được một số lần gần đây. Ông kể, cách đây hơn một tháng, tàu cá Qna 90127 của anh Lê Văn Năm ở xã Tam Quang đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì bị đứt dây rút lưới, nếu không có tàu trợ giúp thì có nguy mất ngư cụ với giá trị gần 1 tỷ đồng.

Nhận được thông tin từ tàu anh Năm cầu cứu, mặc dù cách đó khoảng 8 hải lý, trong lúc phát hiện đàn cá lớn đang chuẩn bị thả lưới thì ông Diệp bảo anh em dừng công việc để cứu hộ.

Ông Diệp cùng với 16 thuyền viên trên tàu đến hỗ trợ, dùng phao và thuyền thúng để cứu lưới của thuyền bạn khỏi bị chìm. Trong điều kiện sóng lớn, hàng chục ngư dân của hai tàu phải vất vả từ 19 giờ hôm trước đến tận 3 giờ sáng hôm sau mới vớt được tấm lưới lớn lên tàu an toàn.

“Mỗi đêm thả lưới có khi trúng 100 - 400 triệu đồng mà anh Diệp vẫn bỏ để đi cứu tàu của tui, tui mừng quá chẳng biết nói răng. Nếu đêm đó không có anh Diệp chắc chắn lưới của tôi chìm xuống biển rồi”, anh Năm nhớ lại.

Ông Diệp kể tiếp, cách đây 4 tháng, tàu cá Qna 91298 của anh Huỳnh Văn Song ở xã Tam Quang đang đánh bắt ngoài khơi cách bờ 200 hải lý thì không may bị gãy trục máy, tàu phải để thả trôi, nếu không nhanh chóng cứu hộ sẽ xâm phạm vào vùng biển nước bạn, sẽ bị bắt.

Nhận được tin báo đề nghị phối hợp cứu hộ, ông Huỳnh Văn Diệp đã không hề do dự đưa hai tàu của mình cùng với những ngư dân có kinh nghiệm từ trong bờ lên tàu cá của gia đình để ra khơi lai dắt tàu của anh Song. Sau 8 ngày lênh đênh trên biển, ông Diệp đã đưa tàu Qna 91298 về bờ an toàn.

Những lần cứu hộ tàu bị nạn trên biển chi phí đi lại rất lớn nhưng nhiều lúc ông Diệp chỉ nhận một phần nhỏ số tiền dầu hoặc nhiều khi còn không lấy để chia sẻ với những khó khăn của tàu bị nạn.

Lần cứu hộ mà ông nhớ nhất là lần cứu tàu của ngư dân Nguyễn Tấn Khâm (tỉnh Quảng Ngãi) thoát khỏi nguy hiểm trong trận siêu bão Haiyan hồi cuối năm 2013.

Hôm đó, trong lúc điều khiển tàu tránh bão, ông nhận được tín hiệu cấp cứu tàu anh Khâm bị hỏng máy phải thả trôi trên biển. Không quản ngại nguy hiểm, ông Diệp cho tàu tiếp cận tàu của anh Khâm khi 15 lao động trên tàu này chỉ còn biết phó thác cho số mệnh.

Sau một ngày đêm, tàu ông Diệp đưa tàu anh Khâm vào bờ. Để cảm ơn người bạn biển cứu giúp mình, anh Khâm có nhã ý đưa tiền chi phí dầu, tuy nhiên ông Diệp không nhận, chỉ nhận từ anh Khâm một bữa nhậu.

Ngoài những lần cứu hộ nói trên, ông Diệp còn cứu hộ thành công tàu của các ông Huỳnh Minh Cảnh ở xã Tam Quang; Trần Tiên ở xã Tam Hải; Hoàng Ngọc Tuấn ở xã Tam Quang…

Ông Nguyễn Tin, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 19 tổ đoàn kết với 114 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn. Khi có sự cố, tàu thuyền trên biển cùng với sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng và cảnh sát biển thì việc bà con ngư dân tự hỗ trợ nhau giúp giảm tối thiểu những thiệt hại về người và phương tiện có thể xảy ra.
Riêng ông Huỳnh Văn Diệp đã nhiều lần ra tay cứu giúp, tương trợ những ngư dân gặp nạn trên biển. Hễ có tàu nào bị hỏng máy, trôi dạt trên biển, người đầu tiên họ cầu cứu là ông Diệp. Nếu tàu hư hỏng nhẹ thì ông đưa người qua sửa, còn nặng thì ông lai dắt vào bờ rồi sửa chữa.

“Mỗi chuyến đi biển cả tháng mới về với vợ con nhưng nghe tin có tàu cá gặp nạn, tui lại cùng anh em ra khơi để ứng cứu. Từng vùng biển mình đã quá thân thuộc nên không đi là không chịu được. Việc mình giúp họ thì hôm sau họ giúp lại mình thôi. Giữa biển khơi, sự cố thường xảy ra, nếu không giúp nhau thì làm sao sống bằng nghề được”, ông Diệp chia sẻ.

Từ những việc làm đó, ông Diệp đã không ít lần nhận bằng khen, phần thưởng do các cơ quan chức năng trao tặng.

Ra Hoàng Sa sửa tàu

Giúp nhau trên biển đã đành, đằng này thợ máy trong bờ khi nghe tin tàu hỏng là đi ngay ra biển để sửa chữa. Chuyến đi có thể cả chục ngày nhưng chẳng lấy một đồng tiền công.

Còn không ra được, hai bên liên lạc bằng Icom để hướng dẫn thuyền viên trên tàu khắc phục. Đấy là chuyện về ông Lê Văn Tư ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang.

Nói về học vấn, ông Tư không bằng ai nhưng về kỹ thuật sửa chữa tàu thì không khác gì kỹ sư. Từ nhỏ ông đã thấu hiểu được nỗi khổ của người đi biển, nhất là bị hư hỏng máy móc, nếu sửa chữa không tốt sẽ gây hại cho bà con.

Sau khi tốt nghiệp cấp hai, ông đi học nghề máy. Bằng tài năng của mình, sau một thời gian ông đã mở xưởng sửa chữa đóng tàu tại xã.

Nhắc đến ông Tư, các chủ tàu nơi đây thừa nhận ông là một thợ giỏi, không những thế, ông không quản ngại khó khăn giúp đỡ mọi người.

14-23-11_nh-2
Thợ máy Lê Văn Tư

Có những lần giữa đêm khuya gió bão, ở ngoài biển gọi về tàu bị hư hỏng, người thân đến nhà ông nhờ giúp đỡ, ông sẵn sàng chạy đi nghe máy và hướng dẫn khắc phục. Khi tàu về bờ, ông làm ngày làm đêm để kịp cho bà con ra khơi đúng ngày.

Trong đợt tàu ông Lê Văn Năm (xã Tam Quang) gọi về báo tàu bị tụt xi lanh, lậu nước, chết máy phải thả trôi, ông Tư chạy lên thị trấn mua máy móc, dầu nhớt... rồi nhảy lên tàu cá của ông Huỳnh Văn Diệp để ra Hoàng Sa.

Khi tiếp cận được tàu ông Năm, ông Tư liền chui xuống buồng máy tháo máy móc ra xem. Qua kiểm tra thì phát hiện máy hỏng rất nhiều bộ phận, phải đưa tàu về bờ mới làm được, do đó chỉ sửa tạm máy phụ để tàu của ông Diệp lai dắt vào bờ.

“Nhiều lúc ở ngoài biển anh em gọi về mà tui buồn lắm, mình ở trong bờ không giúp được gì. Còn muốn tàu ra để sửa cho anh em thì chi phí rất cao, mình chỉ hướng dẫn khắc phục tạm thời.

Nếu như có được con tàu chuyên sửa chữa trên biển, tui sẵn sàng đi bất cứ lúc nào, chứ để anh em trôi dạt, gặp nhiều rủi ro lắm”, ông Tư bày tỏ.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất