| Hotline: 0983.970.780

Tình cảnh bị cô lập của Trung Quốc ở Đối thoại Shangri-La

Thứ Hai 04/06/2018 , 13:36 (GMT+7)

Lập luận ngang ngược khiến đoàn Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích và cảm thấy lạc lõng tại diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore.

Trung tướng Hà Lôi, phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu nước này dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ảnh: China Daily.

Cuộc khẩu chiến nổ ra giữa Trung Quốc và Mỹ tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore cuối tuần qua cho thấy Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách phi lý đến mức nào trên Biển Đông cũng như tình thế bị cô lập của họ giữa những tiếng nói về an ninh khu vực, theo SCMP.

Sau khi bị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích về các hành động quân sự hóa trên Biển Đông, trung tướng Hà Lôi (He Lei), phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tới diễn đàn Shangri-La, tuyên bố chính Mỹ mới là bên quân sự hóa Biển Đông bằng cách điều tàu chiến thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải.

Hà Lôi cho rằng việc triển khai binh sĩ và vũ khí trên các đảo ở Biển Đông là "nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc và được luật pháp quốc tế cho phép". Tướng Hà thậm chí còn so sánh việc đưa quân tới các tiền đồn trên Biển Đông cũng giống như việc Trung Quốc triển khai lực lượng đồn trú sau khi tiếp quản Hong Kong năm 1997, nhằm thể hiện cái gọi là "chủ quyền" của Bắc Kinh trong khu vực.

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận kế hoạch triển khai lực lượng, khí tài tới các đảo tự nhiên và nhân tạo bồi đắp phi pháp thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tuyên bố này của tướng Hà đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2015 rằng Bắc Kinh không có kế hoạch lập các căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Asia Defence ở Canada, cho rằng Trung Quốc dường như đã nhận ra rằng họ đã đến lúc phải "bỏ mặt nạ" vì không thể tiếp tục che giấu bản chất hành động quân sự hóa của mình trên Biển Đông.

"Những bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã thúc đẩy quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo để biến chúng thành căn cứ hải quân, không quân trong tương lai", Chang nói bên lề Đối thoại Shangri-La. "Những cơ sở, công trình gắn thiết bị radar trên các đảo nhỏ không phải cho mục đích dân sự, mà là những tổ hợp quân sự quy mô lớn".

Việc Trung Quốc phản bội chính cam kết của mình trong việc không quân sự hóa Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều đại biểu dự diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, nơi có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và quan chức quân sự cấp cao đến từ hơn 50 quốc gia.

Đằng sau cuộc đấu khẩu trên hội trường, các đại biểu đoàn Trung Quốc phàn nàn rằng họ gặp nhiều bất lợi tại diễn đàn và cảm thấy bị cô lập khi tiếng nói của mình không được ai để ý đến.

"Mỹ đã tạo ra chủ đề lớn với những từ khóa như 'trật tự dựa trên pháp luật', 'tự do hàng hải và hàng không' hay 'quân sự hóa', những cụm từ mà ai cũng biết là nhắm vào Trung Quốc", thiếu tướng về hưu Diêu Vân Trúc (Yao Yunzhu), một thành viên trong đoàn Trung Quốc, phát biểu.

Tướng Diêu cho biết các quan chức quân sự Trung Quốc rất bực bội khi tìm cách giao tiếp với các đại biểu phương Tây vì rào cản ngôn ngữ cũng như bất đồng trong quan điểm về Biển Đông.

"Tại sự kiện đa phương như thế này, cách các đại biểu phương Tây nói và làm rất khác với phong cách của chúng tôi", bà Diêu nói. "Các đại biểu phương Tây lúc nào cũng túm tụm với nhau, họ đều nói bằng tiếng Anh khiến chúng tôi rất khó giao tiếp. Chúng tôi đôi lúc cảm thấy rất bực".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP.

Đại tá Triệu Hiểu Trác (Zhao Xiaozhuo), đại biểu đến từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nói rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có xu hướng ngày càng gia tăng tại diễn đàn an ninh khu vực thường niên này.

"Đối thoại Shangri-La đã trở thành dịp để Mỹ và Trung Quốc đấu khẩu và bởi tính chính thức của đối thoại, Trung Quốc không thể không phản công những lời cáo buộc của Mattis", đại tá Triệu tuyên bố. "Nhưng đấu khẩu như thế này sẽ không giúp giải quyết vấn đề".
 

Đoàn đại biểu cấp thấp

Nhận xét về cách thức Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức thảo luận về vấn đề Biển Đông, một nguồn tin của SCMP cho rằng những bức xúc của đoàn Trung Quốc có phần hợp lý, nhưng họ không thể hưởng những đặc quyền riêng tại sự kiện.

"Tôi có thể hiểu được nếu họ cảm thấy bị cô lập khi đến đây", nguồn tin giấu tên này nói. "Sự kiện này được thực hiện bởi một tổ chức có trụ sở ở London và có rất nhiều người phương Tây tham dự. Có lẽ Bắc Kinh muốn một diễn đàn có ít tiếng nói ngoài châu Á hơn".

Tuy nhiên, người này cũng khẳng định IISS không thể hết lần này đến lần khác biệt đãi đoàn Trung Quốc, khi các nước khác đều cử bộ trưởng quốc phòng hoặc tổng tham mưu trưởng tham dự, trong khi Bắc Kinh chỉ cử một đoàn đại biểu cấp thấp do tướng Hà Lôi dẫn đầu.

Đoàn đại biểu Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La 2018. Ảnh: Reuters.

Một nguồn tin khác cho biết IISS ban đầu định dành thời gian cho bài phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tại phiên họp toàn thể, nhưng đã hủy kế hoạch khi biết người đứng đầu đoàn Trung Quốc chỉ là một phó giám đốc học viện quân sự.

Lần duy nhất Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng dự Đối thoại Shangri-La là vào năm 2011, khi tướng Lương Quang Liệt tham gia. Những năm sau đó, Bắc Kinh chỉ đưa các đại biểu cấp thấp dự sự kiện này.

William Choong, chuyên gia cấp cao về An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại IISS, cho biết nhà tổ chức đã đến Trung Quốc hai lần trong năm nay để tìm cách thuyết phục Bắc Kinh cử đoàn đại biểu cấp cao hơn dự Đối thoại Shangri-La, nhưng nỗ lực này dường như không thành công.

Nguồn tin quen thuộc với các chủ đề thảo luận của IISS cho hay việc Trung Quốc chỉ đưa đoàn đại biểu cấp thấp tới Singapore đã tạo ra "cảm giác rằng Bắc Kinh muốn phủ nhận tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La vì họ muốn tạo ra một diễn đàn tương tự của riêng mình". "Nhưng thật không hay nếu bạn chỉ trao đổi với những người cùng chính kiến với bạn", người này nói.

Từ năm 2006, Trung Quốc bắt đầu tổ chức diễn đàn thường niên Hương Sơn ở Bắc Kinh để thảo luận các vấn đề an ninh, quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương, được coi như một đối trọng của Đối thoại Shangri-La. Diễn đàn Hương Sơn bị hủy vào năm ngoái do sức ép từ trong và ngoài nước, nhưng các quan chức quốc phòng Trung Quốc khẳng định nó sẽ được tiếp tục vào năm nay.

Tuy vậy, tướng Diêu Vân Trúc thừa nhận Trung Quốc vẫn cần phải tiếp tục tham gia vào các sự kiện đa phương như Đối thoại Shangri-La. "Đại biểu tham dự Diễn đàn Hương Sơn chủ yếu là người Trung Quốc, còn các diễn đàn như Đối thoại Shangri-La thu hút diễn giả trong lẫn ngoài nước", bà Diêu nói. "Việc tham gia sự kiện này vẫn rất quan trọng và những bực bội mà chúng tôi trải qua ở giai đoạn này cũng bình thường".

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm