| Hotline: 0983.970.780

Tình biển: Vay tiền tỷ không lãi

Thứ Hai 13/10/2014 , 08:56 (GMT+7)

Ngư dân miền Trung luôn gặp những rủi ro trên biển nhưng họ không bỏ biển bởi phía sau luôn có hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh để vươn khơi. 

Một con tàu đóng mới hết khoảng 3 tỷ đồng thì được chủ nậu cho vay trên 1 tỷ đồng mà không tính lãi, không cần thế chấp hay thủ tục rườm rà. Tàu không may bị chìm hoặc bị nước ngoài bắt thì người cho vay chịu mất số tiền này.

Nói một câu là có tiền

Tàu của ông Trương Quang Thắng, thôn Châu Thuận, xã Bình Châu vừa cập cảng Kỳ Hà, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bán hải sản sau chuyến đi dài ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa về, trên tàu có 3 tấn hải sâm cùng nhiều cá, mực…

Ông Thắng cho biết, con tàu này đóng hết hơn 2 tỷ đồng, có công suất 400 CV. Trong đó, vay ngân hàng cũng có, vay anh em và đặc biệt được chị Võ Thị Phượng trú cùng xã cho vay hơn 600 triệu đồng.

“Thủ tục vay tiền của chị Phượng đơn giản lắm, tui chẳng cầm cố tài sản gì hết. Tui đóng tàu mới chỉ đến nói với chủ nậu một tiếng thì hôm sau đến lấy tiền về. Hai bên giao kèo, thủy sản tui đánh bắt được thì bán cho họ. Ngư dân như tui mà không được các chủ nậu cho vay thì rất khó khăn để vươn khơi bám biển”, ông Thắng chia sẻ.

Không riêng gì ông Thắng, hầu hết các chủ tàu tại xã Bình Châu mỗi khi đóng tàu mới đều được chủ nậu cho vay tiền. Người đóng tàu công suất nhỏ thì vay vài trăm triệu đồng, người đóng tàu công suất lớn thì vay trên 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu nào không có vốn thì chủ nậu cho vay tiền để mua sắm dầu, nhu yếu phẩm… Nếu chuyến ra khơi trúng thì trả lại, còn không nợ và vay tiếp.

Gặp chị Võ Thị Phượng, thôn Đình Tân, hỏi về chuyện cho ngư dân vay tiền tỷ đóng tàu, chị bảo: “Tôi không nhớ nữa, muốn chính xác phải đem sổ ra xem mới biết được”. Ngồi nhẩm tính một hồi, chị nói: Có 30 người vay, ít thì 500 triệu đồng, người nhiều 2 tỷ đồng.

Tàu bị bắt, chìm được xóa nợ

Nói về thủ tục cho vay, chị Phượng cho hay: "Người vay không cần thế chấp gì cả, thời hạn trả không giới hạn". Vậy, nếu lỡ người ta không trả thì sao?, tôi hỏi. Chị cười: “Người miền biển thật thà lắm, bà con làm ăn được thì trả liền chứ không quỵt của ai bao giờ. Trừ trường hợp tàu bị Trung Quốc bắt, bắn cháy hoặc chìm thì tui mất số tiền đó, còn tàu nào không xảy ra chuyện gì, bà con làm ăn được sẽ tự trả mà không cần đòi”.

14-23-08_nh-2
Chủ nậu Võ Thị Phượng

Một trong nhiều trường hợp mà chị Phượng cho vay và mất trắng là “sói biển” Mai Phụng Lưu, ở huyện đảo Lý Sơn. Anh Lưu bốn lần bị phía Trung Quốc bắt và bắn cháy tàu. Cứ lần này đến lần khác, anh Lưu có nguyện vọng đóng tàu mới, chị Phượng lại sẵn sàng cho vay, còn số nợ cũ thì xóa sổ.

“Tổng bốn lần tui cho anh Lưu vay khoảng 1 tỷ đồng. Anh Lưu làm ăn không được may mắn nên tui cũng không đòi hỏi số tiền này. Ở đây không chỉ tui mà chủ nậu nào cũng vậy, chủ tàu nào không gặp may thì mình không đòi lại tiền”, chị Phượng nói.

Tương tự như chị Phượng, anh Dương Văn Rin ở thôn Đình Tân cho 12 ngư dân xã Bình Châu vay tiền đóng tàu mới với số tiền 15 tỷ đồng; ngoài ra, 10 chủ tàu ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh vay khoảng 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong nhiều năm cho ngư dân vay, không ít lần anh rơi vào cảnh cho vay tiền tỷ nhưng không lấy được, ấy thế mà anh vẫn tiếp tục cho bà con vay tiền đóng tàu mới.

Năm 2005, tàu của ngư dân Đỗ Ngọc Thọ bị phía Philippines bắt, anh Rin bỏ tiền túi qua nước bạn để chuộc về. Thế nhưng chỉ đưa được người, còn tàu và ngư lưới cụ bị giữ lại. Tính ra tiền đi lại hết 150 triệu đồng, ngoài ra anh mất luôn số tiền cho anh Thọ vay 500 triệu đồng.

Sau khi về quê, anh Thọ tiếp tục đóng tàu mới, anh Rin cho vay 1 tỷ đồng để tiếp tục vươn khơi bám biển.

“Ở đây có một quy luật bất di bất dịch, nếu tàu của bà con bị chìm, bị bắt thì chủ nậu không đòi lại tiền. Nếu chủ nậu nào rơi vào hoàn cảnh đó thì coi như xui xẻo. Hơn 10 năm cho bà con vay, tôi mất hơn 10 tỷ đồng”, anh Rin tâm sự.

Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, cho biết: Hiện trên địa bàn xã có hơn 10 chủ nậu cho ngư dân vay đóng tàu đánh bắt xa bờ. Người ít thì 10 tỷ đồng, người nhiều 40 tỷ đồng. Mỗi khi chủ tàu gặp nạn thì chủ nậu chẳng đòi lại số tiền này, đã mất tàu là mất số tiền cho vay.
Trường hợp như chị Phượng, anh Thành Hổ, anh Rin mất cả chục tỷ đồng nhưng vẫn sẵn sàng cho bà con vay để đóng mới ra khơi.
Tuy nhiên, giữa hai bên có thỏa thuận khi đánh bắt được thủy hải sản thì bán lại cho chủ nậu. Nếu chủ nậu nào ép giá thì chủ tàu trả tiền và đem bán cho người khác.

Mất số tiền lớn như vậy sao anh vẫn tiếp tục cho bà con vay?, tôi hỏi. “Nếu không cho vay thì bà con rất khó khăn để đóng tàu mới để bám biển mưu sinh. Ngoài ra, bà con ra biển thì mình mới có nguồn hải sản để thu mua. Người miền biển mà không tương trợ lẫn nhau thì làm sao bám biển được”, anh Rin đáp.

Không bỏ biển

Ở Bình Châu, nói đến người bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu và ngư lưới cụ điển hình phải kể đến ông Tiêu Viết Là (53 tuổi, thôn Châu Thuận Biển). Tính từ năm 2005 đến 2011, tàu của ông Là bị bắt bốn lần. Khó khăn là thế nhưng cứ hết lần này đến lần khác, ông vẫn sắm tàu mới vươn khơi bám biển Hoàng Sa.

Ông Là cho hay, năm 2006, ông mua lại một con tàu trị giá gần 250 triệu đồng và ngư lưới cụ khoảng 200 triệu đồng để hành nghề lặn. Đợt đó chủ nậu Thành Hổ ở cùng xã cho vay 50 triệu đồng. Tàu của ông vươn ra Hoàng Sa đánh bắt được mấy chuyến thì bị phía Trung Quốc bắt, sau đó tịch thu tàu, ngư lưới cụ, họ chỉ thả người về.

Mất tàu đẩy ông vào cảnh trắng tay, nhưng ông quyết không bỏ biển. Năm 2007, ông Là được ông Thành Hổ tiếp tục cho vay vốn mua lại một con tàu khác trị giá 500 triệu đồng nhưng cũng bị phía Trung Quốc bắt.

Đến năm 2009, ông tiếp tục đầu tư đóng tàu mới. Năm 2011, ông được chủ nậu cho vay đóng con tàu trị giá gần 1 tỷ đồng ra Hoàng Sa đánh bắt, ai ngờ lại bị Trung Quốc bắt và tịch thu tàu cùng ngư lưới cụ.

Tổng bốn lần, ông thiệt hại gần 2 tỷ đồng, trong đó, chủ nậu cho vay khoảng 800 triệu đồng. Thế nhưng, số tiền này chủ nậu Thành Hổ cũng chẳng đòi, cứ hết lần này đến lần kia vẫn cho ông Là vay đóng tàu.

14-23-08_nh-1
Ngư dân Tiêu Viết Là kể lại những lần bị Trung Quốc bắt

Đầu năm 2012, ông được chủ nậu cho vay 600 triệu đồng và mua lại một con tàu về cải hoán có công suất 590 CV, mang số hiệu Qng 90018.

Giờ ông Là không còn đi biển nhưng hai người con của ông là Tiêu Viết Lành và Tiêu Viết Vân vẫn nối nghề truyền thống cha ông làm chủ tàu Qng 90018 bám biển Hoàng Sa.

“Biển của mình thì cứ đánh bắt, có gặp nạn thì về vay mượn đóng tàu mới. Từ bao đời nay cha ông bám biển, nay con cháu không thể bỏ được, đấy là nghiệp đã ăn sâu vào máu thịt của chúng tôi”, ông Là tâm sự.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm