| Hotline: 0983.970.780

Tình cha, tình mẹ trong thơ Nguyễn Đăng Giáp

Thứ Bảy 31/10/2020 , 05:30 (GMT+7)

Nguyễn Đăng Giáp - Tổng Giám đốc Tổng Công ty 36 của Bộ Quốc phòng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cũng là người yêu thơ, thuộc thơ, làm thơ.

Đại tá - nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp.

Đại tá - nhà thơ Nguyễn Đăng Giáp.

Tôi vẫn nghĩ trong sự sống con người về mặt tư duy thơ và tư duy doanh nghiệp thường là đối cực. Một bên là lãng đãng phiêu diêu mông lung… Một bên là tính toán so đo định cách này kế nọ sao cho được nhiều lợi nhuận. Ấy nhưng ở con người này vẫn cặp kè một nàng thơ xem ra cũng đáng yêu ra phết..

Tôi vốn sống nghiệp nghiên cứu và giảng dạy văn chương là cái nghề khám phá thế giới con người nên không thể không nghĩ về hiện tượng Nguyễn Đăng Giáp mà tôi xem như một nhân vật tiểu thuyết cần khám phá.

Tôi muốn dùng lý thuyết trung tâm và ngoại biên thuộc lý thuyết nghiên cứu văn học hậu hiện đại đang rất ăn khách ngoài nước kể cả trong nước để giải mã con người Nguyễn Đăng Giáp.

Về con người trung tâm ở anh là một doanh nhân lừng danh như thế thì nhiều người đã nói. Tôi chẳng nói gì thêm.

Ở đây tôi chỉ nói về con người ngoại biên bắt đầu từ quê hương của anh là làng Đông Chử xưa - Nghi Trường nay vốn là nơi cồn khô cát bạc nghèo nhất huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nhưng lại nổi danh yêu nước, cách mạng, Đông y, khoa bảng.

Đặc biệt đã trở thành một trung tâm giáo dục lớn nhất trên đất Lam Hồng và các vùng phụ cận ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của vị Đại nhân sư trên đất Lam Hồng: Nguyễn Thức Tự - từng là người lót ổ cho vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Bình và Hà Tĩnh để phát hịch Cần Vương khi còn giữ chức Sơn phòng sứ Hà Tĩnh…

Hầu hết các bậc khoa bảng trở thành chí sĩ cứu nước của Nghệ Tĩnh đều là môn sinh của Cụ. Tiêu biểu nhất là lãnh tụ Phan Bội Châu.

Đêm nhạc 'Như tôi đã sống'.

Đêm nhạc “Như tôi đã sống”.

Gia đình anh Giáp cũng xóm với gia đình cụ Nguyễn Thức Tự, chẳng khoa bảng gì nhưng cũng thuộc dòng dõi Nho gia đậm đà Nho phong Nho cốt… Cụ nội Nguyễn Đăng Lương là học trò của cụ Tự. Gia đình từng là nơi ở trọ của cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian ăn học ở đây.

Đến đời ông thì Hán học đã tàn nhưng vẫn theo đường Nho học. Đến đời cha đã theo tân học nhưng di truyền Nho gia vẫn đọng lại trong cốt cách trong điệu sống… Thân mẫu là người họ Nguyễn Thức, là người hiền lành phúc hậu sản phẩm của gia phong gia đạo thuở trước.

Với tôi, nét đẹp nhất ở con người Nguyễn Đăng Giáp trước hết và đáng quí nhất là ở con người ngoại biên trong đó có những nét gốc rễ bản chất nhất về nhân cách với đủ thứ tình nhưng nổi lên trước hết vẫn là tình quê hương, tình gia đình, đặc biệt là tình cha, tình mẹ mà thơ và cả văn anh sẽ cho người đọc thấy rõ.

Về thơ, chỉ đọc trường ca Đoạn trường tôi sống dài 476 câu thơ lục bát biến thể mà vẫn liền mạch liền hơi thể hiện một khả năng cường ký về một cuộc đời phong phú với một cá tính sống hơi ngộ nghĩnh đáng yêu có chất văn hóa và triết lý vốn gốc gác từ triết lý Nho gia xưa từ ông cha để lại.

Tôi chưa cần nói anh là thi sĩ nhưng về tình người tình đời thì anh nào có thua ai là thi sĩ, mà thi tài thi lực thì cũng đáng quí. Ở đây như nhan đề bài viết đã nêu, chỉ nói về tình cha tình mẹ trong thơ của anh.

Đời cha tôi nơi chốn quê nghèo

Nghi Trường Nghi Lộc gió lào cát trắng

Một đời trai vinh quang cùng cay đắng

Vì nghĩa nhân thấm đậm tình người

Chí làm trai đau cùng nỗi đau nhân thế Như cây xương rồng giữa biển cát bão giông

Đời cha tôi như cây tùng cây bách

Ông đồ xứ Nghệ nơi dòng sông Lam đục trong

Dáng cha cao gầy năm tháng

Không màng phú quí vinh hoa

Tim con đêm ngày thao thức

Bên cha tròn đạo hiếu làm người

(Bài thơ Cha tôi)

Bài thơ không kể lể dài dòng, không phấn son hoa lá. Nó chỉ cô đúc theo thi pháp điểm nhãn, một nét bút bằng bao nhiêu nét bút trong 12 câu thơ tự do mà nói đủ những điều cần nói nhất của người con với người cha đại tôn đại kính của mình.

Có thể nói đây là một sự kết hợp thi pháp của hai thể loại: văn bia và thơ; thơ và văn bia. Thế giới thơ ca vốn đa dạng là thế. Tôi nghĩ anh Giáp nên khắc bài thơ này để đặt ở lăng mộ thân phụ Nguyễn Đăng Cẩn rất hoành tráng ở quê nhà.

Thơ anh Giáp, với cha không chỉ ở bài thơ này mà còn ở trường ca Đoạn trường tôi sống. Ở đây, chủ yếu là chuyện hồi ức về cuộc đời của mình nhưng thấp thoáng đó đây vẫn có bóng hình người cha như một người lãnh xướng của bản nhạc đời con.

Đây là cảnh: “Thương cha đau đáu một thời/ Ngóng trông trời bạn lo tôi mất còn/ Giờ vui ca khúc khải hoàn/ Con đưa cha tới thăm ba ông Hoàng (của Lào)/ Bô-lô-ven nối Trung Lào/ Cùng Chăm Pa Sắc một màu xanh tươi/

Cảnh quan cùng với tình người/ Giúp cha thanh thản nguôi ngoai nhọc nhằn/ Cha con tiếp tục phi hành/ Hai nghìn mười tới đô thành Đu Bai/ Đường xa cha vẫn khỏe vui/ Trò chơi sa mạc (mạo hiểm) tuyệt vời như không/

Mới hay tố chất của cha/ Lên ghềnh xuống thác đã từng đắng cay/ Tiếc thay những lúc bên Người/ Mà không nói hết những lời tri ân/ Phải chăng mách bảo tiền nhân/ Cha vào Gio Mỹ, Gio Linh với Hùng (em trai)/

Cồn khô cát bạc mênh mông/ Đồi Hai Mốt bi hùng còn đây/ Cát in bóng cha cao gầy/ Cha con đã quyết lập ngay đền thờ/ Ba hai liệt sĩ bơ vơ/ Có đài tưởng niệm điện thờ khang trang/ Hàng năm tháng bảy ngày rằm/ Cán binh Ba Sáu thắp hương nguyện cầu/ Nghìn năm sau vạn năm sau/ Đồi Hai Mốt vẫn khắc sâu bóng Người”.

Một lời thơ tự sự đậm tình đậm nghĩa cha con và đồng đội.

Với cha là thế. Còn với mẹ? Thì chưa có thơ về mẹ vì anh chỉ làm thơ về bậc sinh thành sau khi bậc sinh thành đã về với Tổ tiên. Mẹ anh nay đã gần cửu tuần mà còn khỏe. Anh có thơ Bên ngoại mẹ tôi cũng thắm thiết keo sơn với một dòng máu chung tình để có Nguyễn Đăng Giáp như thế.

Thơ nói về Bên ngoại mẹ tôi cũng phần nào là để nói về mẹ. Trong thơ hình ảnh của mẹ nơi sinh thành vẫn hiện rõ. Với mẹ, anh có hẳn cuốn sách Tình mẹ - Lời ru dày 295 trang (NXB Hội Nhà văn) do Duy Hướng thực hiện.

Ở lời Cùng bạn đọc, anh đã viết: “Nếu được nói về người mẹ vô cùng kính yêu của mình trong mấy từ rất ngắn gọn thì mẹ tôi là người mẹ hiếm có trên đời… Trong suy nghĩ, tình cảm của con cháu… nếu cha tôi là hiện thân của bản lĩnh, cốt cách, hào hoa, thông tuệ… thì mẹ là suối nguồn tình cảm, là hiện thân của sự hy sinh, tần tảo, chắt chiu, ngọt ngào sâu lắng…”.

Không cần nói những lời tri ân mẹ cha này sâu nặng đến đâu nữa. Tôi chỉ muốn nói là không nhiều trong văn chương ngày nay thuộc phạm vi hiểu biết có giới hạn của tôi.

Nguyễn Đăng Giáp lại còn làm thơ về mẹ vợ. Chỉ đọc nhan đề bài Thu của đất trời - Hương của hoa (Kính tặng mẹ vợ tôi - Nhà giáo Lê Thị Thu Hương) và đọc mấy câu đầu đã thấy cái tình của chàng con rể này với mẹ vợ cũng sâu nặng mà tôi cũng chưa thấy đâu có trong thơ đã đọc:

“Bao năm thủ tiết thờ chồng/ Mẹ tôi sống mãi vì đời cháu con/ Tuổi xuân khắc khoải héo mòn/ Phụng dưỡng mẹ cha nuôi ba con thơ dại/ Sớm hay khuya thân cò lặn lội/ Nước mắt mồ hôi hòa quyện với nước trời”.

Bài thơ kết lại: “Mẹ ơi nay bóng ngả về tây/ Mây che bóng nguyệt trăm năm đôi đường/ Nén hương thơm thấu đến cửu trùng/ Cõi trần dâu bể muôn phần nhớ thương/ Mẹ ơi hiu hắt lòng con/ Từ đây vắng bóng chỉ còn tiếng thơm/ Lưu danh mẹ với quê hương/ Nghi Trung, Nghi Lộc – Thu Hương vẹn tình”.

Nguyễn Đăng Giáp quả là một người nặng tình nặng nghĩa với các bậc sinh thành không chỉ của mình mà còn là của vợ. Tôi coi đây là vốn quí nhất của đời anh. Nó thuộc tư đức - chính là gốc rễ của thơ anh và là nền tảng của công đức - trong đó có con người doanh nghiệp lừng danh đã đóng góp nhiều công của cho quân đội cho đất nước mà sách báo đã nói nhiều.

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm