| Hotline: 0983.970.780

Tình chị em giữa Cò và Vạc mà ruột thịt cũng khó bằng

Thứ Năm 05/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Gần 4 năm ròng rã, hơn 1.000 ngày, trên 2.000 lần sang đút cơm, tắm giặt, vệ sinh cho Cò như thế, chị Oanh nào có mong chờ những lời ngợi khen...

Tội nghiệp thân Cò

Đoàn từ thiện xách lủng lẳng quà bánh trên tay bước vào nhà một người tật nguyền. Thấy anh đang nằm một chỗ ở trên giường, bô kê ngay dưới mông, ô a, ú ớ giọng nghe giống tiếng một con mèo con nên họ vội vàng bịt mũi, thối lui. Người con rể biết chuyện liền gọi cho chị Oanh: “Mẹ ơi về ngay, có mấy bà đến hỏi thăm chú Cò nhưng không ai phiên dịch được tiếng”.

Chị Oanh đang làm giúp việc ở gần đó liền sấp ngửa về và nhanh chóng hiểu ra hoàn cảnh trớ trêu trên liền xua tay: “Các chị cứ ra ngoài cửa đi, để em rửa ráy cho thằng Cò, lau sạch cái sàn nhà xong đâu đấy rồi mời các chị vào”.

Chị Oanh đang tắm cho Cò

Nhìn thấy cảnh tượng đó, nhiều người xuýt xoa: “Đến ruột thịt còn không hầu nhau được như thế mà em làm được, các chị nể phục quá!”. Gần 4 năm ròng rã, hơn 1.000 ngày, trên 2.000 lần sang đút cơm, tắm giặt, vệ sinh cho Cò như thế, chị Oanh nào có mong chờ những lời ngợi khen.

Trần Tuấn Anh - tên gọi thân mật ở nhà là Cò với chị Nguyễn Thị Oanh vốn chỉ là hàng xóm (ở cùng ngõ 12 đường Phạm Ngũ Lão, phường Quang Trung, TP Hưng Yên) trước đấy cũng không lấy gì thân thiết vì chênh lệch nhau đến 14 tuổi.

Chị lấy chồng năm 19 tuổi, 22 tuổi chịu cảnh góa bụa, quyết định ở vậy một mình chăm bố mẹ già, nuôi con thơ. Ngày đi làm giúp việc, tối lại nhận sợi về cuộn cho đủ mức khoán của HTX. Nhiều đêm chị thức trắng như một con vạc đi ăn khuya mà gia cảnh vẫn nghèo khó đến nỗi phải ở nhà vách đất.

Đến tận bây giờ chị vẫn còn ân hận rằng khi mẹ qua đời không có đủ tiền làm đám ma, lúc bố chết nhà vẫn còn nhiều túng thiếu. 20 năm làm nghề giúp việc mãi tận 5 năm trước khi đứa con gái duy nhất lấy chồng rồi sinh con chị mới chịu nghỉ…

Nhà kế bên có người hàng xóm tên là Đoàn Thị Nhung cũng chung cảnh chồng mất sớm lại còn khổ hơn cả chị vì có hai người con thì một bị tàn tật. Họa vô đơn chí, một buổi đang đạp xe chở sỏi ổi đi chợ bán chẳng may bà bị ô tô chèn cụt cả một chân. Thằng Cò - đứa con tật nguyền của bà khi đó thường xuyên không có người tắm giặt, đút ăn hay dắt đi vệ sinh nữa vì em nó phải tất tả chạy xe ôm cả ngày để kiếm tiền.

Một buổi, Cò kêu đói. Những âm thanh khào khào và run run phát ra từ cổ họng nó phải cố gắng lắm chị Oanh mới hiểu nổi: “Chị ơi, em đói! Thằng Đạt (em trai Cò) thổi cơm đây rồi nhưng không ai đút cho em ăn, chị đút cho em với!”.

Không cầm lòng được, chị ngồi đút cơm cho Cò. Nó ăn một cách rất chật vật khi hễ ngồi là mắc nghẹn mà phải nằm xuống mới nuốt nổi. Vậy là từ đó ngày 2 buổi sau khi đi làm giúp việc ở chợ phố Hiến chị Oanh đều tranh thủ đạp xe về nhà. Cửa cổng nhà mình có khi chưa mở nhưng chị đã vội nhảo sang nhà hàng xóm hỏi với: “Cò ơi, mày làm gì đấy?”.

Nghe giọng nói quen thuộc, Cò mừng rỡ “Em nằm chơi thôi, thằng Đạt chưa về nấu cơm chị ạ”. “Thôi thì ăn cơm cùng chị vậy kẻo đói”. Chị lật đật nấu cơm rồi mang sang cho hai mẹ con người hàng xóm. Bà mẹ còn tự xúc được nhưng Cò thì phải chờ chị xúc...

Người già nhiều khi ngại tắm nên nhiều lúc chị Oanh cũng phải nịnh: “Hôm nay cô tắm nhé để cháu xách nước vào cho”. Mồm nói, tay chị xách ghế, chậu cùng thùng nước vào tận giường để bà Nhung ngồi dựa lưng vào tường mà tắm.

Thời điểm ấy hai tay của Cò vẫn còn lê nổi tấm thân nhưng rất khó điều khiển.
 

Ruột thịt cũng khó bằng

Bận chị bị đau đầu gối vì thấp khớp nặng đến nỗi phải đi bệnh viện nên sang báo: “Cò ơi, mai chị đi chữa bệnh xa, không ở nhà, đi lâu khoảng 1 tuần cơ!”. Nó nghe thấy thế liền rơm rớm nước mắt, lần một hồi lâu dưới chiếu được một nắm tiền lẻ dúm dó: “Chị ơi, bao nhiêu năm chị vất vả vì em, em biếu chị 1 triệu để đi chữa bệnh. Đó là tiền hỗ trợ tàn tật của em, tuy không nhiều nhưng chị cứ nhận để mai đi sớm cho kịp xe. Khỏi chân chị lại sang chơi với em nhé!”. Chị nghe mà cảm động dâng trào.

Một tuần sau, vừa nghe thấy tiếng lạch xạch mở cửa quen thuộc, Cò đã xoắn xuýt: “Chị ơi, đỡ đau chân chưa?”. Một nụ cười méo mó nở trên khuôn mặt nó. Cò cười, những cái chân, cái tay tàn tật cứ đung đưa, rung lắc như cũng muốn cười theo.

Trời nồm chị lấy giẻ lau khô giường cho khỏi hôi thối, trời nắng giặt chăn chiếu cho khỏi bẩn. Lắm buổi đông giá, rét căm căm, nghĩ thương Cò lạnh nên chị mua cho nó cái quần dài: “Cò ơi, hôm nay chị mua cho mày cái quần Đông Xuân này, mặc vào cho ấm”.

“Chị ơi, em mặc quần đùi là được rồi không mặc quần dài đâu vì thay ra nhiều chị ngồi giặt lại bị đau chân thêm”. Cò đáp. “Rét thế này đến tao còn phải nằm đệm còn mày chỉ có manh chiếu không, mặc vào đi”. Chị thuyết phục. Nhưng dù có nịnh như thế nào thì Cò cũng nhất định không chịu mặc.

Từ hồi chị lên chức bà ngoại, phải trông thêm cháu, Cò cũng ý tứ: “Chị ơi, sáng chị sang đút cơm cho em lúc nào cũng được vì các con nhà chị đi làm vắng nhưng tối đến chị cứ thổi cơm, đút cho con Quỳnh Anh ăn xong, dọn sạch đi, 8-9h sang đút cho em cũng được. Em ăn xong chỉ việc đi ngủ thôi, không phải làm gì nên muộn cũng chờ được”.

Bệnh tật mỗi ngày một nặng khiến cho đôi tay Cò co quắp trong bất lực, đặt đâu nằm đấy như một cục thịt. Nhiều lúc phải đợi con cái đi làm hết chị Oanh mới dám bật bình nóng lạnh, xách nửa xô nước nóng sang tắm cho Cò rồi dỗ cho nó ăn.

Có khi Cò lơ đễnh, thìa cơm đút cho lại trượt ra khỏi mồm rơi xuống bị chị mắng: “Ôi giời ơi, chưa đút đã ngoảnh ra, rơi thức ăn đầy chiếu rồi kiến bò vào không đuổi được thì nó cắn chết”. Lắm lúc nó mệt không muốn ăn chị Oanh lại hát bài “Con cò bé bé” để Cò nhệch mồm ra cười mà đút cơm vào cho dễ...

09-15-07_dsc_9594
Chị Oanh xúc cơm cho Cò

Hôm Cò nhờ hàng xóm đẩy xe ra ngoài, vì mải chơi nên về ốm sốt. Chị sang đặt bàn tay mát lạnh như thạch lên trán của nó xem xét rồi vừa dặn vừa đe rằng: “Lần sau Cò đừng có ra bêu nắng lâu nếu không ốm là khổ vào thân nghe chưa? Tao nói mà không được là mặc kệ đấy!”.

Bận Cò bị xuất huyết dạ dày, nôn cả ra máu, tưởng mười mươi sẽ chết. Con gái cùng con rể rủ đi nghỉ mát nhưng chị Oanh cứ thoái thác rằng mình không thích du lịch nhưng thực ra là muốn ở nhà để chăm sóc cho Cò chóng bình phục.

Gần đây, khi cháu ruột của Cò đã học lên cấp hai, có thể tự đút cơm, tắm giặt cho bác thì chị Oanh mới được ngơi tay một tí. Nhưng lúc nào chị cũng canh cánh lo để mắt đến đứa trẻ đang còn tuổi mải ăn mải chơi này: “Hà ơi (tên của cháu Cò) sao đến giờ này chưa cho bác ăn cơm à?”, “Hà ơi, cháu tắm cho bác chưa đấy?”. Lắm bận con Hà vắng nhà chị lại sang xúc cơm, tắm rửa cho Cò như những ngày nào chưa xa.

Cò bây giờ không còn trẻ nữa, đã 46 tuổi còn chị của nó đã chớm già vì đã 60 tuổi nhưng lúc nào họ cũng thân mật, ríu ran. Với người chị vĩ đại này thì chuyện thiện nguyện chỉ rất giản đơn rằng: “Vì tôi đã khổ nhiều nên giúp được cho ai bớt khổ thì mình cũng vui chứ không nghĩ đến chuyện bẩn sạch gì cả…”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm